TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(29)- Tây Hồ nỗ lực phát triển công nghiệp văn hóa
(Ngày đăng: 27/02/2024   Lượt xem: 53)

Với mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô, quận Tây Hồ đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân, DN trên địa bàn về việc phát triển công nghiệp văn hóa.

Lãnh đạo phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đón nhận Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóaphi vật thể Quốc gia. Ảnh: Vân Nhi
Lãnh đạo phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đón nhận Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóaphi vật thể Quốc gia. Ảnh: Vân Nhi

Nâng tầm các di sản

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó tiếp tục khẳng định vai trò của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của quận. Với mục tiêu đó, trong những năm qua, cán bộ và Nhân dân quận Tây Hồ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy tối đa những thế mạnh là thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng cho Tây Hồ.

Tại phường Phú Thượng, với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống địa phương - nghề xôi Phú Thượng và nâng cao đời sống người dân, quận Tây Hồ đã luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ làng nghề phát triển. Cụ thể, từ năm 2016, Phú Thượng được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Năm 2019, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Xôi Phú Thượng". Ngoài ra, xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao của TP Hà Nội…

Để định vị, bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống với tư cách là một di sản văn hóa, trong thời gian qua, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở VH&TT Hà Nội, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), các nhà khoa học đầu ngành văn hóa… “Nghề xôi Phú Thượng” đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với việc phát triển thương hiệu của xôi Phú Thượng, trong những năm qua, quận Tây Hồ đã tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang đường, ngõ, chiếu sáng trên địa bàn phường Phú Thượng. Đồng thời, triển khai xây dựng Đề án “Điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng” nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho làng nghề phát triển, khẳng định thương hiệu và nâng cao đời sống của người dân.

Theo chương trình hợp tác phối hợp thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội”, địa điểm tổ chức thực hiện thí điểm trồng sen trong năm 2024 sẽ bao gồm các hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ (phường Quảng An); hồ Ao Sen 1, Ao Sen 2 (phường Nhật Tân). Thời gian thực hiện từ 17/2 đến ngày 15/11/2024.

Tiếp đó, nhằm tạo ra nguồn cung cho nghề làm chè sen - một đặc sản của quận Tây Hồ, vừa qua, UBND quận Tây Hồ ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội về việc hợp tác thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội”. Theo đó, các bên sẽ áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến (giống, kỹ thuật canh tác và thu hoạch, bảo quản) xây dựng mô hình sản xuất sen chất lượng cao năm 2024, quy mô là 7,5ha. Các sản phẩm bao gồm: hoa để ướp chè, hoa để trang trí và hạt để làm thực phẩm gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, xây dựng mô hình Tổ hợp tác/Hợp tác xã liên kết với DN tổ chức sản xuất sen gắn với dịch vụ du lịch và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…

Phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng bền vững

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, hiện quận Tây Hồ có 18 hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây. Theo chỉ đạo của TP, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ, việc khôi phục vùng nguyên liệu để trồng sen và nghề ướp chè sen đang là vấn đề cấp bách hiện nay. “Từ năm 2018 đến nay, do những sự thay đổi của thời tiết, chất lượng nước… khiến diện tích trồng sen – nguyên liệu cho nghề ướp chè sen bị thu hẹp. Do đó, việc khôi phục và phát triển nghề trồng sen là hết sức cần thiết nhằm tạo cảnh quan quanh Hồ Tây cũng như việc phát triển nghề ướp chè sen cũng như các sản phẩm có liên quan đến sen” – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư nhấn mạnh, hoa sen được coi là Quốc hoa của Việt Nam. Hiện có rất nhiều giống sen trên thế giới nhưng sen được trồng tại quận Tây Hồ có đặc trưng về mùi thơm, chưa nơi nào có. Vì vậy, việc quận Tây Hồ quyết tâm chỉ đạo duy trì và phát triển trồng sen Tây Hồ và các sản phẩm liên quan đến sen với việc hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, chắc chắn việc triển khai trồng sen sẽ thực hiện tốt và bài bản hơn…

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành động lực, là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Do đó, phát huy những thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ưu đãi cho Tây Hồ, trong thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng là lợi thế riêng có của quận như: du lịch văn hóa; làng nghề truyền thống; không gian sáng tạo; nghệ thuật biểu diễn…

Cùng với đó, quận sẽ đầu tư triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực quận Tây Hồ” giai đoạn 2; Đề án “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi”; Đề án “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen Tây Hồ phường Quảng An”; Đề án “Điểm thông tin giới thiệu, quảng bá dịch vụ du lịch, văn hóa quận Tây Hồ”; Đề án “Phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”… Phấn đấu đến năm 2025 quận Tây Hồ trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Xôi Phú Thượng sẽ không chỉ là món ẩm thực nổi tiếng cung cấp tới mọi miền đất nước mà làng nghề xôi Phú Thượng sẽ là điểm du lịch với các tour du lịch hấp dẫn thu hút khách trong, ngoài nước tham quan, trải nghiệm; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đồng thời, đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Tây Hồ với các điểm đến hấp dẫn, lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể, sản phẩm văn hóa ẩm thực, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quận Tây Hồ trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương

                                         Theo:  kinhtedothi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.490.234
Tổng truy cập: