TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Vẫn tái diễn tình trạng "tả tơi xem hội"
(Ngày đăng: 11/02/2014   Lượt xem: 316)
Tệ nạn ăn xin, đeo bám du khách dự Lễ hội Xuân tại Trung tâm Thánh tích Quán Thế Âm (Thừa Thiên - Huế).

Mùa lễ hội du Xuân đã bắt đầu trên khắp cả nước, thu hút hàng trăm nghìn lượt người trẩy hội mỗi ngày. Ðó là một nét đẹp văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, câu nói cửa miệng của dân gian "tả tơi xem hội" xem chừng vẫn phản ánh rõ nét trong những lễ hội đầu năm. Và các vấn đề tiêu cực "nói hoài, nói mãi" dường như chỉ "hạ nhiệt" chứ chưa được xử lý dứt điểm.

Dịch vụ... "trên trời"

Tại hội nghị trực tuyến về công tác quản lý và tổ chức lễ hội chuẩn bị cho mùa lễ hội năm 2014, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã đề nghị các địa phương tập trung bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân, du khách và người hành hương trẩy hội. Trước đó, tháng 12-2013, Bộ đã có công văn gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội, yêu cầu cấp sở phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt vai trò tham mưu cho địa phương, có giải pháp cụ thể trong công tác quản lý, tổ chức, tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để tái diễn các hiện tượng tiêu cực như những năm trước.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị, song trên thực tế, những vấn đề đáng lo ngại vẫn tiếp tục xảy ra. So với các năm trước, ở những lễ hội lớn, có quy mô quốc gia, các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn đã có vẻ "hạ nhiệt", nhưng không có nghĩa đã được giải quyết dứt điểm. Tại Khu di tích danh thắng quốc gia Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức (Hà Nội), nơi diễn ra lễ hội Chùa Hương, hiện tượng đổi tiền lẻ vẫn diễn ra công khai. Ngay trong khu vực Ðền Trình, rất nhiều người làm dịch vụ đổi tiền lẻ chào khách với mức giá "10 ăn 8" (tức là 100 nghìn đồng tiền chẵn đổi được 80 nghìn đồng tiền lẻ). Càng gần đến khu vực Chùa Thiên Trù, thì tỷ lệ đổi càng chênh lệch cao hơn, nhiều người phải đổi với mức "10 ăn 6" hay "10 ăn 5". Có cả hiện tượng người làm dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động "cơ động", đeo bám khách du lịch để gạ gẫm đổi tiền. Khách đi lễ đặt tiền lẻ trên nhiều ban thờ Phật, thờ Thánh, tình trạng gài tiền lẻ vào tay tượng Phật có giảm, nhưng vẫn còn nhét tiền vào các hốc đá, gốc cây... Năm nay, do cáp treo không dừng ở khu vực suối Giải Oan, nhưng cứ gần đến địa điểm này, người ta lại rủ nhau ném tiền qua cửa sổ ca-bin cáp treo, khiến cho tiền lẻ bay trắng xóa cả khu vực.

Trước mùa lễ hội, khách tham quan rất mừng khi nghe thông tin giá đi đò, phí tham quan thắng cảnh giữ nguyên, lần lượt là 35.000 đồng và 50.000 đồng. Song, ngay khi đò vừa rời bến, lập tức chủ đò vòi vĩnh khách tham quan. Nhiều đoàn khách "buộc" phải bồi dưỡng thêm cho người chèo đò, thông thường là khoảng 100.000 đồng/đò. Riêng dịch vụ trông giữ ô-tô, xe máy hầu như không có biến chuyển so với mọi năm. Ngay tại những bãi xe được Ban tổ chức cho phép hoạt động, khách hành hương vẫn phải trả 20.000 đồng/lượt xe máy; 50.000 đến 100.000 đồng/lượt ô-tô.

Ngày 8-2, Ðội 5, Phòng CSÐT tội phạm về Trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) đã bắt giữ bốn đối tượng "cò mồi" tại Chùa Hương. Các đối tượng này sẽ được xử lý nghiêm. Cho dù vậy, dư luận vẫn lo ngại rằng, các lực lượng chức năng thường vào cuộc quyết liệt đầu mùa lễ hội, song lễ hội kéo dài ba tháng, nếu không tiếp tục các biện pháp tuyên truyền, kết hợp xử phạt để răn đe, những chuyển biến đạt được khó có thể được duy trì.

Tại Khu Di tích lịch sử Ðền Hùng (Phú Thọ) từ ngày mồng 1 Tết Giáp Ngọ đến nay, tại một số đền vẫn còn tình trạng người dân xô lấn, chen đẩy tranh nhau dâng lễ. Nhiều người dân sau khi dâng hương xong tại Ðền Giếng đã trải chiếu, bày đồ ăn, thức uống ăn uống ngay trước cửa đền mà không bị nhắc nhở. Ngay tại sân trung tâm lễ hội, cách nhà điều hành cửa Khu di tích chừng 20 m vẫn xảy ra tình trạng các quán bán hàng chèo kéo du khách mua hương, viết sớ, đổi tiền lẻ, gây bức xúc cho nhân dân. Mặc dù Khu di tích đã bố trí gần 10 điểm trông giữ phương tiện cho du khách nhưng ngay tại sân trung tâm lễ hội cũng mọc lên một bãi gửi xe sai quy định với mức phí thu giữ xe cao gấp hai lần quy định. Còn tại ngã năm Ðền Giếng cũng có hàng chục xe ôm thường xuyên chèo kéo du khách chở lên đền Thượng. Quãng đường này chỉ khoảng 1 km nhưng nhiều du khách phải trả phí lên tới vài chục nghìn đồng...

Một địa phương có nhiều lễ hội quy mô quốc gia là Nam Ðịnh với hội chợ Viềng mùa Xuân "năm chỉ có một phiên" vào mồng 8 Tết, lễ hội Khai ấn Ðền Trần vào dịp rằm tháng Giêng và lễ hội Phủ Dầy vào tháng ba âm lịch. Tỉnh Nam Ðịnh đã có nhiều cố gắng đổi mới việc tổ chức, quản lý để các lễ hội diễn ra suôn sẻ, nhưng xem chừng tệ ăn xin, cờ bạc, đội ngũ xe "ôm", hàng quán, trông giữ xe, chèo kéo "chặt chém" du khách vẫn diễn ra phổ biến với nhiều biểu hiện khác nhau. Ở khu vực lễ hội Ðền Trần, ngoài số người ăn xin, còn có các trường hợp dùng người khuyết tật ngồi trên xe lăn đi bán đồ lưu niệm, bán tăm "từ thiện" đeo bám trông rất phản cảm và gây khó chịu cho du khách. Việc trông giữ xe ô-tô ở Ðền Trần xem ra có vẻ quy củ, trật tự vì ngay đầu lối vào đã có tổ bán vé với mức giá 30.000 đến 40.000 đồng/xe/lượt và phải gửi xe vào nơi quy định dọc phía bên phải đường Trần Thừa. Song do phần lớn du khách thường mang theo nhiều đồ lễ, hành lý mong muốn xe của mình được đậu trước cổng Ðền Thiên Trường để tiện lợi, cho nên đã phát sinh tình trạng phải "lót tay" cho các nhân viên làm nhiệm vụ trật tự trong khu vực. Thời gian xe đỗ, đậu trước cổng đền tùy thuộc vào số tiền "lót tay" ít hay nhiều. Từ đó gây nên cảnh cãi nhau, tranh giành chỗ đỗ xe và làm mất an ninh trật tự. Ðiều đáng nói là khi xảy ra va chạm, những nhân viên làm công tác an ninh trật tự (kể cả công an) thường không có mặt để xử lý.

Theo Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, tính từ ngày 31-1 đến hết 9-2 (tức từ mồng 1 đến mồng 10 Tết), Khu di tích danh thắng quốc gia Yên Tử đã đón gần 300 nghìn du khách, người hành hương về tham quan, lễ Phật, trong đó có khoảng một nghìn du khách nước ngoài và dự đoán mùa lễ hội năm nay, Yên Tử sẽ đón khoảng ba triệu lượt khách đến tham quan, tăng mạnh so với năm 2013. Tuy không còn lo nạn "chặt chém" vì ban quản lý đã yêu cầu các cửa hàng, nhà hàng phải niêm yết giá. Tuy nhiên, nạn trộm cắp lại khá phổ biến ở đây cho dù ban quản lý đã bố trí lực lượng an ninh theo dõi, bảo vệ liên tục trong ngày, nhất là tại các điểm nóng. Ðã có nhiều du khách bị kẻ xấu trà trộn, lợi dụng chen chúc nơi đông người trên đường lên núi để móc túi lấy ví tiền, điện thoại. Bên cạnh đó, việc xếp hàng trong nhiều giờ khiến các ga cáp treo tại Yên Tử luôn luôn quá tải.

Dịch vụ đổi tiền lẻ "nở rộ" tại các khu di tích và lễ hội.

An ninh, trật tự có phần bị buông lỏng

Bên cạnh các tiêu cực thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý và sự thiếu ý thức của du khách và người dân trẩy hội, tại nhiều địa phương, các tệ nạn cờ bạc, đỏ đen trá hình vẫn chưa bị dẹp bỏ. Chúng tôi đã chứng kiến không ít lễ hội có hẳn khu vực dành cho những trò "cờ bạc có thưởng": cua cá, phi tiêu, bắn bóng, ném vòng ăn tiền với danh nghĩa là "trò chơi dân gian". Tại các di tích như: Ðền Mẫu (Lạng Sơn), Ðền Trần, Phủ Dầy (Nam Ðịnh), Phủ Tây Hồ, Ðền Ðức Thánh Cả (Hà Nội), Ðền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Ðền Kiếp Bạc (Hải Dương), Ðền Ông Hoàng Mười (Ðền Củi, Hà Tĩnh), Khu di tích núi Bà Ðen (Tây Ninh)... Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)... còn có nhiều gian hàng bày bán công khai các loại sách xem tướng số, sách xem ngày tốt - xấu hay các loại sách xem vận hạn của từng lứa tuổi cũng được bày bán tràn lan và cùng với nó là những tệ nạn mê tín dị đoan cũng được dịp "bung ra" trong những ngày này như bói toán, xem tay, xem tướng, xem quẻ, hầu đồng, v.v. Dọc đường lên động Hương Tích ở Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội), nhóm phóng viên chúng tôi tận mắt thấy cảnh khách hành hương vẫn bị làm phiền bởi không ít người ăn xin lê la ngay giữa lối đi. Tình trạng bói toán, xem tướng số vẫn khá phổ biến. Thậm chí, nhiều "thầy" còn treo biển công khai nhận xem bói làm ăn, tình duyên, xem tay, xem nốt ruồi... Nhiều người xúm xít chờ đợi để xem bói, cho dù mức giá không hề rẻ. Tối thiểu một lần xem bói cũng là 100.000 đồng. Nếu muốn xem bói kỹ càng, chi tiết thì mức giá sẽ tăng lên.

Viếng thăm Ðền Bà Triệu ở Thanh Hóa trong những ngày Tết vừa qua, chúng tôi cũng thấy tràn lan các loại hình đỏ đen thu hút đông thanh niên, thiếu nhi khiến khung cảnh ngôi đền thiêng trở nên khá bát nháo. Mức thưởng tiền cho các trò này rất cao, nhưng chẳng mấy người chơi thắng mà tiền toàn rơi vào túi các chủ cửa hàng. Theo người dân ở đây, đã có nhiều khách trẩy hội có máu đỏ đen đã mất cả tiền triệu vào những trò như thế này dẫn đến cãi lộn, đánh nhau. Ngoài ra, rất đông người đứng đầy hai lối ra vào đền để chèo kéo, mời gọi người mua quẻ bói để xem bói toán, xem tướng số, lấy số tử vi, mặc kệ và có phần "coi thường" tiếng loa của ban quản lý và chính quyền nhắc nhở, khuyên người dân không nên mua quẻ, xem bói.

Ngay tại một điểm tham quan nổi tiếng thu hút đông du khách đến chiêm bái Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát và xin lộc đầu năm mới như Trung tâm Thánh tích Quán Thế Âm ở núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) cũng có những hình ảnh phản cảm, gây phiền cho du khách và người hành hương khi tụ hội tại đây là hàng trăm người ăn xin với từng nhóm nhỏ vây lấy du khách xin tiền. Ngày cao điểm là từ mồng 8 đến mồng 10 Tết vừa qua, chúng tôi chứng kiến hàng trăm người ăn xin, trong đó có cả trẻ, già, phụ nữ, một số còn bồng bế con dại nằm, ngồi lê lết dọc kín cả con đường vào khu tượng Phật. Mỗi lần có khách, những người ăn xin này thường đưa nón mũ, chìa tay, thậm chí đeo bám, "truy sát" khách đến cùng để xin tiền. Rất nhiều du khách tỏ ra bực mình với cảnh nài nỉ, van xin, khóc lóc... của những người hành nghề ăn xin. Ðược biết, những người ăn xin tại Thánh tích Quán Thế Âm chủ yếu sống tại TP Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên - Huế).

Những lộn xộn trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội và sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự tại không ít lễ hội, thậm chí đã xảy ra án mạng, như vụ việc xảy ra chiều mồng 6 Tết tại điện chính của chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) khi các thanh niên dự hội đã giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực ngay tại cửa đền khiến một nam thanh niên bị tử vong. Không chỉ có vậy, đã có hàng loạt sự việc tương tự đã diễn ra trong những ngày lễ hội mùa Xuân năm nay, thiếu sự đối phó kịp thời của cơ quan quản lý. Tại lễ hội đả cầu cướp phết ở đình Ðông Lai (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng, hàng trăm thanh niên trai tráng đã cùng lao vào cuộc đua giành phết để rồi chen lấn, chửi bới, giẫm đạp lên nhau. Theo tục xưa, ai chạm được vào quả phết trong hội sẽ gặp được may mắn cả năm, bởi vậy, đám "trai làng" đã bất chấp tất cả, hung hãn tiếp cận, giằng co quả phết tạo ra một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.

Hằng năm, từ cơ quan quản lý cấp trung ương cho đến địa phương đều có các chỉ đạo và kế hoạch, cũng như phương án quản lý và tổ chức lễ hội, nhưng việc hiện thực hóa các chỉ đạo và kế hoạch đó để phát huy hiệu quả vẫn còn chưa cao. Ðiều này đòi hỏi cần có những biện pháp khả thi và linh hoạt theo thực tế tại các lễ hội ở mỗi địa phương. Nếu những phương án chỉ nằm trên giấy và mang nặng hình thức cũng như sự thiếu trách nhiệm của những người thực thi thì những "hạt sạn" tiêu cực vẫn còn và hiện trạng này sẽ tái diễn thường trực. Ðể lễ hội được tổ chức thật sự vui tươi, lành mạnh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của những người dự hội trong thực hiện nếp sống văn minh cùng các quy định chung tại lễ hội; không lơi là trách nhiệm, tạo điều kiện dung dưỡng những hành vi lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín, dị đoan, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định trong dâng đồ lễ, khấn vái, không đốt vàng mã tại các lễ hội; kiên quyết dẹp bỏ các loại hình cờ bạc trá hình như dịch vụ vui chơi có thưởng và ăn xin tại các khu vực lễ hội; đồng thời có hình thức xử phạt nghiêm khắc và thông báo rộng rãi để răn đe những người có hành vi cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng như ban tổ chức các địa phương nên triển khai trong không gian lễ hội nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, phù hợp quy mô, tính chất lễ hội, khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách dự hội.

                                                                                             Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.501.251
Tổng truy cập: