HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Vừa ngắm tranh, vừa mỉm cười!
(Ngày đăng: 14/03/2013   Lượt xem: 690)

Có thể 35 bức tranh sơn mài và giấy dó được giới thiệu trong triển lãm vừa khai mạc tại Art Talk Café không hẳn là những tác phẩm xuất sắc nhất của Lý Trực Sơn, nhưng với “hoạ sĩ hoa cỏ”, đó chính là những bức tranh định mệnh… - - - - - -

Tranh thảo mộc.

Ai muốn “cảm” Lý Trực Sơn của một thời “chập chững” trên lối rẽ chưa có dấu chân người, chỉ việc tới đây, thưởng tranh theo lối… vừa ngắm vừa mỉm cười. Đời cầm cọ của Lý Trực Sơn thênh thang giai thoại, toàn những chuyện thật như đùa và đều có chút dính dáng tới các tác phẩm trong triển lãm kỳ này. Vừa ngắm tranh, vừa mỉm cười, là vậy!

Còn nhớ, triển lãm của Nguyễn Quân và Lý Trực Sơn tại Hà Nội hồi cuối thập niên 1980, ở đó, trên nền giấy dó, Nguyễn Quân “nghịch” với sơn dầu, còn Lý Trực Sơn “chơi” cùng màu nước. Rồi từ đấy, giấy dó được “chính danh” như một chất liệu nền độc lập. Nhưng thực ra, những tác phẩm mang ý nghĩa “khai sinh” chất liệu giấy dó không xuất hiện tại triển lãm đó, mà được Lý Trực Sơn cất kỹ tại nhà, với lý do riêng. Đó là một series tranh kỳ lạ, chỉ bám đuổi một chủ đề duy nhất: Vân dại. Nỗi ám ảnh khó lý giải ấy bắt nguồn từ một nhân vật mẫu của sân khấu chèo: Xuý Vân. Nó thể hiện ở sự gắng bắt đuổi cái thần của Xuý Vân, cùng những đa mang của nàng theo một cách cảm riêng: Xuý Vân lả lơi tóc buông, váy xoã, Xuý Vân mơ tình, hận tình, điên tình, Xuý Vân vừa rõ nét vừa mơ màng tựa ảo ảnh... Có thể, vào lúc ấy, hoạ sĩ hãy còn “lạc lối” trong “cơn khát” Vân dại, vẽ mãi, vẽ mãi cũng chưa thoả nên đến tận bây giờ series tranh Vân dại mới được công bố, khi sắc ngà của giấy dó đã trở nên đậm đà hơn. Mà nhờ thế, nét biểu cảm và cái hồn của bức tranh cũng sâu lắng hơn, như thể được “lên men” qua năm tháng.

Nằm cạnh series Vân dại là một bộ tranh trừu tượng, được vẽ quãng thập niên 1990. Vẫn chất liệu giấy dó, nhưng bút pháp hoàn toàn khác với thời kỳ Vân dại. Đặc biệt, sắc độ tranh khá gần với giai đoạn hoa cỏ sau này. Nghe hoạ sĩ kể mới hay, đó chính là những bức tranh thảo mộc đầu tiên, tạo thành từ nước chè lip-ton, bút chì và màu khô, những chất liệu thiên nhiên tuôn trào từ một “chớp loé số phận”, trong những năm tháng ông lang bạt bên Pháp. Đến giờ, tranh thảo mộc đã trở thành một trường phái vững chãi, và tất nhiên gắn liền với cái tên Lý Trực Sơn. Bạn hữu trong giới thường đề cao khả năng phát hiện cái mới của ông. Nhưng có lẽ, khả năng đi đường dài của Lý Trực Sơn mới thực đáng nể.

Trước hoa cỏ, giấy dó, không quá lời khi nói Lý Trực Sơn đã “lừng lẫy” với sơn mài. Có người ví, tranh sơn mài của Lý Trực Sơn như những “Nỗi niềm cổ tích” vì ông thường mê mải thể hiện những dáng nét cổ xưa, đưa người xem lạc vào những trầm tích văn hoá. Thế nên mới giật mình trước bộ tranh sơn mài mới toanh này. Kiệm màu quá đỗi so với nếp trưng trổ của các hoạ sĩ sơn mài khác, và so với chính Lý Trực Sơn trước đây. Nét vẽ, hình khối cũng đều tinh giản kiểu ý tại ngôn ngoại, mang hơi hướng tranh trừu tượng. Một ngôn ngữ sơn mài rất riêng, và rất lạ. Hỏi Lý Trực Sơn “Lại một chớp loé số phận chăng?” Ông cười xoà: “Một gạch nối sơn mài giữa quá khứ và tương lai. Phá vỡ những gì đã có, đã in sâu, khó lắm. Hãy còn bối rối, chưa thể gọi tên chính xác”. Chưa thể gọi tên, nhưng đã bắt đầu một con đường mới, một con đường dài, phải không hoạ sĩ hoa cỏ?

Lý Trực Sơn sống với nghệ thuật như người có đạo sống có đời sống tôn giáo thường nhật. Họ có thể có những tác phẩm hay hoặc dở, ta thích hay không thích, nhưng chắc chắn đó là người nặng lòng với nhân thế, cũng được quy định bởi cái khuôn mẫu văn hoá Việt, và cách này hay cách khác muốn thoát khỏi nó, hoặc làm ra cái khác.

(Trích ý hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng)

Triển lãm tranh sơn mài và giấy dó của hoạ sĩ Lý Trực Sơn do Mai Gallery tổ chức, diễn ra từ ngày 10.3 – 20.3 tại Art Talk Cafe (12 Quán Sứ, Hà Nội).

                                                                                                      Theo: SGTT

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
73.196.101
Tổng truy cập: