Từ nguyên liệu cói, người dân Nga Sơn đã tạo nên nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đẹp mắt.
Là vùng đất cói, trong quá khứ Nga Sơn nổi tiếng với sản phẩm chiếu cói. Và từ năm 1991 trở về trước, ngoài tiêu thụ trong nước thì sản phẩm cói Nga Sơn xuất sang thị trường Liên Xô và một số nước Đông Âu khi đó cũng chỉ dừng lại ở mặt hàng chiếu cói dệt số lượng lớn. Vậy nên, khi thị trường biến động, không chỉ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, người dân dệt cói mà cả người trồng cói cũng điêu đứng theo.
“Ngày đó, chiếu cói xuất khẩu sang Liên Xô và một số nước Đông Âu chủ yếu là nhờ “ngoại giao”, có sự can thiệp của Nhà nước hai bên. Vì thế, thực tế những người làm thương mại như tôi khi đó có tâm lý ỷ lại, trông chờ, ngay cả người dân làm nghề cũng vậy, không có nhiều sự sáng tạo trong sản phẩm. Đến khi mất thị trường truyền thống, lại không thể dựa vào Nhà nước như trước thì mới thực sự cần đến bản lĩnh DN. Nếu không muốn phá sản hoàn toàn thì chỉ có một cách duy nhất là phải tìm được thị trường mới”, bà Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang nhớ lại.
Tìm kiếm thị trường mới đã khó, hiểu và nắm bắt, đáp ứng nhu cầu của thị trường còn khó hơn. Và quan trọng, sau khi có thị trường rồi, lại phải quay trở lại để thay đổi tư duy sản xuất cố hữu vốn đã trở thành nếp của người dân làm nghề. Người dân Nga Sơn trước đây vốn chỉ quen với dệt chiếu cói, vậy nên khi chuyển sang làm các sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ khác cũng gặp không ít khó khăn.
Xác định xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cói là cách để tồn tại và phát triển, năm 2001, bà Trần Thị Việt thành lập DN Việt Trang - một trong những DN đi đầu về sản xuất, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện Nga Sơn. Trong suốt thời gian qua, không chỉ liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, người đứng đầu DN - nghệ nhân Trần Thị Việt còn không ngừng sáng tạo ra các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế. Để đến thời điểm hiện tại, DN đã có gần 600 loại sản phẩm khác nhau, trong đó có đến 80% được làm từ nguyên liệu cói.
“Đặc tính của sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngoài giá trị sử dụng còn phải kể đến mẫu mã ưa nhìn, có yếu tố trang trí. Nếu mình không chủ động thường xuyên thay đổi, nắm bắt thị hiếu của thị trường thì rất dễ thua cuộc, ế hàng. Những năm cao điểm, sản phẩm của Việt Trang xuất khẩu đi hơn 20 nước trên thế giới. Còn ở thời điểm hiện tại là trên 10 nước, như: Mỹ, Pháp, Canada, Nhật... Tùy vào thị hiếu của người dân ở các quốc gia xuất khẩu mà DN hướng đến sản xuất những mặt hàng phù hợp. Một điều rất đáng tự hào, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được người dân Việt Nam làm ra tinh xảo rất được người tiêu dùng nước ngoài yêu thích” bà Trần Thị Việt chia sẻ.
15 năm gắn bó với hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gặt hái được nhiều kết quả khả quan song cũng phải trải qua không ít khó khăn, đến nay Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh cũng được xem là một “ông lớn” trên địa bàn huyện Nga Sơn.
Cũng như Việt Trang, với khát vọng nâng cao giá trị cho cây cói nguyên liệu, DN Việt Anh tập trung vào sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc từ cói, bèo, bẹ bắp... Trong đó, sản phẩm từ cói chiếm khoảng 50%.
Ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, chia sẻ: “Hiện nay DN chúng tôi có hơn 200 sản phẩm, xuất khẩu thường xuyên đi hơn 20 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó thị trường chính là Mỹ, Pháp, Đức. Trước năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Anh đạt 5 triệu USD/năm. Mỹ và các nước châu Âu vẫn được xem là thị trường khó tính. Ngoài đòi hỏi về mẫu mã đẹp, tinh xảo thì họ còn hướng đến các tiêu chí về môi trường, an toàn cho người sử dụng...”.
Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của người đứng đầu các DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ như Việt Trang, Việt Anh, sự khó khăn (khách quan, chủ quan) đối với các DN làm về xuất khẩu chưa bao giờ hết. 2 năm qua, do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khiến cho những DN xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh tham gia xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Mỹ.
Bà Trần Thị Việt, cho biết: “Những năm 2020, 2021 dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng tổng doanh thu từ xuất khẩu của Việt Trang vẫn đạt trên 80 tỷ đồng/năm. Còn 2 năm nay, xung đột, biến động chính trị trên thế giới khiến cho DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, xuất khẩu. Năm 2023, doanh thu xuất khẩu của Việt Trang giảm 50% và năm 2024 này dự tính cũng không khả quan hơn. Đây là khó khăn với không chỉ DN, người lao động mà còn ảnh hưởng đến cả người trồng cói”.
Tương tự, với DN Việt Anh, năm 2023, 2024, tổng doanh thu từ xuất khẩu của công ty cũng sụt giảm khoảng 40%. Nguyên do được người đứng đầu DN, chia sẻ: “Xung đột ở nhiều khu vực khiến cho chi phí vận chuyển có thời điểm tăng lên gấp 5 lần, trong khi đó giá lại giảm, nhu cầu của thị trường tiêu thụ cũng giảm... Hiện nay, để duy trì sản xuất và xuất khẩu, DN chúng tôi đang mở rộng thị trường ra các quốc gia như Nhật Bản; Hồng Kông...”.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm thương trường, người đứng đầu Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh cũng tự tin cho rằng: “Khó khăn chỉ là tạm thời, mang tính thời điểm. Hàng hóa thủ công mỹ nghệ là sản phẩm sử dụng thường xuyên trong đời sống, nên tôi cho rằng thời gian tới khi tình hình thế giới ổn định, những khó khăn khách quan với DN cũng sẽ được khắc phục”.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Nga Sơn hiện có 18 công ty, DN, 20 làng nghề và khoảng 1.300 đại lý, hộ gia đình, hợp tác, tổ hợp kinh doanh nghề cói. Trong đó, có một số DN xuất khẩu cói và sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc từ cói, tiêu biểu như: Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh; Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang; Công ty TNHH Ngân Khương; Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Xuất khẩu Cói Xanh... Trên địa bàn toàn huyện hiện có 13 sản phẩm OCOP từ cây cói đã được công nhận 3 sao trở lên.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Nga Sơn, cho biết: “Đặc tính của cây cói trên đồng ruộng Nga Sơn là dài, dẻo, bóng, không gẫy, rất thích hợp cho việc đan lát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, nguyên liệu cói phục vụ cho sản xuất thủ công mỹ nghệ mới chỉ chiếm khoảng 1/3 sản lượng cói toàn huyện mỗi năm. Còn lại, vẫn là xuất khẩu cói dưới dạng nguyên liệu thô (cói xén, cói lõi) cho thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch là chủ yếu, giá trị xuất khẩu chưa cao, chịu nhiều rủi ro, giá cói nguyên liệu giảm thời gian qua cũng bởi do thị trường Trung Quốc hạn chế nhập. Thực tế, muốn nâng cao giá trị của cây cói thì xuất khẩu theo đường chính ngạch, với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn là hướng đi đúng đắn, mang tính bền vững. Và cần thiết phải hạn chế xuất khẩu cói nguyên liệu theo đường tiểu ngạch, chỉ phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc như lâu nay, bởi khi xảy ra biến động, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.