TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Tìm lại đồ chơi Việt thay đồ chơi Trung Quốc: Tò he, nét xưa trong thời nay
(Ngày đăng: 31/05/2014   Lượt xem: 814)
Trong bối cảnh các loại đồ chơi độc hại từ Trung Quốc vẫn tràn lan trên thị trường như hiện nay, việc chọn mua cho con em mình những loại đồ chơi vừa lành mạnh lại bổ ích khiến không ít các bậc phụ huynh trăn trở. 

Ở đây, người viết muốn đề cập tới tò he - một loại đồ chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt đã gắn liền với bao mơ ước của tuổi thơ.

Ẩn chứa bao tài hoa, tâm huyết

Khi nhắc đến tò he, hẳn trong chúng ta ai cũng nhớ tới một loại đồ chơi giản dị mà rất gần gũi đã gắn bó với quãng đời tuổi thơ của mình. Trước đây, nhất là vào các dịp tết thiếu nhi, tết trung thu hay tết nguyên đán, ta đều được cha mẹ mua cho những con tò he về nhà làm đồ chơi với đủ các loại hình thù màu sắc như chim cò, hoa quả, thú vật… 
Lúc ấy, người ta thường gọi là con bánh vì chỉ được làm từ bột nếp và mang những hình thù hết sức đơn giản như: mâm xôi, con gà, mâm ngũ quả, các con giống chứ chưa đa dạng như bây giờ.


Mới 24 tuổi nhưng nghệ nhân trẻ Đặng Đình Lân vẫn luôn muốn đem các kiến thức về truyền thông mà mình học để  quảng bá thương hiệu cho sản phẩm quê hương mình tới công chúng trong và ngoài nước.

Xuất phát điểm của nghề nặn tò he chính là ở thôn Xuân La, xã Phượng Đực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Đây được coi là địa phương duy nhất trên cả nước có làng nghề nặn tò he truyền thống với lịch sử hàng trăm năm và đã được Nhà nước công nhận. Xưa kia, tò he chủ yếu xuất hiện ở những vùng quê thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ. 
Vài thập kỷ trước, không ít gia đình trong làng đã làm giàu được nhờ có nghề được coi là nghề tay trái này. Cụ Đặng Văn Quý - thủ từ Đình Xuân La chia sẻ, trước đây dân làng làm nghề đông lắm. Vào các dịp lễ hội, thường có các bà các cô quảy từng gánh hàng tò he đi bán khắp các nơi trong vùng. Có những thời điểm, tò he làm ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu.
Về với làng nghề tò he duy nhất tại Việt Nam trong những ngày này, không khó để bắt gặp các nghệ nhân đang gấp rút hoàn thành các công đoạn để cho ra các sản phẩm tò he đủ các loại để chuẩn bị đem đi bán. Bác Đặng Văn Bình, 60 tuổi, một nghệ nhân đã từng nặn biểu diễn và bán tò he tại các địa điểm vui chơi trên một số tỉnh miền bắc không giấu được niềm xúc động: 
“Tôi được học nghề từ thời ông nội, đến nay đã hơn 50 năm rồi. Thật sự, nghề này là nghề mang lại hạnh phúc cho tuổi thơ. Nó giúp trí tưởng tượng của các cháu được phát huy một cách tự nhiên nhất mà không lo bị độc hại như chơi đồ chơi Trung quốc”. 
Đây không chỉ là một thứ đồ chơi giản dị, lành mạnh, mà nó còn ẩn chứa trong đó biết bao tâm huyết với nghề, sự tài hoa của người nghệ nhân và tình yêu thương với con trẻ. Giúp các cháu có được nền tảng tinh thần thật trong sáng, vững chắc khi lớn lên.
Hiện làng có khá nhiều các nghệ nhân trẻ vẫn làm nghề. Tuy nhiên, do gánh nặng kinh tế mà có một số hộ đã chuyển sang nghề khác. Để góp phần duy trì nghề truyền thống của làng, tạo một không gian sinh hoạt riêng cho các nghệ nhân nặn tò he nơi đây, câu lạc bộ (CLB) tò he Xuân La đã được thành lập.
Đi vào hoạt động từ năm 2010, CLB đã thu hút hàng trăm hội viên là nghệ nhân tham gia với đủ các lứa tuổi. Nhưng họ phải là những người thực sự có tay nghề cũng như tâm huyết. Qua trao đổi, ông Chu Tiến Công, Phó chủ nhiệm CLB tò he Xuân La chia sẻ: 
“Lớp nghệ nhân già như chúng tôi giờ chỉ có một tâm nguyện duy nhất là làm sao truyền lại được nghề truyền thống này cho thế hệ trẻ. Họ mới là những người trực tiếp gìn giữ và phát huy giá trị của nét văn hóa mang đậm nét dân tộc này”.


Ẩn chứa trong những sản phẩm tò he ngộ nghĩnh này là bao tình yêu và tâm huyết của người nghệ nhân Xuân La.

Tò he vốn được làm từ bột gạo nếp đã luộc chín vừa tới. Ngoài ra để có được những sắc màu sinh động cho sản phẩm, các nghệ nhân đã dùng cách nhuộm phẩm màu cho các cục bột nặn từ chính những nguyên liệu thiên nhiên sẵn có. Ví dụ, màu vàng sẽ được ép từ củ nghệ, ruột quả gấc sẽ cho ta màu đỏ tươi, màu đen từ lá cây nhọ nồi, màu xanh là nhờ vào lá nếp… 
Đối tượng phục vụ chính của tò he chính là các em thiếu nhi nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm rất được chú trọng. Nghệ nhân Đặng Văn Bình chia sẻ: “Đối với những loại tò he làm bằng nguyên liệu truyền thống từ bột gạo nếp thì trẻ em ăn phải sẽ không sao. Nhưng ngày nay, dù là làm bằng bột gạo hay bột nặn cao cấp có cả chất phụ gia tăng độ bền cho sản phẩm thì khuyến cáo các cháu không nên ăn sau khi chơi để đảm bảo vệ sinh”.
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, tò he không chỉ là để cho trẻ em làm đồ chơi đơn thuần. Nó có thể làm vật trưng bày, đồ lưu niệm dành cho cả khách trong nước lẫn khách quốc tế ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu chỉ dùng bột gạo nếp truyền thống thì sẽ không giữ sản phẩm được lâu, nhưng nếu thay thế bằng bột công nghiệp hoặc cho thêm phụ gia chống ẩm mốc vào thì sẽ gia tăng tuổi thọ của sản phẩm lên đáng kể. 
Mỗi khi người nghệ nhân đi nặn trình diễn và bán tò he ở xa thì việc làm sao  để giữ cho nguyên liệu khỏi bị mốc do thời tiết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Một trong số các cách đó là thêm phụ gia chống ẩm mốc vào bột để tăng chất lượng sản phẩm. “Việc muốn tìm ra một loại nguyên liệu mới vừa khiến cho sản phẩm bền hơn, vừa an toàn cho người sử dụng với giá thành thấp nhất đang là mong mỏi lớn nhất của tất cả các nghệ nhân tò he hiện nay”, anh Đặng Văn Hậu, 33 tuổi tâm sự.

Cần những giải pháp đột phá

Có thể thấy, ngày nay đồ chơi hiện đại đã và đang thống trị một phần không nhỏ trong thị phần đồ chơi cho trẻ em tại Việt Nam. Để giành được thị hiếu của người tiêu dùng dành cho các món đồ chơi truyền thống, mà trực tiếp là tò he thì rất cần những giải pháp thật cụ thể từ nhiều phía.

Ông Chu Tiến Công cho rằng: “Các cơ quan Nhà nước nên mở ra thêm nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày, nặn trình diễn ở các hội chợ trong nước hay nước ngoài để tạo cơ hội giao lưu học hỏi cho lớp nghệ nhân trẻ được tích lũy thêm kinh nghiệm và nâng cao tay nghề”. Đồng thời, việc tạo không gian sinh hoạt cho nghệ nhân thông qua CLB tò he Xuân La cần có thêm sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía chính quyền địa phương để thu hút thêm hội viên tới tham gia, nâng cao hoạt động của CLB, ông Công nói thêm.

Ngoài ra, việc quảng bá hình ảnh tò he trong nước cũng rất quan trọng. Theo nghệ nhân Đặng Văn Hậu, ngoài việc tham gia các triển lãm, rất cần các cơ quan hữu quan tạo điều kiện và không gian cố định cho anh em nghệ nhân làm tại các điểm vui chơi, du lịch nổi tiếng. Điều này, vừa giúp cả người nghệ nhân có thêm thu nhập, lại vừa giúp cho khách quốc tế biết tới môn nghệ thuật này. 
Chính những du khách này sẽ là các tuyên truyền viên đưa sự độc đáo, kỳ lạ của nghệ thuật tò he tới người thân ở đất nước họ mà ta không hề tốn đồng nào lại đưa thương hiệu tò he của Việt Nam vươn ra khắp thế giới”. Đồng thời, tự thân các nghệ nhân phải đẩy mạnh việc cải tiến chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã cho sản phẩm của mình để thu hút khách hàng với những sản phẩm tò he cao cấp.
Việc bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc biệt này rất cần có sự tham gia nhiệt tình của lớp trẻ. Cần giúp họ ý thức được vai trò của mình và gắn bó với với làng nghề. Đơn cử như nếu có những bạn trẻ học về mỹ thuật, họ sẽ dùng khiếu thẩm mỹ của mình để cho ra đời các sản phẩm tò he mang tính nghệ thuật cao hơn. 
Hay các bạn học về truyền thông, thì tò he sẽ được nhiều người biết đến và đón nhận hơn nếu cũng được áp dụng những kiến thức về quảng bá thương hiệu và phát triển sản phẩm... Việc chú trọng đào tạo ra những lớp nghệ nhân trẻ kế cận và tăng cường  các biện pháp truyền thông về làng nghề sẽ là một hướng đi đúng. Hy vọng trong tương lai không xa, tò he Xuân La sẽ khẳng định thương hiệu của mình vững chắc hơn trên cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.

                                                                                                      Theo: Một thế giới
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.489.467
Tổng truy cập: