KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Xuất siêu liên tiếp, thặng dư là của người ta
(Ngày đăng: 18/03/2014   Lượt xem: 428)
Năm 2013 chẳng những lại xuất siêu mà còn xuất siêu lớn hơn năm trước (860 triệu USD, so với 750 triệu USD của năm 2012). Điều này nhiều người biết, nhưng ít người biết rằng mặc dù xuất siêu nhưng khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước (DNTN) lại lép vế, vẫn chìm đắm trong cảnh nhập siêu. Xuất khẩu thuần chất Việt Nam đang bị khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DNFDI) lấn át ngay trên sân nhà.

Từ ngày FDI vào, xuất khẩu của Việt Nam do hai khối tác thành: DNTN và DNFDI nhưng ít người biết thực hư cán cân thương mại của từng khối thế nào, mà chỉ nghe gộp chung, liên tiếp 2012 – 2013 xuất siêu thì mừng. Song chỉ cần nhìn cơ cấu xuất khẩu của năm 2010 và ba năm của giai đoạn 2011 – 2015 là thấy ngay xuất khẩu của khối DNTN kim ngạch nhích chậm rãi, nhưng tỉ trọng trong tổng kim ngạch thì phú quý giật lùi, từ 46% xuống 43 – 37 – 33%; còn khối DNFDI thì cả kim ngạch và tỉ trọng đều thẳng tiến.

Xuất khẩu thế, nên cán cân thương mại trái chiều. Năm 2010, cả nước nhập siêu 12,6 tỉ USD, thì khối DNFDI xuất siêu 2,1 tỉ USD còn khối DNTN nhập siêu 14,7 tỉ USD. Năm 2011 cả nước nhập siêu  9,9 tỉ USD thì khối các DNFDI xuất siêu 6,3 tỉ USD còn khối DNTN nhập siêu 16,2 tỉ USD. Năm 2012 cả nước xuất siêu 750 triệu USD, thì khối DNFDI xuất siêu 12,31 tỉ USD còn khối DNTN nhập siêu 11,560 tỉ USD. Năm 2013, cả nước xuất siêu 860 triệu USD, thì khối DNFDI xuất siêu 13,950 tỉ USD, còn khối DNTN nhập siêu 13,09 tỉ USD.

Như vậy, qua 4 năm, dù cả nước nhập siêu hay hé lộ xuất siêu thì khối DNFDI nối dài mạch xuất siêu với trị số càng vượng, còn khối DNTN vẫn nối dài chuỗi nhập siêu, với hố thâm hụt càng sâu.

Mặt hàng điện thoại do FDI mang đến gia công tiến vùn vụt. Năm 2011 còn đứng thứ ba, sau dệt may, dầu thô, năm 2012 vượt dầu thô, lên thứ hai chỉ còn sau dệt may. Năm 2013 với đổ bộ của các tên tuổi lớn vào gia công, xuất khẩu điện thoại đứng đầu với 21,5 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu thuần Việt ngày càng bí bách. Nhóm nông, thuỷ sản vốn là tiềm năng, thế mạnh, từ đầu năm 2013 liên tục sụt giảm, cuối cùng chỉ bằng 94,7% năm 2012, kim ngạch cả nhóm chỉ có 19,8 tỉ USD, thấp hơn kim ngạch riêng mặt hàng điện thoại. Gạo, cà-phê, cao-su, sắn… vốn chỉ xuất khẩu thô, luôn bấp bênh với những níu kéo vô hình như thị trường, khách hàng, giá cả, thương hiệu, trung gian… Cà-phê, hạt tiêu đã xuất hiện tình trạng các DNFDI lấn át từ gốc thu gom. Cá tra, con tôm xuất khẩu luôn bị bầm giập vì chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu. Hàng công nghệ, giá xuất khẩu giậm chân tại chỗ nhưng giá nguyên, nhiên, phụ liệu đầu vào đua nhau nhảy múa, hoặc được điều chỉnh lên “theo lộ trình cơ chế thị trường”. Trong điều kiện bị trói chặt vào thị trường nên chênh lệch tỉ giá giữa ngoại tệ để nhập khẩu với ngoại tệ thu được khi xuất khẩu cũng làm cho hố thâm hụt của khối DNTN sâu thêm.

Theo địa bàn thì “hiện tượng Bắc Ninh” càng rõ. Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước, số dân bằng 1,2% dân số cả nước – đứng thứ 39/63 tỉnh /thành phố. Rừng vàng, biển bạc không. Mỏ vàng, bạc, đá quý mới phát hiện cũng không. Trung tâm Khoa học Công nghệ siêu cao càng không. Lọt thỏm giữa Bắc Bộ, không cửa khẩu, vậy mà năm 2011, Bắc Ninh xuất khẩu 7,441 tỉ USD, vươn lên vị trí số 2 khu vực phía Bắc sau Hà Nội. Đến năm 2012, xuất khẩu của Bắc Ninh đạt 13,7 tỉ USD, chiếm 12% xuất khẩu của cả nước, đưa xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh lớn nhất khu vực phía Bắc. Năm 2013 kim ngạch vọt lên 25 tỉ USD, gấp 2,5 lần kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn TP Hà Nội (Hà Nội 2013 là 9,9 tỉ USD), bỏ xa tỉnh Bình Dương, vững vàng ngôi vị thứ 2 cả nước sau TP Hồ Chí Minh. Lí do chỉ vì Bắc Ninh được Samsung, Nokia mở nhà máy lắp ráp, nên kim ngạch của khối FDI chiếm 98% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, còn xuất khẩu các sản phẩm từ đồng đất, từ các làng nghề truyền thống của tỉnh chỉ chưa tới 2%. Sự lép vế của xuất khẩu nội tỉnh của tỉnh Bắc Ninh còn tệ hại hơn tình trạng này của khối DNTN của cả nước như biểu số liệu trên. Từ hiện tượng này liên tưởng tới một số địa phương những năm qua được mở mày mở mặt về xuất khẩu thực sự cũng nhờ “câu“ được nhà FDI, còn phần xuất khẩu của tỉnh vẫn bế tắc.

Trong khi các DNFDI có Công ty mẹ đỡ đầu, bao sân phân phối, bến bờ thường sóng yên biển lặng thì do không xuất khẩu được hoặc không có hàng xuất, lỗ vốn nên nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xí nghiệp chế biến nội địa phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng. Dọc các quốc lộ, nhan nhản các bố cáo cho thuê nhà xưởng, kho tàng. Trong các bến bãi, thiết bị dãi nắng, dầm sương; cần cẩu, xe nâng… ngủ gục. Tết Giáp Ngọ vừa rồi, có nơi công nhân thất nghiệp, không tiền về quê, lãnh đạo địa bàn tới tặng quà an ủi.

Có lẽ vì thấy rõ tình thế “không thể đảo ngược“, nên dù hai qua năm liên tiếp xuất siêu; nhưng 2014 và 2015 vẫn đặt mục tiêu phải nhập siêu lần lượt là 6 rồi 5% so với kim ngạch xuất khẩu, tương ứng trị giá nhập siêu mỗi năm chừng 10 tỉ USD.

“Cha” là nền kinh tế phụ thuộc ắt sinh “con” là nền ngoại thương ngoại lai. Thặng dư – xuất siêu là của thiên hạ, chỉ cho ta số thống kê làm đẹp báo cáo và một “bộ phận không nhỏ” cũng “được” ăn theo.

                                                                                                  Theo: nguoicaotuoi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

309
Đang xem:
73.109.594
Tổng truy cập: