QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Tìm nét riêng cho du lịch vùng
(Ngày đăng: 14/04/2013   Lượt xem: 782)
Đầu tháng 4 này, Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam triển khai sẽ đệ trình Bộ VH, TT và DL. Có thể xem đây là bước đi quan trọng trong việc định hình sản phẩm du lịch mang bản sắc của từng địa phương.

Trùng lặp, đơn điệu…

Nói đến đồng bằng sông Cửu Long, du khách thường nghĩ đến nơi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, sông rạch chằng chịt với những chợ nổi mua bán nhộn nhịp, miệt vườn cây trái sai trĩu cành... Theo đó, sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành ở khu vực này chủ yếu là những tour sông nước miệt vườn, chợ nổi trên sông, di tích lịch sử văn hóa, đình chùa… Hay ẩm thực với những món ăn quen thuộc cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng trui... Có thể nói, so với các khu vực khác thì những sản phẩm này thực sự hấp dẫn. Song có một điều dễ nhận thấy, các sản phẩm du lịch nơi đây đều chỉ quanh quẩn khai thác tour như đã định hình nhiều năm.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, hướng dẫn viên Saigontourist khách nước ngoài cho biết, có rất ít khách du lịch thăm lại đồng bằng sông Cửu Long khi họ trở lại Việt Nam, mặc dù trước đó họ chỉ mới ghé Cần Thơ hay Vĩnh Long. Một tour của chúng tôi bao gồm: thăm chợ nổi Phụng Hiệp, len lỏi trên những con rạch để tham quan vườn cây ăn trái, nghe đờn ca tài tử, ăn cơm nhà vườn... Rồi hết. Như vậy du khách chỉ cần ghé Cần Thơ là có thể hình dung các tỉnh còn lại.


Nguồn: ITN
Tình trạng này cũng đang diễn ra tại vùng duyên hải Nam Trung bộ. Các tỉnh trong vùng đều có biển để phát triển du lịch biển đảo với các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng biển, thể thao trên biển, trên cát cũng như du lịch sinh thái biển, lặn biển... Song các sản phẩm du lịch đa phần vẫn là những tour du lịch tắm biển, tham quan cảnh đẹp đơn thuần, du lịch tâm linh lễ chùa, dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu và yếu… 

Các sản phẩm khu vực Bắc Trung bộ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ts Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch từng chỉ ra rằng, điểm yếu của du lịch biển, đảo Bắc Trung bộ đều đơn điệu và trùng lặp, phổ biến vẫn chỉ là các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng và tắm biển, thiếu những sản phẩm du lịch và dịch vụ cao cấp, độc đáo, có chất lượng và uy tín trên thị trường. Cả vùng hiện vẫn chưa có khu du lịch biển tổng hợp tầm cỡ; các giá trị văn hóa biển truyền thống cũng không được chú ý khai thác đúng mức.

Thiếu sản phẩm đặc trưng mang bản sắc vùng, thiếu sự đa dạng và sức hấp dẫn là một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế khả năng chi tiêu và kéo dài ngày lưu trú cũng như khó lòng kéo khách trở lại lần hai gây ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch nước ta. Không làm mới được một sản phẩm du lịch đã tồn tại khắp các tỉnh, thành trên cùng một địa bàn thì chắc chắn chất lượng và khả năng thu hút sản phẩm đó sẽ tụt giảm trầm trọng và không được chú ý như khi nó mới ra đời, một nhà nghiên cứu  về du lịch nhận định.

Mỗi vùng một sản phẩm du lịch

Tìm bản sắc riêng cho từng khu vực khác nhau là một trong những vấn đề cần thiết góp phần giúp du lịch ở các địa phương phát triển mạnh. Theo đó, 7 vùng du lịch được đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam triển khai đệ trình Bộ VH, TT và DL có đến 4 vùng có sản phẩm du lịch biển đảo và đều mang tính trọng tâm, đó là: vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ, vùng duyên hải Nam Trung bộ và vùng đông Nam bộ. Song, quy hoạch đã làm nổi bật những đặc trưng, lợi thế riêng của mỗi sản phẩm với các hướng khai thác khác nhau, có khả năng cạnh tranh cao. Ông Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: hai yếu tố văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên luôn được nhấn mạnh trong quy hoạch 7 vùng du lịch như một quan điểm phát triển du lịch bền vững với tầm nhìn dài hạn. Quan điểm ngắn hạn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên văn hóa để phục vụ du lịch cần bác bỏ triệt để.

Cụ thể, vùng đồng bằng sông Hồng, sở hữu nhiều vịnh đẹp, nổi bật là Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và hệ thống các đảo đa dạng hàng đầu cả nước như đảo Cát Bà, các đảo nhỏ thuộc vịnh Lan Hạ, đảo Cô Tô, đảo Quan Lạn, đảo Cái Bầu… Theo đó, sản phẩm được xác định cho vùng sẽ là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tham quan biển, du lịch thể thao mạo hiểm trên biển gắn liền với du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp cũng là hướng phát triển của vùng Đông Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ với những hòn đảo hoang sơ, các bãi biển đẹp được xếp hạng quốc tế. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch ở đây còn là du lịch đảo nghỉ dưỡng và du lịch lịch sử - tâm linh với hai đại diện tiêu biểu là Côn Đảo và Phú Quốc.

Vùng Bắc Trung bộ với nét đặc trưng là nơi có nhiều di sản nhân loại thì biển đảo sẽ có những sản phẩm bổ sung tạo nên sự đa dạng cho du lịch di sản. Quy hoạch xác định rõ việc khai thác các di sản cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng, Thành nhà Hồ, di tích Kim Liên, di tích Quảng Trị phải gắn liền với hệ thống các bãi biển đẹp từ Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm đến Cửa Tùng - Cửa Việt, Cồn Cỏ, Lăng Cô - Cảnh Dương…

Cũng giống như sản phẩm du lịch biển, sản phẩm du lịch sinh thái của mỗi vùng cũng được xác định các đặc điểm nổi bật riêng nhằm tránh khai thác trùng lặp, khai thác không triệt để, không hiệu quả tiềm năng sẵn có. Trong đó, du lịch sinh thái vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ đầu tư trọng tâm vào sinh thái núi và hồ gắn với du lịch mạo hiểm, vùng đồng bằng sông Cửu Long là sinh thái rừng ngập mặn… Từ đó có thể thấy, quy hoạch đã tính đến những nét riêng của mỗi vùng đất song để tạo nên những sản phẩm khép kín cho một hành trình du lịch thì các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ. Thể hiện qua sự bổ sung hỗ trợ cho nhau, tránh kiểu mạnh ai người nấy làm như từng diễn ra ở các địa phương cùng khu vực.

       Theo: Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.497.159
Tổng truy cập: