QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Du lịch nông nghiệp chủ thể phải là nông dân
(Ngày đăng: 23/06/2013   Lượt xem: 513)
Phát triển du lịch nông nghiệp sẽ giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập từ ngay mảnh đất của mình. Song để làm tốt điều này rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như sự nỗ lực từ chính bản thân người nông dân. Họ phải chính là chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp…
 
Nguồn: vov.vn

Liên quan đến câu chuyện hơn 60 hộ dân ở Đường Lâm xin trả lại danh hiệu di sản, mới đây các nhà khoa học, nhà quy hoạch, nhà quản lý và doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội đã có một cuộc trao đổi nhằm tìm giải pháp. Theo đó, hướng giải quyết trước mắt và quan trọng được đưa ra là làm sao để người dân Đường Lâm nhìn thấy giá trị cả về kinh tế lẫn văn hóa mà danh hiệu di sản đem lại. Mỗi địa phương mỗi cách làm, nhưng đây có thể xem là lời giải chung cho các địa phương đang sở hữu di sản.

Thực tế, có rất nhiều địa phương may mắn được sở hữu di sản văn hóa và theo đó, du lịch đã tìm về. Song nguồn lợi từ du lịch dường như chỉ “chảy” vào các công ty du lịch và một số hộ dân nhanh nhạy nắm bắt cơ hội từ du lịch. Trong khi đó, nhiều người dân tại địa phương hầu như không được hưởng lợi gì từ du lịch di sản đem lại. Do vậy, việc người dân không mặn mà với du lịch cũng như khó lòng kêu gọi họ sự chung tay bảo vệ di sản cũng là điều dễ hiểu.

Tại buổi tọa đàm, Ts Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), người đã thành công trong việc phát triển hai sản phẩm du lịch độc đáo là: “Hội An trong mùa mưa lũ” và “Mưa Huế” cho rằng, tại Đường Lâm khách du lịch không chỉ dừng ở việc tham quan nhà cổ, đình chùa miếu mạo, mà còn được thụ hưởng các giá trị văn hóa làng cổ và trực tiếp trải nghiệm cuộc sống, sản xuất nông nghiệp và nếp sinh hoạt của người dân nơi đây.

Đại diện một công ty lữ hành cũng cho rằng, các sản phẩm du lịch nông nghiệp luôn có sự độc đáo, hấp dẫn do nét văn hóa mang đặc thù địa phương sẽ níu chân khách du lịch, theo đó sẽ làm tăng nguồn thu từ dịch vụ và vào trực tiếp túi của người dân. Người dân có thể thu lời bằng việc kinh doanh trên chính cánh đồng của mình, cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống tại nhà, bán đồ lưu niệm, bán sản vật địa phương như các loại bánh tẻ, bánh nếp, kẹo dồi, nước tương…

Thực tế, Đường Lâm cũng như đối với những địa phương khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ có thể xây dựng một chuỗi các dịch vụ độc đáo với các cấp độ khác nhau phù hợp với cả đối tượng khách nội địa, khách quốc tế và khách quốc tế cao cấp như: đưa du khách ra đồng cấy lúa, gặt lúa, thu hoạch hoa màu, bắt cua, ốc… cùng người nông dân; tổ chức biểu diễn âm nhạc trên cánh đồng; dựng các nhà nghỉ dân dã kiểu chòi canh để du khách được ngủ đêm giữa cánh đồng; chế biến tại chỗ các món ăn đồng quê dân dã như ngô, khoai, châu chấu, chuột đồng, cá quả nướng rơm; phát triển dịch vụ sản xuất đồ lưu niệm mô phỏng công cụ lao động - sinh hoạt nông thôn bằng rơm rạ, đá ong, nan tre...

Phát triển du lịch nông nghiệp sẽ giúp người nông dân nâng cao thu nhập trên mảnh đất của mình. Song để làm tốt điều này rất cần sự đồng thuận từ chính quyền địa phương cũng như sự nỗ lực từ chính bản thân người dân. Bởi một trong những yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của du lịch đó là tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp. Người nông dân phải được đào tạo để trở thành những nhà làm du lịch - chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp. Hơn thế vấn đề quan trọng để phát triển mô hình này là tính liên kết giữa các trang trại, các vùng, giữa chính quyền và nông dân, công ty du lịch và địa phương.

Về chính sách quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng, nên áp dụng một số cách làm của Hội An để kinh doanh du lịch tại các địa phương có du lịch di sản. Điển hình là việc quy hoạch các điểm tham quan để bán vé, khách đến du lịch tại đây mua các hạng vé khác nhau sẽ được tham quan số điểm khác nhau, trong đó sẽ có cả phần du lịch nông nghiệp. Nguồn lợi của người dân địa phương hiển nhiên sẽ được tính đến một cách triệt để.

Hiện nay, mô hình du lịch nông nghiệp ở nước ta vẫn tồn tại dưới dạng tự phát. Vài năm trước, Hội Nông dân Việt Nam từng triển khai dự án xây dựng điểm du lịch nông nghiệp tại các tỉnh. Theo đó, tại mỗi tỉnh, dự án hỗ trợ xây dựng 2 điểm du lịch nông nghiệp. Mỗi nhóm tham gia gồm 15 - 20 hộ gia đình. Nông dân tham gia dự án được tập huấn kiến thức và kỹ năng cơ bản về du lịch nông nghiệp như giao tiếp, tiếng Anh, nấu nướng, phong tục tập quán, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức quản lý… Ngoài ra, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và dạy nghề để có thể sản xuất ra thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Có thể xem đây là kinh nghiệm để các địa phương chủ động tìm hướng đi cho người dân.

                                                                                             Theo: Đại Biểu Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.510.164
Tổng truy cập: