QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
CNN: Thành nhà Hồ, di sản thế giới độc đáo của UNESCO
(Ngày đăng: 27/08/2015   Lượt xem: 504)
Không đóng cửa những gì thuộc về quá khứ, Chính phủ Việt Nam đã tìm ra được giá trị của những công trình thành cổ của các thế hệ trước và quảng bá chúng như một địa điểm du lịch giá trị.

Từ năm 1993 đến nay, 8 địa danh ở Việt Nam, bao gồm 3 thành lũy cổ, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cùng với một số công trình khác đang chờ được xét duyệt. Rất nhiều trong số này là những địa danh mang tính tự nhiên và lịch sử cao, như Vịnh Hạ Long và tổ hợp thành cổ ở Huế.

Nhưng công trình thành cổ mới được công nhận gần đây nhất, vào năm 2011, lại gần như không được biết đến trước đó. Đó là thành cổ nhà Hồ, nằm ở khu vực miền núi xa xôi của tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 150km về phía Nam. Việc UNESCO lựa chọn thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới khá lạ vì một vài lý do.

Thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011.

Đầu tiên, triều đại nhà Hồ chỉ kéo dài 7 năm (1400-1407), quãng thời gian ngắn ngủi như một giọt nước trong đại dương lịch sử của Việt Nam. Thứ hai là thành cổ này hoàn toàn trống không: không có lâu đài, không đền chùa, không lăng mộ, chỉ là bốn bức tường quây xung quanh đồng lúa. Tuy nhiên, theo UNESCO, thành cổ này tiêu biểu cho “một ví dụ xuất sắc về cố đô kiểu mới của các triều đại ở Đông Nam Á”.

Những thông tin đó đã thúc đẩy trí tò mò của Ron Emmons, nhà báo, nhiếp ảnh gia người Anh, thường xuyên đi khắp Đông Nam Á và đóng góp các bài du lịch cho CNN, National Geographic và Rough Guides. Ron quyết định khám phá thành cổ nhà Hồ, cố đô mang một vẻ đẹp khác lạ và nhiều bí ẩn ở miền Trung Việt Nam.

Dưới đây là hành trình khám phá thành nhà Hồ của Ron được đăng tải trên CNN:

Những gì còn lại ở thành nhà Hồ

Tôi liên lạc với Xuân, một người bạn sống ở Ninh Bình, cách thành nhà Hồ khoảng 60km về phía Đông. Chúng tôi đến cổng phía Bắc của thành cổ, trả khoảng 10.000 đồng tiền vé vào, trèo lên những ụ đất mọc đầy rêu để có cái nhìn toàn cảnh khu di tích từ trên cao.

Xuân nói với tôi rằng địa danh này được chọn dựa trên những tiêu chí về phong thủy, anh vừa nói vừa chỉ vào dãy núi Đốn Sơn và Thổ Tượng tạo thành vòng cung bảo vệ thung lũng, bên cạnh đó là sông Mã và sông Bưởi chảy bên cạnh thành cổ.

Dù xung quanh là khung cảnh điền viên nhưng sự chú ý của tôi hướng đến những khối đá khổng lồ trên tường thành. Chúng gắn với nhau mà không hề dùng vôi vữa dù đó là những khối đá có diện tích rất to và nặng. Những bức tường thành 600 năm tuổi, trải dài gần một km mỗi  bên, gần như còn nguyên vẹn và bốn cánh cổng thành vẫn đứng sừng sững bất chấp thời gian.

Thành nhà Hồ được xây dựng từ những khối đá to, nặng mà không dùng vôi vữa.

Một điều không thể tránh khỏi là một số phần của tường thành đã bị cây cỏ bao phủ nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy khía cạnh thần bí của thành nhà Hồ. Bên trong những bức tường vững chắc đó là những cánh đồng ngô, ruộng lúa xanh mướt, cùng các ao nước và những lối đi ven ruộng, một cảnh tượng cho thấy sự trù phú và tự chủ của người dân nơi đây.

Lịch sử ngắn ngủi của triều đại nhà Hồ

“Tại sao triều đại nhà Hồ lại kết thúc nhanh như vậy?”, tôi hỏi Xuân về giai đoạn ít được biết tới này trong lịch sử Việt Nam. Xuân giải thích, vào cuối thế kỷ 14, triều đại nhà Trần bị xáo trộn và Hồ Quý Ly, quan nhiếp chính dưới thời vua Trần Thuận Tông ở Thăng Long (Hà Nội), lên kế hoạch đoạt ngôi. Năm 1397, ông Hồ Quý Ly cho xây dựng một thành lũy mới và hoàn thành chỉ trong vòng 3 tháng, một tốc độ đáng kinh ngạc trong thời kỳ chưa có nhiều công cụ xây dựng như bây giờ.

Khi Hồ Quý Ly mời vị vua lúc đó tới kiểm tra thành lũy mới xây dựng, ban đầu được gọi là Tây Đô, ông đã lập tức cho giam cầm Trần Thuận Tông, lập mình lên làm vị vua đầu tiên của triều đại nhà Hồ năm 1400. Nhưng chỉ sau một năm lên ngôi, Hồ Quý Ly bị chính con trai thứ của mình là Hồ Hán Thương truất ngôi và lên làm vua trong khoảng 6 năm, trước khi bị quân Minh bắt năm 1407.

Dù không tại vị được lâu nhưng Hồ Quý Ly lại là người chịu trách nhiệm việc ban hành tiền giấy, làm sổ hộ tịch, hạn chế gia nô, cũng như mở cửa các cảng biển cho giao thương nước ngoài, đồng thời phát triển lĩnh vực giáo dục bao gồm đưa thêm một số môn học như toán và nông nghiệp.

Chúng tôi lái xe dọc theo con đường nhỏ xuyên qua khu vực thành lũy trống trải để tới cổng phía Nam, lối đi chính của thành nhà Hồ, gồm có 3 mái vòm, so với một mái vòm ở cổng phía Bắc, Đông và Tây. Chúng tôi bước vào một căn lều tre nằm bên ngoài cổng và nhìn thấy nhiều hình vẽ miêu tả voi, ngựa, các binh lính cầm giáo... Từ căn lều tre, chúng tôi dạo bước vào một bảo tàng gần như trống không, trong đó trưng bày một vài cổ bật như những quả bóng bằng đá dùng để làm đạn bắn súng cao su và phần đầu của con phượng hoàng làm từ đất nung được tìm thấy ở khu vực này.

Nông nghiệp và du lịch

Tôi để Xuân nói chuyện với người trông nom bảo tàng và trèo lên đỉnh của cánh cổng phía Nam và tưởng tượng hình ảnh của thành cổ nhà Hồ đông đúc với dân cư từ thế kỷ thứ 15 khi họ đi chợ, đi chùa hay thực hiện các công việc đồng áng. Nhưng hình ảnh trước mắt mà tôi thấy bây giờ là các em học sinh đang đạp xe từ trường về nhà qua con đường hai bên là ruộng lúa.

Bên trong thành nhà Hồ là con đường với ruộng lúa xanh mướt hai bên.

Xuân bước ra khỏi bảo tàng và nói với tôi mối lo lắng về tương lai của thành cổ này. Là một phần trong thỏa thuận với UNESCO, Việt Nam cam kết bảo vệ di sản thành nhà Hồ, có nghĩa là không cho xây dựng những tòa nhà mới để tránh hủy hoại quang cảnh lịch sử nơi đây, cũng như giới hạn việc sản xuất nông nghiệp bên trong khu vực thành cổ.

Ông Nguyễn Xuân Toàn, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ, cho biết: “Vì các hộ dân sở hữu ruộng đều có quyền, họ sẽ tiếp tục xây nhà và các công trình khác, điều này sẽ làm khó cho việc bảo tồn thành cổ”.

Ông cũng giải thích rằng việc cày cấy, gặt lúa và đào hố trong khu vực đất thành cổ có thể gây ra tác động xấu với phần đất phía bên dưới của di tích. Ở thời điểm hiện tại, dường như những người nông dân địa phương sẽ phải hy sinh quyền lợi của mình để giới chức thực hiện việc bảo tồn di sản nhằm thu hút du lịch.

Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.

                                                                                             Theo: infonet.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.502.346
Tổng truy cập: