TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
“Đời lênh đênh” chốn làng chài Vạn Vĩ
(Ngày đăng: 03/06/2014   Lượt xem: 801)

 Có lẽ không ai còn nhớ chính xác làng chài Vạn Vĩ (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) được hình thành từ bao giờ. Người dân ở đây chỉ nghe ông cha họ kể lại cách đây hơn 100 năm, tổ tiên họ đã gắn bó với nghề chài lưới trên sông.


Làng chài Vạn Vĩ trong buổi chiều muộn đìu hiu, xơ xác vài nóc nhà chông chênh sóng nước. Tại nhà gia đình ông Trần Văn Yên là cảnh vợ ông - bà Nguyễn Thị Thành, bế đứa cháu ngoại 2 tháng tuổi khóc ngằn ngặt. Nó đói quá. Giữa sông nước mênh mông, cháu đói mà không có gì cho ăn. Bố mẹ đi đánh cá từ sáng đến giờ chưa thấy về. “Mẹ cháu mới sinh con được hơn tháng, đã gửi tôi giữ để đi kiếm cá về nuôi con, nhà nghèo nên con nó cũng khổ”, bà Thành ngậm ngùi chia sẻ. Gia đình ông Yên là một trong những hộ nghèo nhất Vạn Vĩ. Nhà ông 4 đời sống trên sông nước, nay ông đã 65 tuổi, mà giấc mơ lên bờ vẫn còn ở rất xa.

Cả nhà mấy thế hệ sinh hoạt trên thuyền. Gọi là nhà cho sang chứ thực chất là một chiếc thuyền nhỏ, vách được làm bằng nan và nẹp áo mưa. Hai đầu thuyền dùng để nấu ăn, gian giữa thuyền khoảng 2m2 vừa là “phòng khách”, “phòng ăn” kiêm “phòng ngủ” của 3 thế hệ: 2 vợ chồng ông, 2 cô con gái và 2 đứa cháu. Trước đây, nhà ông có 12 khẩu, các con lớn lập gia đình ông cho ra ở riêng.

Ở làng chài này, mỗi một đôi vợ chồng trẻ ra ở riêng, nhà là một chiếc thuyền nhỏ, mọi sinh hoạt gia đình đều gói gọn trong đấy. Quanh năm sông nước, thức ăn của cả nhà là tôm, cá đánh bắt được. Cả tháng mới mua được cân mỡ để dùng, còn thịt là món ăn xa xỉ. Cuộc sống trên sông phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cá đánh bắt tự nhiên. Mấy năm gần đây lượng cá về rất ít, đi đánh bắt từ 7h tối đến 10h đêm; 3h sáng cho đến sáng; có ngày may mắn thì được 5 kg cá, có hôm được 2 kg, bán được giá thì 50 nghìn/1kg, trung bình thì chỉ 30 nghìn/1 kg. Hôm nào đánh bắt được cá, thì mới có tiền đong gạo, còn không thì cả nhà nhịn đói.


Phần lớn dân làng đều phải lấy nước sông Hồng làm nước sinh hoạt. Rác thải lềnh bềnh, động vật chết trôi sông, nguồn nước bị ô nhiễm vẫn phải sử dụng. Cách duy nhất giúp nguồn nước ăn uống sạch hơn là dùng phèn chua lóng nước. Mỗi thuyền có một vài chum trữ nước. Thường dân chài đánh thuyền ra giữa dòng lấy nước cho sạch bỏ phèn vào trong rồi nấu cơm, tắm giặt. Họ đều biết, nước đó chẳng sạch sẽ gì nhưng không dùng thì lấy gì để mà ăn uống.

Cũng chính vì sử dụng nước sinh hoạt đó, cuộc sống vất vả nên nhiều người dân làng chài mắc bệnh. Nhẹ thì đau mắt, đường ruột, nặng thì viêm phổi, ung thư…

Cái ăn đã đói, cái chữ cũng chẳng được no. Hầu hết những “nam thanh, nữ tú” hay những cụ già nơi đây đều mù chữ. Những giấy tờ quan trọng còn phải điểm chỉ như thời xưa. Bọn trẻ ngày nay cũng được tới trường nhưng chỉ là số ít. Bởi vì dân chài sống nghề sông nước lại nay đây mai đó, họ không cố định trên một khúc sông mà phải rong ruổi kiếm ăn.

Trên xóm lênh đênh này làm gì có thầy mà dạy. Muốn học cái chữ cũng phải mất non nửa ngày chèo thuyền, vượt cạn mới đến được trường. Vì thế, chỉ gia đình nào may mắn có anh em thân cận trên bờ mới dám gửi con cho đi học, nhưng đa số trường hợp học xong rồi không quay trở về khúc sông.

Người sống đã vậy, người chết còn khổ hơn. Trẻ em chết đuối ở làng chài này không hiếm, người lớn còn phải mưu sinh, thả lưới, giăng câu nên trẻ em tự ở nhà trông nhau nên sảy chân chết đuối. Những đám ma vội vã chẳng được thờ vong, không kèn, không trống. Người chết cũng chỉ sáng mất, chiều chôn. “Giờ còn được lên bờ chôn cất, chứ trước kia chúng tôi toàn phải chôn ở bãi nổi dưới sông. Khi sóng to, gió lớn xem như không còn mồ mả. Chỉ mong người nằm xuống đánh chữ đại xá mà thôi”, một người dân xóm chài cho biết.

Nguyện vọng “lên bờ” của người dân làng chài Vạn Vĩ từ bao đời ngày càng trở nên thiết tha, mạnh mẽ. Dù vậy, đất liền vẫn còn quá xa vời với họ. Có lẽ, chỉ riêng mình cấp chính quyền xã cố gắng để giúp người Vạn Vĩ thôi thì chưa đủ. Cần có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách thành phố và huyện Đan Phượng thì may ra người Vạn Vĩ – đặc biệt là những hộ đói nghèo, mới có thể đạt được ước mơ đổi đời – được lên bờ, của họ.

                                                                                                   Theo: Xay dung

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.489.139
Tổng truy cập: