TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
“Đánh thức” tinh hoa làng gốm hàng trăm năm tuổi
(Ngày đăng: 11/01/2024   Lượt xem: 26)
“Đánh thức” tinh hoa làng gốm hàng trăm năm tuổi
Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm của tỉnh Vĩnh Long đang được tôn tạo và gìn giữ để hướng nơi đây trở thành di sản đương đại.

Độc đáo làng gạch ngói Vĩnh Long

Đã từ rất lâu, Vĩnh Long tự hào với danh xưng “Thủ phủ lò gạch”, “Vương quốc gốm đỏ” với những làng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu vực làng nghề gạch nung trải dài hơn 30km từ Tp.Vĩnh Long tới địa phận huyện Long Hồ và huyện Mang Thít. Trong đó, xã Nhơn Phú và Mỹ Phước của huyện Mang Thít là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch hơn nhất. Từ những tảng đất thô sơ qua bàn tay tài hoa của người thợ trở thành những sản phẩm hữu ích cho người dân.

Nghề làm gạch, gốm nơi đây gắn chặt với những câu chuyện mưu sinh, những câu chuyện tâm linh nghề thú vị và đầy những thăng trầm phát triển làng nghề qua bao thế hệ.

Bà con nơi đây bám trụ với nghề qua nhiều đời, từng viên gạch hình thành gắn chặt với những giọt mồ hôi và tình cảm của người thợ. Theo thời gian những kỹ thuật được truyền lại dần kết tinh điêu luyện, họ đã tạo nên những sản phẩm vô cùng tuyệt đỉnh, nên “tiếng lành” đồn khắp nơi.

Hồi xưa, nơi đây chỉ chuyên làm gạch ngói như: gạch tàu, gạch ống, gạch tiểu, ngói âm dương, chủ yếu bằng phương pháp thủ công, dụng cụ thô sơ. Dần về sau, mọi thứ được cơ giới hóa, sản xuất bằng máy chạy gạch.
Văn hoá - “Đánh thức” tinh hoa làng gốm hàng trăm năm tuổi

Làng nghề gạch gốm Mang Thít thời hoàng kim khói lò luôn nghi ngút.

Ông Bùi Văn Bảy (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) với hơn 30 năm làm lò gạch kể: “Hồi xưa nguyên liệu đất đai dồi dào, màu mỡ, làm gạch phồn thịnh, bán chạy lắm. Sản xuất bao nhiêu cũng không đủ bán. Bán ở nhiều tỉnh trong khu vực miền Tây”.

Còn ông Dương Chí Hiền (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) cho biết: “Sở dĩ gạch ở Vĩnh Long được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi nguyên liệu là nguồn đất sét đỏ quý hiếm của địa phương. Từ đó, chất lượng những viên gạch được sản xuất ra cũng chắc, bền hơn với thời gian.

Một lò gạch thường cao tầm 12m. Người ta cần đến 5 ngày để tải và dỡ gạch, 15 ngày để nung và 7 ngày chờ gạch nguội. Gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất kỹ lưỡng, để bảo đảm gạch “chín” vừa đúng. Sau khoảng một tháng rưỡi nung, thành phẩm thu được là khoảng 120 nghìn viên gạch đỏ son đúng chuẩn”.

Để gìn giữ cái nghề gắn bó với gia đình bao đời nay, cũng như đáp ứng yêu cầu thị trường, ông Hiền mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, các kỹ thuật khoa học tiên tiến của ngành cơ khí vào sản xuất gạch nung nhằm giảm thiểu công lao động, khí thải ra ngoài môi trường đồng thời giảm bớt phần nào chi phí sản xuất.

Bảo tồn, xây dựng di sản đương đại

Với lợi thế hệ thống lò gạch gốm đặc trưng, tỉnh Vĩnh Long đã và đang phối hợp thực hiện “Đề án di sản đương đại Mang Thít” để phát triển du lịch.

Đề án được xây dựng dựa trên ý tưởng khai thác các lò gạch truyền thống hiện có, làm nền tảng, điểm nhấn mang tính đột phá với quy mô lớn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Chính việc làm “sống dậy” những lò gạch cũ rêu phong phục vụ du lịch, sẽ tạo sự phát triển cho “vương quốc” gạch gốm Mang Thít một thời hưng thịnh.
Văn hoá - “Đánh thức” tinh hoa làng gốm hàng trăm năm tuổi (Hình 2).

Đề án di sản đương đại Mang Thít được xây dựng dựa trên khai thác các lò gạch truyền thống hiện có.

Theo ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ranh giới lập quy hoạch có diện tích hơn 3.00ha, thuộc địa bàn 4 xã của huyện Mang Thít: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh.

Quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030 và dài hạn đến năm 2045 đưa khu di sản đương đại (lò gạch, gốm...) thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

"Thời gian qua, Sở cùng các đơn vị liên quan, UBND huyện Mang Thít, các xã vùng dự án đã tổ chức họp dân có lò để tuyên truyền, giải thích cho người dân thấy rõ hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội khi triển khai đề án sẽ góp phần chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thông qua định hướng phát triển du lịch của vùng dự án… Đến nay, người dân rất đồng thuận trong việc giữ lại lò để tham gia thực hiện các dự án trong thời gian tới", ông Liệt nói.

Khi quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, các ngành chức năng sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức bằng nhiều hình thức kêu gọi nhà đầu tư tham gia các dự án của đề án; đồng thời có chính sách, hướng dẫn cụ thể để mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng tham gia các dự án.
                                      Theo:  nguoiduatin.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.489.107
Tổng truy cập: