Tin tức nổi bật
Hiệu quả "nghề cũ" trong xây dựng nông thôn mới
(Ngày đăng: 16/07/2014   Lượt xem: 1254)
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Tây Ninh đã phát huy hiệu quả các ngành nghề truyền thống, qua đó tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và giữ gìn được bản sắc văn hóa địa phương từ nghề cũ…

Tay đan thoăn thoắt những vựa, giỏ mây tre, bà Phạm Thị Tầm, 74 tuổi, ngụ ở khu phố 4, thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh bày tỏ: "Đây là nghề cha truyền con nối của gia đình tôi. Trước đây, cha mẹ tôi cũng sống bằng nghề này. Tôi học nghề từ năm 12 tuổi, sau này nuôi con cháu bằng nghề đan lát. Giờ tuổi đã cao nhưng tôi vẫn đan được 2 cái giỏ mỗi ngày, mỗi cái bán được 35.000 đồng". 

Một hộ dân ở thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành sản xuất mặt hàng mây tre đan.

 

Vẫn theo bà Tầm, nghề mây tre đan còn giúp bà sống khỏe, sống vui và hòa thuận với con cháu. Hiểu rõ giá trị của nghề truyền thống, bà Tầm định hướng con cháu ngoài làm ruộng, chăn nuôi và một số nghề phụ khác, vẫn tiến hành làm mây tre đan, vừa tăng thu nhập, vừa rèn con cháu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Cũng nhờ giữ gìn nghề gia truyền, gia đình bà Tầm và các con của bà đều xây dựng được nhà cửa khang trang.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, cháu của bà Tầm, cho biết: “Trước đây, tôi cũng đi làm công nhân, mỗi tháng thu nhập được 3,5 triệu đồng mà phải làm đầy đủ, phải trả chi phí học nghề. Nếu nghỉ thì không có lương, đi làm thì có thu nhập nhưng công việc cũng không ổn định. Vì vậy, tôi quyết định chọn nghề đan truyền thống”.

Mỗi ngày, anh Tuấn làm được 5 cái giỏ, trừ chi phí anh thu nhập trên 100.000 đồng. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi, làm ruộng, làm việc nhà... Không chỉ anh Tuấn, nhiều người trong vùng cũng có suy nghĩ như thế. Tây Ninh là tỉnh đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Tỉnh có hơn 30 ngành nghề truyền thống, trong đó có nhiều ngành nghề nổi tiếng như làm bánh tráng, muối ớt, nghề mộc, làm hương... thu hút trên 18.000 lao động. Ngành nghề truyền thống không chỉ thu hút lao động chính, mà còn thu hút đáng kể người già, lao động nông nhàn... tham gia. Giá trị sản xuất nghề truyền thống năm 2013 đạt hơn 397 tỷ đồng.

Đi sâu vào những xóm, ấp ở các huyện Hòa Thành, Trảng Bàng, nơi có nghề gỗ, đan lát, làm hương, làm bánh tráng... phát triển mạnh, chúng tôi chứng kiến nhiều hàng hóa là đồ trang trí nội thất, sản phẩm của nghề truyền thống, được bày bán ven các con đường liên ấp, tạo nên những khu thương mại nông thôn. Điều ấn tượng hơn của chúng tôi là được đi trên các con đường giao thông liên thôn, liên xã đã bê tông hóa. Nhiều công trình văn hóa được gìn giữ, xây dựng sạch, đẹp, hoạt động nền nếp; nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, tạo nên những xóm, ấp trù phú. Tất cả là do nỗ lực của chính quyền và chính từng người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong đó có tạo nguồn thu từ những nghề xưa cũ.

Dĩ nhiên, dù là nghề mới hay nghề cũ thì đều có những khó khăn riêng. Thời gian gần đây, một số nguyên liệu mây, tre, gỗ khan hiếm; giá thị trường không ổn định; nhận thức của không ít người dân vùng biên còn hạn chế... khiến sản phẩm của nghề truyền thống khó tiêu thụ hơn. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo và các ban, ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh đã rà soát kỹ các ngành nghề, quy hoạch, sắp xếp lại để phát huy thế mạnh của từng nghề phù hợp từng địa bàn, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, phổ biến kinh nghiệm làm nghề cho nông dân… Ông Tạ Văn Đáo, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh khẳng định: “Tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, thành lập các hợp tác xã ngành nghề truyền thống, đồng thời khuyến khích người dân làm nghề truyền thống đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện quy trình sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tỉnh cũng chủ động liên kết với các tỉnh của Cam-pu-chia, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, quảng bá, tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm, phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, dịch vụ”.

Phát huy ngành nghề truyền thống ở Tây Ninh đã góp phần giải quyết tốt lực lượng lao động nhàn rỗi trong nông thôn, nâng cao đời sống người dân, gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh biên giới. So với năm 2010, năm 2013 vừa qua, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,8 triệu đồng/người, tăng 5,3 triệu đồng người/năm; hộ nghèo giảm còn dưới 1,67%. Từ tăng thu nhập, người dân tích cực đóng góp xây dựng các công trình, tạo sự đổi thay lớn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

                                                                                                               Theo: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.500.248
Tổng truy cập: