KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Bằng cấp làm méo mó thị trường lao động
(Ngày đăng: 02/04/2014   Lượt xem: 466)

Kết quả từ nghiên cứu hỗn hợp giữa nhóm chuyên gia Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCSEIF) và chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Ailen (ESRI) về lợi tức giáo dục và cầu lao động ở Việt Nam đã đưa ra kết luận: trình độ học vấn càng cao thì càng đảm bảo mức thu nhập lớn cho người lao động.

Ths. Phạm Thị Thu Phương, Phó trưởng ban Ban Tổng hợp NCSEIF dẫn chứng, năm 2002, nhóm đối tượng không bằng cấp có thu nhập trong một giờ là 3,33 nghìn đồng với nam và 2,48 nghìn đồng đối với nữ. Lương theo giờ ở cả hai nhóm đều tăng theo trình độ, tuy nhiên mức tăng cao hơn đối với nhóm có trình độ cao đẳng trở lên. Đối với nam giới có trình độ cao đẳng, lương theo giờ tăng thêm 5,19 nghìn đồng trong giai đoạn này. Song mức tăng còn lớn hơn rất nhiều ở nhóm có trình độ sau đại học, tăng thêm 22,35 nghìn đồng.

Cũng trong năm 2002, nam giới có trình độ tiểu học thu nhập cao hơn 14,2% so với những người không có bằng cấp. Phần lợi tức này tăng thêm 75,7% cho những người có trình độ sau đại học. Với nữ giới, sự chênh lệch về thu nhập cũng xảy ra tương tự. Nhóm tốt nghiệp tiểu học có thu nhập tăng thêm 28% so với nhóm không có bằng cấp. Mức lợi tức tăng lên 80% đối với nhóm có bằng đại học và trên 100% đối với nhóm sau đại học.


Chen chúc bằng cấp, trở ngại cho tìm việc làm

Sự chênh lệch thu nhập theo trình độ này, nhóm nghiên cứu lý giải do bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2002-2010 phù hợp với lý thuyết thay đổi công nghệ dựa trên kỹ năng. Theo quan điểm này, khi nền kinh tế tăng trưởng, các ngành công nghệ ưu tiên lao động có kỹ năng hơn so với nhóm không có kỹ năng.

Xét về cầu lao động tương đối, các kết quả cho thấy cầu đối với lao động ở mọi trình độ, cả nam và nữ so với nhóm không bằng cấp đều tăng trong giai đoạn 2002-2010. Tuy nhiên, mức tăng cầu đặc biệt mạnh đối với nhóm có trình độ dạy nghề trở lên, đặc biệt là cấp sau đại học. Kết quả cũng khẳng định rằng, cầu tương đối đối với nữ có trình độ dạy nghề trở lên không lớn bằng cầu đối với lao động nam có trình độ tương tự.

Tuy nhiên, đối tượng được lựa chọn để thực hiện nghiên cứu này lại dẫn tới nghi ngại về tính sát thực của kết quả đối với thực tế trên thị trường lao động hiện nay. Theo đó, nghiên cứu tập trung vào những người trong độ tuổi lao động, tức là từ 15 đến 65 tuổi. Song mẫu nghiên cứu chỉ tiến hành đối với người làm công ăn lương và người làm việc hơn 15 giờ/tuần. Mẫu cũng không bao gồm những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, theo một chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tiêu chí đánh giá sự hoàn trả của giáo dục với lao động tại Việt Nam nếu chỉ dựa trên mức lương thôi là chưa đủ. Vị này cho rằng, thị trường lao động Việt Nam hiện nay chưa phải hoàn hảo theo nguyên tắc thị trường định đoạt. Vì vậy, cần có thêm những tiêu chí đánh giá khác, chẳng hạn cơ hội tạo việc làm với các đối tượng được đào tạo ở trình độ khác nhau. Chẳng hạn, ở khu vực tư nhân hoặc FDI, tiêu chí để tuyển dụng hầu hết đều căn cứ trên khả năng làm việc của lao động. Yếu tố bằng cấp không quá quan trọng.

“Thực tế là nhà tuyển dụng ở các khu vực này không mấy quan tâm tới việc anh tốt nghiệp đại học. Vấn đề là làm được việc hay không. Chưa kể, lao động kỹ thuật qua đào tạo ở cao đẳng nghề còn có cơ hội việc làm và mức lương cao hơn rất nhiều so với lao động trình độ thạc sĩ ngồi bàn giấy. Điều này đúng với xu thế chung của thế giới, nếu thị trường lao động hoàn chỉnh”, chuyên gia của ILO bổ sung.

PGS-TS. Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cần nói rõ hơn về mức lương tối thiểu khi mang ra so sánh lợi tức mà người lao động nhận được. Theo ông Ngọc, phải hiểu thực chất đây là mức để tính thu nhập cho người làm trong khu vực quản lý và Nhà nước, chứ không phải mức lương tối thiểu của thị trường. Chưa kể một nghịch lý, theo ông Ngọc: “Các cơ quan quản lý Nhà nước, khu vực DNNN... vẫn phổ biến tình trạng hưởng lương chủ yếu theo chức vụ, chứ chưa theo việc, không căn cứ trên hiệu quả công việc với từng vị trí”.

Ở góc nhìn của ông Ngọc, kết quả của nghiên cứu trên dường như lại rất phù hợp với thực trạng “trọng bằng cấp” tại khu vực công hiện nay. Điều này cũng lý giải cho xu hướng lựa chọn ngành nghề thời thượng và đua nhau học thạc sĩ, tiến sĩ. Kết quả là hàng năm, lực lượng lao động lại tiếp đón thêm vài trăm thạc sĩ thất nghiệp, chấp nhận làm những công việc đòi hỏi trình độ thấp hơn nhiều so với năng lực được đào tạo, hoặc chấp nhận ở trong tình trạng thất nghiệp vì kén chọn công việc phù hợp với trình độ của bản thân…

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương:

Lương tối thiểu vẫn quan trọng

Vai trò tiền lương tối thiểu vẫn hết sức quan trọng. Việc thỏa thuận về tiền lương vẫn giữ vai trò chính yếu trong đánh giá lợi tức thu được từ giáo dục của người lao động. Phân chia theo 2 giới nam và nữ thì thấy lợi tức trong giáo dục ở nam tương đối ổn định, nhưng ở nữ có vấn đề là nhu cầu đối với lao động có kỹ năng cao thì tăng nhưng cung nhiều quá, dẫn tới lợi tức của giới nữ giảm. Theo tôi, lý do là cơ cấu ngành nghề của nam và nữ tương đối khác nhau. Điều này đặt ra câu hỏi tăng trưởng kinh tế cao có dẫn tới bất bình đẳng hay không?

Bên cạnh đó, chúng ta cũng khó đánh giá được tác động trở lại của lương tối thiểu, bởi khi tăng lên nó có khả năng tác động ngược trở lại với cầu, khi bùng nổ thì nhu cầu lao động có kỹ năng thấp tăng cao. Bản thân lương tối thiểu có thể tác động ngược trở lại phía cầu qua hành vi của DN. Khi mức lương tăng cao quá, có thể người tuyển dụng sẽ điều chỉnh, đầu tư cho công nghệ nhiều hơn, như vậy cầu lao động lại giảm xuống.

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế:

Cần chú ý xu hướng già hóa dân số

Điều đặc biệt của Việt Nam là chúng ta vừa bước vào giai đoạn dân số vàng, đồng thời già hóa. Hơn nữa, già hóa ở nông thôn còn diễn ra rất nhanh. Chưa kể, 70% lực lượng lao động hiện nay là lao động phi chính thức. Cần có những phân tích, so sánh cơ cấu lao động với thất nghiệp. Tôi cũng cho rằng cần chú ý tới khía cạnh được đề cập trong nghiên cứu, đó là tỷ lệ lương, việc làm theo giới. Với nam giới, tỷ lệ có việc làm gắn liền với lao động đào tạo nghề cao hơn, còn nữ có tỷ lệ gắn với đại học cao hơn. Đây là phát hiện mới và hay, cần được phân tích sâu hơn để có gợi ý với các nhà hoạch định chính sách, từ đó có cái nhìn mới mẻ về bức tranh lao động.

PGS-TS. Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội:

Cần phân tích thất nghiệp trá hình

Mặc dù chúng ta tập trung vào mức lương và cầu lao động khi đánh giá về lợi tức giáo dục, nhưng cũng phải chú ý tới tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ này ở Việt Nam thường duy trì ở mức rất thấp. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam khác với rất nhiều quốc gia. Nước ta là nước nông nghiệp, khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng cao, năng suất lao động thấp, nên chỉ số tỷ lệ thất nghiệp hữu hình không phản ánh được bản chất thị trường lao động. Cần phân tích được các yếu tố liên quan đến thất nghiệp trá hình như thiếu việc làm, có việc làm nhưng lương thấp, làm trái ngành nghề đào tạo, công việc có yêu cầu thấp hơn trình độ được đào tạo... thì mới thể hiện toàn diện thực trạng của thị trường.

Từ góc nhìn đó mới phân tích chính xác những lợi ích thực sự mà giáo dục mang lại đối với người lao động. Đồng thời, có những điều chỉnh trong cơ cấu lao động và điều chỉnh chương trình đào tạo. Như thực trạng mà báo chí phản ánh thời gian qua về thạc sĩ thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề, công việc thấp hơn trình độ được đào tạo. Theo tôi trước hết là do dự báo về nhu cầu lao động hiện nay còn thiếu thông tin. Thứ nữa là bản thân người lao động cũng không chịu tìm hiểu kỹ về nhu cầu của thị trường, từ đó tìm kiếm ngành nghề đào tạo cho phù hợp.

                                                                                       Theo: thoibaonganhang.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

315
Đang xem:
73.109.600
Tổng truy cập: