HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Về với đất tổ Lam Kinh
(Ngày đăng: 17/03/2013   Lượt xem: 728)
Ngược dòng sông Mã về huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đi qua những xóm làng vẫn còn nguyên dáng vẻ của làng quê xưa cũ là khu Di tích Lam Kinh mang hồn cốt của một thời dĩ vãng. Trải qua dâu bể, biến thiên thăng trầm của lịch sử, Lam Kinh vẫn rêu phong, thâm nghiêm đến huyền bí về chiếc "nôi vàng" của những sự tích ngọc... - - - - - -

Tháng Tám mùa Thu, hành hương về đất tổ

Mỗi dịp Thu về, người người truyền nhau câu hát Xứ Thanh "Hăm mốt Lê Lai, Hăm hai Lê Lợi", đông đảo người dân khắp nơi nô nức hành hương về đất tổ Lam Kinh thắp hương tri ân vị anh hùng dân tộc đã khai sinh ra một triều đại thịnh trị vào loại bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Truyền rằng, vì cảm lòng xả thân cứu chúa của Lê Lai và những công trạng to lớn của Lê Thái Tổ, nên cứ vào dịp này, ông trời lại tuôn mưa, "khóc" cho những bậc tiền nhân đã hiến cả cuộc đời cho nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Lam Kinh là nơi bắt đầu của thời kì Hậu Lê gắn liền với bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối.

Vua Lê Lợi sinh ngày 6/8/1385, tằng tổ của vua húy là Hối, người phủ Thanh Hóa. Nhân một lần đi qua Lam Sơn, được một nhà sư già mách cho táng linh xa vào mảnh đất hình quốc ấn. Thế đất xoáy ốc, trước mặt có núi Chiêu làm hương án, tả có núi Rồng chầu về, hữu có núi Hồ chầu lại, tay phải hồ Thủy, tay trái Long Sơn liên kết như chuỗi hạt châu phát ngôi Thiên tử. Thấy chim muông quần tụ, thế đất vượng là nơi có thể tụ họp đông người, Lê Lợi liền dời đến Lam Sơn, sau ba năm thì thành sản nghiệp lớn. Việc mở đất gây nghiệp, dựng nền bắt đầu từ đó. Nhà Hồ không thuận lòng dân, giặc Minh đem quân xâm lược, bách tính điêu linh khôn xiết. Lê Lợi chiêu hiền đãi sĩ, thu nạp nhân tài, nghĩa sĩ bốn phương nghe tiếng tụ về Lam Sơn. Năm 1416, ông cùng 18 tướng sĩ hừng hực ý chí đứng trước đống lửa ngùn ngụt mở Hội thề Lũng Nhai dựng cờ khởi nghĩa, quyết tâm đánh đuổi giặc Minh. Ông dùng kế sách "lấy ít địch nhiều", "lấy yếu đánh mạnh" thu được nhiều thắng lợi, tiếng tăm dần vang bốn cõi.

Sau 10 năm “nằm gai, nếm mật" sự nghiệp bình Ngô thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua lấy niên hiệu là Thuận Thiên sáng lập triều Hậu Lê, mở ra một thời kì đất nước thịnh trị. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, thi hành chính sự mau lẹ của Lê Thái Tổ, với sự tham mưu của các "khai quốc công thần" như Nguyễn Trãi, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Sát, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Nguyễn Nhữ Lãm… nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế xã hội, củng cố bộ máy pháp quyền như: Định luật, chế ra lễ nhạc, mở khoa thi, lập phủ, huyện, thu thập sách vở, dựng học đường. Nhờ cải cách, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, đời sống người dân no ấm, thái bình. Khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8 năm Quý Sửu (1433), thi hài được đưa về an táng tại đất Lam Sơn. Sáu vị vua và hai hoàng hậu của triều Hậu Lê sau khi mất cũng lần lượt đưa về an táng tại đây, Lam Sơn trở thành sơn lăng của nhà Hậu Lê có tên gọi Lam Kinh. Lễ hội hằng năm được nhân dân chọn tổ chức vào ngày giỗ của ông.

     Lễ tế Tổ ở Lam Kinh, Thanh Hóa trong ngày hội.
Khu điện Lam Kinh vẫn cổ kính, thâm nghiêm giữa bộn bề, hối hả của cuộc sống, dẫu những gì sót lại chỉ còn là nền móng thành quách, cung điện, đôi rồng đá rêu phong… Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là Du Sơn) mặt Nam nhìn ra sông - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, Cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí theo trục Nam - Bắc trên khoảng đồi gò có hình dáng chữ Vương. Bốn mặt xây thành chiều dài 314 m, bề ngang 254 m, tường thành phía Bắc hình cánh cung bán kính 164 m, thành dày 1 m. Với diện tích khoảng 200 ha, Điện cổ Lam Kinh (Tây Kinh) trở thành kinh thành lớn thứ hai sau Đông Kinh ở Thăng Long thời ấy. Lam Kinh, còn những phế tích như Ngọ môn, Sân rồng, Chính điện, khu Thái miếu… Trước Lăng vua Lê Thái Tổ là hai hàng tượng người và tượng các con vật có niên đại cùng năm mai táng vua Lê Thái Tổ (1433) tạc bằng đá theo phong cách nghệ thuật đặc trưng khác hẳn các tượng khác. Tại Lam Kinh còn có Vĩnh Lăng, một công trình 600 năm "trơ gan cùng tuế nguyệt". Bia làm bằng đá trầm tích nguyên khối, đặt trên lưng rùa, tượng trưng cho sự trường tồn vĩnh cửu. Bên cạnh nhiều hoa văn là cứ liệu quý giá để nghiên cứu về nghệ thuật trang trí thời Lê Sơ. Bia Vĩnh Lăng còn mang giá trị lịch sử, mô tả cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi, người đã được Unessco công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới biên soạn.

Độc đáo lễ hội Lam Kinh

Về Lam Kinh, khách thập phương được ôn lại chuyện cũ, tích xưa, tỏ lòng thành kính, tri ân với những người con của lịch sử, một thời đã làm nên chiến tích vẻ vang; được thưởng lãm các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, các điệu múa, trò chơi dân gian: Múa Xéc bùa, múa đèn Đông Anh, múa rồng uyển chuyển bay lượn, hát trò Xuân Phả… mang đậm bản sắc Xứ Thanh.

Trò Xuân Phả là một trong ba di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn ở Thanh Hóa tồn tại cùng dân ca Đông Anh, hò sông Mã. Không chỉ diễn ra trong ngày hội làng và trong lễ hội Lam Kinh, trò Xuân Phả còn được chọn đại diện cho văn hóa xứ Thanh công diễn tại các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và cả nước: Chào thiên niên kỉ mới 2000, Phét-ti-van Huế 2004, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Múa Xuân Phả thể hiện khát vọng vươn lên của con người, là bức tranh muôn màu về cuộc sống, để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng. Những hành vi trong sinh hoạt của cư dân Việt thuở trước như đi săn, đánh võ, chèo thuyền, gõ mạn thuyền, xoay vòng... lồng vào các động tác múa, khái quát cuộc sống của cha ông xa xưa, tôn thêm sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt. Trò Xuân Phả vui, trữ tình, nhiều đạo cụ được sử dụng nhưng mỗi đạo cụ có một hình tượng riêng.

Thời gian trôi đi, Lam Kinh vẫn sừng sững tồn tại, như phần hồn cốt của xứ Thanh, như dấu ấn tâm linh của quá trình lịch sử lâu đời, trở thành chốn đi về của con dân thành tâm với cõi linh thiêng, hướng về cội nguồn, tiên tổ.

Theo: Người Cao Tuổi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
73.196.115
Tổng truy cập: