HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Lễ hội chùa Hương, những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Ngày đăng: 10/02/2014   Lượt xem: 483)
Nhiều vấn đề chướng tai gai mắt xảy ra tại lễ hội Chùa Hương dù đã được ban tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm xử lý. Những điều đó ít nhiều khiến dư luận nhức nhối...  
Những ngày này, khu di tích chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) - khu danh thắng được mệnh danh đẹp nhất trời Nam đang tấp nập đón hàng vạn lượt du khách thập phương về tham gia lễ chùa, vãn cảnh với những tâm nguyện vô cùng ý nghĩa tốt đẹp. Tuy nhiên, nhiều vấn đề chướng tai gai mắt xảy ra dù đã được ban tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm xử lý. Những điều đó ít nhiều khiến dư luận nhức nhối...  

Lễ hội chùa Hương, những điều trông thấy mà đau đớn lòng - Ảnh 1

Ùn tắc, xô đẩy là cảnh dễ thấy ở lễ hội chùa Hương.
Thêm cổng đón khách
Khu danh lam thắng cảnh chùa Hương nổi tiếng với lễ hội chùa Hương. Hàng năm, lễ khai hội bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng (âm lịch) và kéo dài đến tháng Ba âm lịch. Bắt đầu từ 15 tháng Chạp (âm lịch), di tích chùa Hương đã nhộn nhịp đón khách thập phương về trảy hội. Tính tới ngày khai hội chính thức (5/2, tức ngày mùng 6 tết Giáp Ngọ), chùa Hương đã đón gần 17 vạn du khách thập phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức kiêm Trưởng ban Quản lý khu di tích chùa Hương) cho biết: Năm nay, mọi vấn đề về công tác dịch vụ, tài chính, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đã được cố gắng đảm bảo tới mức tốt nhất. Điểm mới nhất của chùa Hương năm nay là sự xuất hiện của cổng Hang Vò. Nếu những năm trước chỉ có 3 hướng vào  chùa là cổng Hội Xá, Đục Khê và Tiên Mai thì năm 2014, ban quản lý mở thêm một cổng mới là Hang Vò. Đây là cổng nối với tuyến đường đi thẳng từ Hà Nam vào khu vực bên kia của đền Trình. Cổng Hội Xá Hương Tích Môn cũng được xây mới làm bằng đá xanh với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Một trạm kiểm soát vé mới với 19 cửa, có camera giám sát sẽ được đưa vào sử dụng. Bộ mặt khu danh thắng năm nay khang trang hơn, hiện đại hơn, song các biện pháp quản lý vẫn không có gì mới. Theo ước tính, mỗi ngày chùa Hương đón khoảng 3 vạn người, cao điểm lên đến 6 vạn người, khách thập phương tiêu thụ xấp xỉ 3 tấn thực phẩm mỗi ngày,  sự có mặt của hàng quán và những giá treo thịt sẽ vẫn là điều không thể thiếu. Ông Hậu lý giải, nếu không có những hàng ăn nằm rải rác quanh khu di tích, chuyến đi hành hương của du khách sẽ rất khó được đảm bảo. Ông này nhấn mạnh: "Tại chùa Hương không có thịt thú rừng, động vật hoang dã. Các con vật được giới thiệu là nhím rừng, lợn rừng... là những động vật được người dân tự nuôi, chẳng hạn như nhím được nuôi ở Mỹ Đức và Phủ Lý (Hà Nam), đà điểu ở Ba Vì… Năm nay sẽ chỉ có 14 nhà hàng chuyên kinh doanh ăn uống được cấp phép trong khu vực Thiên Trù, nhưng không bố trí sát khu vực chùa. Các cửa hàng bán đồ ăn phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc động vật.
Ông Hậu bày tỏ, thịt động vật được bày bán, treo móc ở chùa Hương trông phản cảm nhưng không thể không treo! Đây là cách bảo quản thực phẩm và bán hàng truyền thống của người dân. Và vẫn như mọi năm, ban tổ chức sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, bắt các cửa hàng thực phẩm ký cam kết không bán thú rừng, các cửa hàng treo thịt nhưng phải có trang trí, sắp xếp sao cho bắt mắt, không phản cảm (!?).
Dù khẳng định chắc nịch về một mùa lễ hội 2014 an toàn, văn minh, lịch sự, đạt hiệu quả cao, nhưng ông Nguyễn Văn Hậu vẫn không quên khuyến cáo người dân khi mua hàng nên có sự thỏa thuận trước để tránh tình trạng bị "chặt, chém".
Và thực trạng... đáng buồn
Dù đặt mục tiêu thu hút khách về lễ hội chùa Hương ngày càng đông nhưng ban tổ chức vẫn chưa thể giải quyết hết những bức xúc tồn tại nhiều năm qua. Trong đó, đáng nói nhất là tình trạng "chặt, chém" khách hành hương mọi lúc mọi nơi với nhiều hình thức khác nhau dù theo quan sát của phóng viên thì trong những ngày qua lượng khách đổ về thực tế có vẻ giảm hơn những năm trước. Đây có thể do khách thập phương tham gia vào những lễ hội khác, phần khác do tâm lý sợ những ngày đầu khai hội sẽ đông. Dù vậy, đã đến với lễ hội, du khách vẫn phải chứng kiến những hình ảnh phản cảm, hay phải nuốt ấm ức ngay trong ngày trảy hội.
Trong số các dịch vụ phục vụ lễ hội thì ăn uống và đổi tiền lẻ khiến du khách bức xúc nhất. Nếu như ở đền Trình (đoạn đầu suối Yến), du khách phải đổi tiền lẻ với mức 10 ăn 8 thì khi vào đến khu Thiên Trù phải đổi với mức 10 ăn 6, thậm chí chỉ 5.  Hay như ở bến đò, dù năm nay ban tổ chức đã bố trí khoảng 5.000 chiếc đò đưa đón khách nhưng nhiều chủ đò hụt hẫng vì số lượng khách ít hơn dự kiến. Một nữ chủ đò trên suối Yến cho biết: "Từ ngày khai hội  đến hôm nay vắng khách hơn mọi năm rất nhiều…".
Có lẽ cũng chính vì vậy mà ngay tại bến đò đã xuất hiện sự "chặt, chém", bắt chẹt du khách. Dịch vụ đầu tiên mà mọi du khách phải sử dụng là đi đò. Người lái đò thường chèo kéo, mời gọi từ đoạn đường trước khi vào suối Yến. Hiện tượng tranh giành khách diễn ra phổ biến ở khu vực bãi để xe và nơi mua vé của khu di tích Hương Sơn như một thứ luật bất thành văn giữa các chủ đò hòng bắt chẹt khách. Ngoài tiền vé, du khách còn phải trả thêm cho lái đò một số tiền nhất định tùy vào đoàn đi đông hay ít người. Vợ chồng anh Nam bức xúc cho biết: "Chúng tôi chỉ đi 2 người nhưng chủ đò cũng đòi thêm 300 ngàn đồng. Cộng với vé vào thắng cảnh thì chúng tôi phải bỏ ra 470 ngàn đồng mới được đi đò. Trong đó, số tiền phụ trội đã gần gấp đôi tiền vé. Cũng bởi vì suối Yến có thể được coi là con đường độc đạo dẫn vào chùa nên chúng tôi đành chấp nhận ghép với những người khác để cùng chung chi...".
Du khách Đặng Ngọc Bình (Hà Nội) lại tỏ ra e ngại về sự an toàn, chia sẻ: "Đã thành lệ, năm nào gia đình tôi cũng đi lễ tại chùa Hương. Hàng trăm chiếc đò hoạt động trên suối Yến, nhiều đò không có phao cứu hộ, trong khi đó, theo tôi được biết suối Yến mới được nạo vét và bơm thêm nước từ sông Đáy vào nên nước rất sạch và trong, độ sâu trung bình 3 - 4m. Năm nay, chùa Hương lại có thêm rất nhiều thuyền máy, gây nguy hiểm cho các đò vì một số đò chở quá tải. Thành phần lái đò thì vô cùng phong phú, đa dạng, từ ông, bà già, thanh niên, thậm chí có cả cháu học sinh còn mặc nguyên đồng phục cũng tham gia giúp bố mẹ. Tôi lo lắm, nếu xảy ra tình huống xấu, liệu họ có đủ kỹ năng để ứng cứu không? Hàng năm, có hàng chục nghìn khách thập phương về lễ hội chùa Hương, nếu công tác đảm bảo an toàn tốt thì đi lễ sẽ là niềm vui của mọi nhà khi về đất Phật.
Chưa hết, tại khu vực ga cáp treo xuất hiện nhiều cò chào mời du khách trảy hội mua vé đi cáp treo. Giá vé khứ hồi niêm yết của Công ty vận tải du lịch Hương Sơn cho một du khách đi cáp treo là 140 ngàn đồng, thì sẽ được cò rao bán với giá từ 150 đến 160 ngàn đồng. Qua tìm hiểu PV được biết, sở dĩ có tình trạng cò vé cáp treo là do việc xếp hàng mua vé mất khá nhiều thời gian. Cũng qua khảo sát, những cò vé này ngang nhiên xuất hiện trước khu vực ga cáp treo với nhiều tập vé trên tay, ra sức chèo kéo du khách nhưng không hề bị lực lượng chức năng xử lý. Chưa hết, tại những thời điểm quá tải cáp treo, nhiều cò vé còn rao nếu ai chịu mua vé và bỏ thêm vài chục nghìn thì có thể lên cáp đi lên động Hương Tích ngay được....
Qua quan sát của PV báo ĐS&PL, mùa lễ hội năm nay tại khu vực chùa Hương có hàng ngàn quán tham gia kinh doanh, tuy có rất nhiều hàng quán không đăng ký nhưng vẫn hoạt động bình thường. Tình trạng các cửa hàng, quán ăn bày bán thịt thú rừng vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, thay vì công khai bày cả mảng thịt tươi ngoài trời như nhiều năm trước, năm nay, các nhà hàng, quán ăn đã bố trí những khu vực bảo quản và treo thịt thú để giảm thiểu sự phản cảm nơi cổng chùa.
Hình ảnh phản cảm
Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương bày tỏ quan điểm: Hình ảnh động vật bị mổ xẻ, treo công khai tại chùa Hương năm nào cũng gây phản cảm. Không phải riêng tôi, mà rất nhiều các vị tăng ni, phật tử mong muốn các du khách thập phương hành hương về danh lam thắng cảnh di tích đền chùa nên ăn chay khi đến cửa Phật. Ăn chay là một nghĩa cử đẹp, chỉ cần một tháng ăn chay 2 ngày, không nhất thiết là ăn chay trường. Khi đó, tự khắc những hình ảnh xấu sẽ dần dần biến mất.
                                                                                        Theo: doisong&phapluat
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
73.195.879
Tổng truy cập: