TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Tiêu cực tại các lễ hội đầu năm: Bệnh cũ khó chữa!
(Ngày đăng: 18/02/2014   Lượt xem: 780)

Các "thầy bói" giải đoán vận mệnh trên lá số thẻ tại Ðền Sái, Thụy Lâm, Ðông Anh, Hà Nội. Ảnh: THU HÀ

Mùa lễ hội năm nay ghi nhận một số chuyển biến tích cực tại một số ít di tích trên địa bàn Hà Nội. Nhưng tình trạng trông giữ xe, ăn uống với giá cao, việc đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, đốt vàng mã, xem bói vẫn giảm không đáng kể. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lộn xộn ở di tích, lễ hội là do ý thức người dân. Trong khi đó, chính quyền chưa xử lý nghiêm các vi phạm.

Vẫn nhiều lộn xộn

Ngày Rằm tháng Giêng, những di tích nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội lại rơi vào tình trạng quá tải, vì mọi người đổ xô đi lễ. Ðền Ghềnh (quận Long Biên) cũng khá đông khách hành hương. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ tín hiệu tích cực trong mùa lễ hội năm nay ở di tích này. Nếu như trước đây, tình trạng đặt tiền lẻ, rắc gạo, muối... vương vãi khắp các gốc cây trong sân đền, thì nay, cảnh quan phong quang, sạch sẽ. Ban Tổ chức viết rõ thông báo không được rải tiền lẻ, vứt gạo, muối bừa bãi, không được cắm hương lên cây, đồng thời thường xuyên bố trí người đứng giám sát các hoạt động của khách hành hương. Song, đây mới chỉ là những biến chuyển ít ỏi. Ngay từ đường vào cổng đền, các cửa hàng đổi tiền lẻ hoạt động công khai. Tiền được bày trong tủ kính, mệnh giá tiền càng nhỏ, thì chênh lệch khi đổi càng lớn. Loại tiền mệnh giá 500 đồng thường được đổi theo tỷ lệ "10 ăn 6", tức 10.000 đồng tiền chẵn đổi được 6.000 đồng tiền lẻ. Trong ngày Rằm tháng Giêng, dịch vụ đổi tiền làm ăn khá phát đạt, khi liên tục có người đến hỏi giá. Cũng tại đây, trên các ban thờ, các loại tiền 2.000 đồng, 1.000 đồng hay 500 đồng được bày tràn lan. Những mâm tiền lẻ chốc chốc lại đầy khiến Ban Tổ chức phải đi gom lại.

Mặc dầu vậy, nếu so sánh với những di tích như Phủ Tây Hồ, Bia Bà..., thì hoạt động của dịch vụ đổi tiền ở đền Ghềnh vẫn thuộc diện... "êm đềm". Tại Phủ Tây Hồ, nhiều người bị "chém" với mức "10 ăn 4" khi đổi tiền mệnh giá 500 đồng mới. Dường như những di tích này nằm "ngoài vùng phủ sóng" của quy định về cấm đổi tiền lẻ mà các cơ quan chức năng đã ban hành.

Những di tích tổ chức lễ hội đúng vào dịp đầu xuân thì dịch vụ gửi xe càng lộn xộn. Tại di tích Cổ Loa, vào ngày hội (6-1 Âm lịch), người đi dự lễ hội như bị lạc vào "ma trận" gửi xe, với hàng chục điểm mọc lên khắp nơi. Càng nhiều điểm trông xe thì tính cạnh tranh càng cao.

Kết quả là nhiều người gần như bị chặn, ép gửi xe từ cách trung tâm di tích rất xa với mức giá phổ biến là 10.000 đồng/lượt xe máy và 30.000 đồng/lượt ô-tô.

Việc xem bói, rút thẻ là hoạt động bị nghiêm cấm từ lâu. Nhưng ở nhiều di tích, lễ hội, xem bói vẫn phổ biến. Ngay tại một ngôi chùa ở khu vực nội đô là chùa Tảo Sách, nhiều khách hành hương ngạc nhiên khi thấy có hộp rút thẻ ngay trên ban Ðức Ông. Riêng Ðền Sái (huyện Ðông Anh), việc xin quẻ gần như đã trở thành "thương hiệu". Sau khi xin quẻ, các thầy công khai giải quẻ, thu tiền ngay trong khu di tích. Một số địa điểm như Bia Bà, Phủ Tây Hồ, chùa Hương... các "thầy" còn trương cả biển hiệu xem tử vi, xem tay, xem mặt, xem nốt ruồi...

Xem nhẹ việc xử lý

Có thể nói, những gì xảy ra ở đền Ghềnh là hình ảnh khá điển hình cho những vấn đề ở di tích, lễ hội những ngày đầu xuân Giáp Ngọ. "Ðiểm sáng" lớn nhất trong mùa lễ hội năm nay là việc vứt gạo, muối, cắm hương ở các thân cây, hốc đá... quanh các khu di tích, nạn gài tiền lên tượng Phật, tượng Thánh và đặc biệt là nạn cờ bạc có giảm. Những căn bệnh cũ như: "chặt chém", đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đốt vàng mã, bói toán... vẫn là những bệnh "nan y", hầu như không có dấu hiệu giảm. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên chính là do ý thức của người hành hương. Bởi nếu không có "cầu", thì không thể có "cung". Nếu người hành hương không ham xem bói, không ham rải tiền lẻ, không đốt vàng mã bừa bãi... thì những dịch vụ kể trên không thể có đất sống.

Khi nói về việc khắc phục tình trạng lộn xộn trong các di tích, lễ hội dịp đầu xuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Lê Thị Tân Trang cho biết, ngành văn hóa được xem là đầu mối về quản lý lễ hội, nhưng hiện tại, chức năng của ngành văn hóa là phối hợp hướng dẫn và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội chứ hoàn toàn không có thẩm quyền xử phạt. Một số hành vi phản cảm tại di tích như rải tiền lẻ ở các ban thờ, hoặc gài lên tượng, lên cây cối hoàn toàn không có quy định xử phạt. Các hành vi như "chặt chém" khách hành hương, bói toán... thuộc thẩm quyền xử phạt của chính quyền địa phương và một số cơ quan khác. Trong đó vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Bởi vậy, nơi nào chính quyền địa phương vào cuộc tích cực thì nơi đó di tích, lễ hội không bị lộn xộn.

Tuy nhiên trên thực tế, những tệ nạn tại các di tích là chuyện không mới, và xảy ra ngay từ những ngày đầu xuân, kéo dài suốt mùa lễ hội, nhưng hầu như không thấy cơ quan nào đứng ra xử phạt các đối tượng đổi tiền lẻ hay "chặt chém" tiền gửi xe. Song song với xây dựng văn hóa hành hương, chính quyền địa phương nơi có di tích, lễ hội cần vào cuộc quyết liệt hơn mới có thể giảm bớt những vấn nạn phiền lòng khách tham quan mùa lễ hội.

                                                                                           Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.496.788
Tổng truy cập: