QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Chợ phiên Đồng Văn
(Ngày đăng: 27/03/2013   Lượt xem: 641)

Tham gia những buổi chợ phiên của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao là dịp tốt để tìm hiểu văn hóa, phong tục và đời sống của đồng bào nơi đó. Sẽ là đáng tiếc nếu như lên vùng cao mà không được xem chợ phiên.


Một lần lên cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, tôi có dịp tham dự phiên chợ độc đáo và sinh động của cộng đồng 23 dân tộc nơi đây. Khi trời vẫn còn sương phủ kín, ông mặt trời vẫn ngủ im đâu đó sau vách núi, cái lạnh như cắt da cắt thịt lan tỏa khắp không gian, lúc này từ các dãy núi, những người dân vùng cao núi đá tai mèo đã tấp nập, í ới gọi nhau xuống núi cho kịp chợ phiên.


Toàn cảnh Phố cổ và chợ Đồng Văn.


Chợ Đồng Văn nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn, đây là trung tâm giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hóa và văn hóa lớn nhất ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc. Tọa lạc trên một khu rộng lớn, tổng thể kiến trúc hình chữ U, toàn bộ đều sử dụng bằng vật liệu đá, khu chợ Đồng Văn từ lâu đã trở thành nơi hội tụ bản sắc văn hóa của những sắc màu dân tộc trên cao nguyên tột Bắc này.


Vào ngày chợ phiên, khu phố cổ vốn nhỏ bé tĩnh lặng ngày thường trở nên náo nhiệt đông vui như ngày hội với đủ sắc màu sặc sỡ. Chợ Đồng Văn mỗi tuần họp một phiên duy nhất vào ngày chủ nhật. Đồng bào Mông, Dao, Tày, Giáy, Nùng, Lô Lô… trong những bộ trang phục truyền thống, họ từ các dãy núi xuống chợ, sản phẩm mang đi bán là những nông sản, người dắt lợn, dắt chó, người gùi củi, gùi rau… Tất cả tấp nập trong không khí thật đông vui, có người phải đi từ 3 giờ sáng, vượt qua mấy ngọn núi để xuống cho kịp phiên chợ. Từ các xã Sà Phìn, Ma Lé, Lũng Cú... đồng bào cũng tìm đến đây dự chợ.


Nét độc đáo ở phiên chợ Đồng Văn không chỉ thể hiện ở việc có rất nhiều dân tộc tham gia mà còn là ở sự phong phú của những mặt hàng mà đồng bào mang đến chợ, chủ yếu là những sản phẩm nông sản, sản vật trong vùng do bàn tay đồng bào làm ra. Từ rau, ngô, gạo, rượu ngô, mật ong, thổ cẩm, lợn, gà... đến trâu, bò và các đồ dùng thủ công khác, thậm chí chỉ vài bó củi, bó rau những sản phẩm chẳng có giá trị kinh tế là bao nhưng người ta vẫn háo hức, mong chờ và hội tụ về đây. Những thứ mà đồng bào mua về nhà thường là: Dầu hỏa, muối, đèn pin, chăn, màn, cùng các đồ dùng sinh hoạt khác chuyển từ miền xuôi lên.


Hàn huyên bên chén rượu tại chợ phiên là thói quen của nhiều người dân.


Khác với những phiên chợ vùng xuôi, người đi chợ thường để mua bán, tại chợ phiên Đồng Văn, đồng bào ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hóa còn giao lưu, gặp gỡ, để uống rượu, thổi khèn và ăn thắng cố. Chợ cũng là nơi để chị em phụ nữ khoe và trưng diện những bộ trang phục đẹp, sặc sỡ nhất với bạn bè; để các chàng trai khoe tài trong những âm điệu réo rắt, vang ngân của tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn tình nghe tha thiết. Đó cũng là nét văn hóa đặc trưng riêng có của phiên chợ vùng cao nguyên cực Bắc này.


Nói đến phố cổ Đồng Văn, bên cạnh vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ kính rêu phong, chúng ta còn thấy nét văn hóa đặc trưng của vùng cao nguyên đá. Mặc dù sống ở phố chợ buôn bán nhưng người dân trong khu phố sống với nhau rất hòa thuận, chất phác. Trong một dãy phố, liền kề mấy nhà đều bán thịt treo, thịt bò khô, lạp xưởng... nhưng họ không bao giờ chèo kéo giành giật khách; khi gia đình nào có công to việc lớn như dựng nhà, đám hiếu, hỷ mọi người tự nguyện đến giúp.


Vào phiên chợ, thường thì cả nhà cùng đi. Các bà mẹ, người vợ đi chợ để mua sắm; các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em theo bố mẹ đi chơi; thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình. Sau vài phiên chợ nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng.


Thắng cố - món ăn đặc trưng ở các phiên chợ.


Món ăn đặc trưng nhất ở phiên chợ vùng Cao nguyên đá Đồng Văn là thắng cố - món ăn được nấu “thập cẩm” gồm thịt và nội tạng của gia súc ăn cỏ như ngựa, bò. Với món ăn này người ta thường nói: “Nếu đến vùng cao mà chưa được ăn thắng cố thì coi như chưa được đến vùng cao”. Được thưởng thức bát thắng cố, nhấp chén rượu ngô thơm lừng trong tiết trời se lạnh cùng tiếng khèn Mông văng vẳng réo rắt bên tai - du khách sẽ cảm nhận được cái hay, cái độc đáo trên mảnh đất cao nguyên này. Đặc biệt vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng, tại khu chợ và phố cổ này diễn ra các hoạt động văn hóa sinh động mang đặc trưng riêng của đất và người vùng cao như: Cuộc thi chọi chim, trình diễn ẩm thực, văn nghệ, trình diễn dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc trong vùng. Bên cạnh đó, vào buổi tối, các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ và tổ chức một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm, cà phê phố cổ… nhằm thu hút khách du lịch.


                                                                                                                       Theo: TTXVN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.496.875
Tổng truy cập: