Nicole Maillard từng là giáo viên dạy môn Lịch sử và tiếng Pháp, bắt đầu tham gia tổ chức Những người bạn của di sản Việt Nam (Friends
of Vietnam Heritage - FVH) từ năm 2003. Hôm nay, bà có nhiệm vụ đưa
nhóm người nước ngoài sống và làm việc tại Hà Nội tham quan khu di tích
Hoàng thành Thăng Long, một trong những biểu tượng văn hóa, lịch sử tiêu
biểu của Hà Nội. Tại đây, bà đã tận dụng mọi cơ hội để truyền đạt cho
khách những hiểu biết về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của công trình.
“Tôi thấy rất thú vị khi giúp những người nước ngoài khám phá các di sản
Việt Nam. Khi sống ở nước ngoài, họ cần phải biết lịch sử, văn hóa của
đất nước sở tại để có thể hiểu người dân mà họ tiếp xúc hàng ngày. Vì
tiếng Việt tương đối khó học, nên những chuyến tham quan như thế này là
cách tiếp cận dễ dàng nhất đối với họ để hiểu hơn về Việt Nam” - bà
Nicole Maillard cho biết.
Khi đăng ký
các chuyến tham quan do những tình nguyện viên như bà Nicole Maillard
tổ chức, tất cả người nước ngoài đang sống tại Hà Nội mong muốn hiểu rõ
hơn về đất nước và con người Việt Nam. Bà Genevieue Prady chia sẻ: “Khi
tham gia chuyến tham quan này, tôi học được rất nhiều điều thú vị về
lịch sử Hà Nội. Tôi từng đến đây, nhưng tôi vẫn quyết định quay trở lại
vì tôi rất thích di tích này và vì chị Nicole có những giải thích rất
hay và sâu sắc về lịch sử Việt Nam. Ở đây có nhiều cổ vật quý và đẹp,
tôi cũng thích những bức ảnh về Hà Nội xưa”. Còn chị Aline Gazagne tâm
sự: “Trước đây tôi không hề biết rằng, Hoàng thành Thăng Long lại lớn
đến như vậy. Tôi cũng không biết vai trò của di tích này cũng như quá
trình xây dựng và sửa chữa công trình này ra sao. Thật là tuyệt vời khi
tham quan nơi này. Các bạn may mắn khi có được nhiều di tích như vậy để
cho mọi người thấy được lịch sử, quá khứ. Những người nước ngoài chúng
tôi rất hào hứng khám phá văn hóa của đất nước các bạn”.
Những người bạn di sản của Việt Nam
bắt đầu hoạt động từ năm 1999, theo sáng kiến của một số người nước
ngoài sống và làm việc tại Việt Nam. Mục tiêu của nhóm là thúc đẩy sự
hiểu sâu sắc về văn hóa Việt Nam, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy
các giá trị văn hóa và di sản Việt Nam. Sau 13 năm hoạt động, đến nay
FVH có khoảng 1.115 tình nguyện viên, đến từ nhiều quốc gia trên và vùng
lãnh thổ. Tiếng Anh, Pháp và Nhật là 3 ngôn ngữ chính được sử dụng
trong các chuyến tham quan của nhóm. Để hiểu hơn về Việt Nam, các tình
nguyện viên tích cực trau dồi kiến thức văn hóa, lịch sử tại Trung tâm
tư liệu của tổ chức này, đặt tại Thư viện Hà Nội. Hiện nhóm thường xuyên
tổ chức các sự kiện như: khám phá phố cổ Hà Nội, qua những ngôi chùa,
con phố, kiến trúc...; tổ chức những chuyến đi đến các làng quê, để tận
hưởng phong cảnh thiên nhiên, tìm hiểu các làng nghề truyền thống, những
nét văn hóa đặc trưng...; chiếu phim về Việt Nam, giao lưu với các nghệ
sỹ; nói chuyện chuyên đề về lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc Việt Nam...
Những
cố gắng của các tình nguyện viên nước ngoài trong việc quảng bá văn hóa
Việt Nam không chỉ dừng lại ở đó. Nhóm đã thực hiện và phát hành 8 cuốn
sách hướng dẫn du lịch bằng tiếng Anh, như: Đền Bạch Mã, Chùa Trấn Quốc, Làng gốm truyền thống Bát Tràng, Dạo quanh Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm - huyền thoại và những ngôi đền...
Những cuốn sách này do chính các tình nguyện viên nghiên cứu, viết và
minh họa, nhằm cung cấp cho độc giả, cả đang sinh sống tại Hà Nội hoặc
đến tham quan Hà Nội, thông tin về nhiều khía cạnh của Hà Nội và văn hóa
Hà Nội. Trong tương lai, những ấn phẩm tương tự sẽ tiếp tục ra mắt, để
đáp ứng nhu cầu khám phá Việt Nam của người nước ngoài.