QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Hà Nội giờ chỉ còn du lịch làng... "mất" nghề
(Ngày đăng: 01/07/2013   Lượt xem: 552)

Hà Nội là địa phương tập trung các làng nghề nhiều bậc nhất trong cả nước. Tuy nhiên, tại đây cũng chưa tận dụng được các tiềm năng để phát triển hình thức du lịch làng nghề truyền thống.

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Ảnh:luavanphuc.com)
Nhiều tiềm năng
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chỉ riêng thủ đô Hà Nội sau khi sáp nhập với Hà Tây hiện có khoảng 1.300 làng nghề, trong đó 277 làng nghề được thành phố công nhận.
 
Các làng nghề này thuộc khá nhiều làng như Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, cốm làng Vòng, giò chả Ước Lễ, làng nón Chuông, tượng gỗ Vũ Lăng, điêu khắc Nhân Hiền, mây tre đan Chương Mỹ, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, mộc Chàng Sơn … Tất cả những làng nghề này đều có tiềm năng rất lớn trong việc tổ chức hình thức du lịch làng nghề truyền thống.
 
Loại hình du lịch này thường rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, du lịch làng nghề truyền thồng còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương.
 
Thế nhưng, “vẽ rồng vẽ phượng” ra thì nhiều lợi ích về kinh tế và văn hóa là vậy, nhưng các tour du lịch làng nghề đúng nghĩa thì hầu như chưa có. Người ta chỉ đặt tên vậy cho kêu chứ thực chất du khách chẳng cảm nhận được gì về cái “nghề” lẫn chiều sâu văn hóa truyền thống của cái làng mình vừa được tham quan.
 
 Èo uột du lịch tại các làng nghề
Điểm qua trong số hàng trăm những làng nghề được công nhận tại Hà Nội, cũng chỉ có một số các làng nghề thủ công mỹ nghệ đang tồn tại các hoạt động du lịch.
 
Làng nghề gốm Bát Tràng (Ảnh:batrang.infor)
 
Làng nghề làm gốm Bát Tràng được coi là một trong những “điểm sáng” về du lịch làng nghề tại Hà Nội. Tuy nhiên các sản phẩm du lịch tại làng nghề này còn khá “nhạt”, mới chỉ dừng lại ở việc thăm quan chợ gốm bày bán quá nửa số sản phẩm là hàng Trung Quốc, và xưởng gốm sản xuất hàng đại trà, bình dân.
 
Những hoạt động đặc sắc tý chút như xe trâu để khách đi tham quan quanh làng, tổ chức các xưởng gốm để khách được tự tay vẽ, nặn chỉ hoàn toàn mang tính tự phát. Bên cạnh đó, tuy có nhiều sản phẩm gốm nhưng Bát Tràng chưa thể có được một sản phẩm đặc trưng của riêng mình, để chỉ cần nhắc tới, là mọi người nhất định sẽ phải nhớ đến Bát Tràng. Các dịch vụ như ngủ, nghỉ, ăn uống cho khách tại làng cũng rất hạn chế, chỉ xoay quanh một số đồ ăn vặt như bánh giò, bánh tẻ, bánh sắn nướng hay xúc xích, bánh khoai mà chỗ nào cũng có. Trong khi, đặc sản của Bát Tràng là món măng nấu mực thì hầu như chẳng du khách nào được thưởng thức.
 
Trong khi đó, với lợi thế có hệ thống giao thông thuận tiện, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc có thể thu hút được nhiều khách du lịch, thì lượng khách đến làng ngày càng giảm, nhất là trong vài năm trở lại đây. Quá trình đô thị hóa khiến nhiều nét đẹp của làng nghề đang dần mất đi. Cùng với đó, giá nguyên liệu tăng cao, nguồn cung không ổn định, sản phẩm lụa làm ra không bán được khiến nhiều gia đình bỏ nghề đến với công việc khác đã “giết” dần nghề dệt lụa truyền thống. Một thực trạng nữa khiến du khách quay lưng với làng lụa cũng nhiều phần vì tiếng là làng nghề dệt lụa, nhưng khách đến thăm quan hầu như cũng chẳng thấy còn mấy nhà “lách cách khung cửi”. Hơn nữa, trong những món quà lưu niệm khách mua mang về, phần nhiều là các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc được trà trộn vào bán cho du khách. Thậm chí, việc tìm kiếm những sản phẩm có mác made china còn dễ hơn tìm một sản phẩm lụa truyền thống do Van Phúc làm ra. Điều này, khiến làng lụa Vạn Phúc không còn thu hút được du khách đến thăm quan, mua hàng do đang ngày càng mất nghề.
 
Các địa phương chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển du lịch làng nghề, chủ yếu là các hộ dân tự biên tự diễn. Dịch vụ để phục vụ, thu hút khách thăm quan du lịch, cơ sở hạ tầng, giao thông yếu kém… hầu như không được tổ chức có hệ thống.
 
Nhiều làng nghề đang “chết dần” hoặc đánh mất nhiều nét đặc trưng do quá trình đô thị hóa. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển du lịch. Có thể nói, chính các làng nghề cũng đang phải vật lộn để tồn tại với chính mình thì làm sao đem lại nguồn sinh khí gì cho các tour du lịch giải trí.
 
Thiếu và yếu sản phẩm đồ lưu niệm
Ngoài chuyện tổ chức hành trình du lịch làng nghề yếu kém, các mặt hàng lưu niệm, thứ để du khách lưu luyến, ghi dấu ấn trong lòng họ tại các làng nghề cũng đang bỏ trống. Nghe thì lạ tai, bởi đồ lưu niệm sẽ là chính những sản phẩm truyền thống của làng nghề thôi chứ còn mong gì. Nhưng cái đáng nói là chính các mặt hàng này cũng đơn điệu về kiểu dáng, chủng loại, màu sắc và có thể mua được ở bất cứ đâu cũng được chứ không phải là đặc sản riêng của làng nghề. Thậm chí, các sản phẩm đồ lưu niệm này, qua nhiều năm cũng chẳng được cải tiến hay có thêm sản phẩm mới cho phù hợp với xu thế thời đại, mà chỉ quanh đi quẩn lại vài chiếc nón, cái quạt màu sắc, kiểu dáng không bắt mắt. Đấy là chưa kể, hàng lưu niệm của Trung Quốc xuất hiện ê hề tại các làng nghề, dù sản phẩm chẳng có chút liên quan nào, nhưng vẫn được các hộ kinh doanh mua về bán cho du khách.
 
Dường như chưa có sự phân biệt giữa sản phẩm xuất khẩu bán ra thị trường và sản phẩm dành cho du lịch tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ của nước ta như: sơn mài, tranh thêu, đồ mỹ nghệ bằng rơm, tre, gỗ… có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài và được khách hàng ưa chuộng. Nhưng những sản phẩm đó ngay tại Việt Nam, có giá rẻ hơn nhiều nhưng vẫn không thể bán dù khách du lịch có thích thú. Đơn giản vì, khách du lịch quốc tế sang nước ta thường là dài ngày, họ không thể mang đi vác lại những món đồ cồng kềnh, dễ vỡ trong suốt cuộc hành trình cho đến khi về nước và càng không thể mang với số lượng lớn về làm quà tặng bạn bè.
 
Các làng nghề đã quá chú trọng vào thị trường đồ mỹ nghệ xuất khẩu, mà không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm du lịch khi mà thị trường này đang rất sôi động. Đôi khi chỉ những sản phẩm nhỏ, rẻ tiền nhưng có thể mang lại nguồn thu lớn, nhưng điều đó đòi hỏi phải có cái đầu biết suy nghĩ. Bởi nếu biết coi trọng, tìm tòi thì chỉ từ sản phẩm nhỏ nhất cũng có thể có ảnh hưởng mang tầm vĩ mô, ghi dấu ấn đặc trưng của Việt Nam, điều mà ít ai quan tâm đến mà chỉ bận lo nghĩ làm sao bán nhiều hàng. Vấn đề thương hiệu, nhận biết cũng chính là một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam, của làng nghề Việt Nam và gần gũi thiết thực hơn là của chính đồ lưu niệm Việt.
 
Cái gì làm cũng manh mún, ăn xổi và không liên kết thành hệ thống, và nếu chỉ có kiểu dịch vụ làm ăn tự phát thì mãi mãi mô hình du lịch làng nghề chỉ là để cho du khách về làng, ngắm cảnh tiêu điều đang được đô thị hóa. Và trong khi khách còn đang ngơ ngác không hiểu có phải mình đang ở làng nghề không thì nếu “may mắn” có thể sẽ “được” dẫm vào… phân trâu, thứ duy nhất cho thấy: Bạn đang ở nông thôn, đứng giữa… làng nghề.
 
                                                                                                  Theo: Sống Mới
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.510.121
Tổng truy cập: