Hòa trong không khí sôi động của ngày hội, tại gian trưng bày, quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống của tỉnh Lạng Sơn, những chiếc mặt nạ sư tử mèo độc đáo, bắt mắt và nhiều món đồ chơi thủ công… rực rỡ sắc màu hấp dẫn trẻ nhỏ và người lớn.
|
Nghệ nhân Hoàng Choóng giới thiệu sản phẩm gà đất gáy cho trẻ nhỏ.
|
Năm nay gần 80 tuổi, nghệ nhân Hoàng Choóng vẫn tích cực tham gia và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Luôn tay hướng dẫn và chia sẻ thông tin cho du khách về đầu sư tử mèo, mặt nạ khỉ, gà đất gáy, nghệ nhân cho biết, múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật dân gian, thường được biểu diễn trong các dịp lễ, tết với quan niệm, sư tử mèo mang lại ấm no, hạnh phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu phúc cho con người. Mặt nạ sư tử mèo là sản phẩm thủ công truyền thống, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Xứ Lạng.
|
Mặt nạ sư tử mèo là sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo.
|
Tham gia thiết kế, chế tác các sản phẩm và đạo cụ phục vụ điệu múa sư tử, nghệ nhân Hoàng Choóng cho biết: Mặt nạ sư tử mèo được làm bằng đất sét, qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ nhào nặn, bồi giấy, sơn vẽ… Với sự phối màu hài hòa, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, các mặt nạ sư tử mèo thể hiện thần thái vừa hiền lành, vừa uy phong.
|
Nghệ nhân Hoàng Choóng, người dân tộc Tày, năm nay gần 80 tuổi.
|
Không chỉ tâm huyết gìn giữ và phát huy di sản múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, nghệ nhân Hoàng Choóng còn tích cực nghiên cứu, chế tác và bảo tồn các đồ chơi dân gian truyền thống như gà đất gáy, tò he…
|
Mặt nạ khỉ là sản phẩm được làm thủ công.
|
Múa sư tử của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Không chỉ là nét đẹp văn hóa dân tộc mà múa sư tử có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.
|
Phút ngẫu hứng mô tả điệu múa sư tử của nghệ nhân Hoàng Choóng.
|
Để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2030”. Loại hình di sản này góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của vùng đất xứ Lạng .