LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng Tul vui cuộc sống mới
(Ngày đăng: 15/01/2015   Lượt xem: 372)
Mặc cho thời tiết cuối năm buốt lạnh, Trưởng làng Tul (xã Yang Mao, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) - Anh Ama Yuih Lan vẫn khoác chiếc áo lao động thường ngày cùng dân làng ra cánh đồng thăm lúa. Anh cho biết, vụ lúa vừa rồi, nhà nào cũng trúng. Nhà ít ruộng cũng có chục bao lúa khô dự trữ, vừa để ăn hằng ngày, vừa lo cho cái Tết sắp tới. Nhà nhiều ruộng thì lúa chất đầy trong nhà...
Cây cà phê góp phần đắc lực giúp người dân làng Tul xóa đói, giảm nghèo.
 
"Đồng bào rất ưng cái bụng"

Bên ruộng lúa đang thì con gái của nhà mình, Yuih Lan bày tỏ, vào độ lúa chuẩn bị trổ bông, phải thăm liên tục để vạch ra kế hoạch bón lót, phun thuốc trừ sâu, cho đến ngày lúa chín rộ thì chuẩn bị cơm nước, nhân lực thu hoạch đem về nhà.

Vụ vừa qua, trên 30ha lúa nước của 95 hộ đồng bào dân tộc M'Nông, Êđê, Ba Na trong buôn đạt năng suất trung bình khoảng 5-6 tạ một sào. "Thu hoạch xong, mình đã bán bớt một nửa. Phần lúa còn lại, mình để làm giống, ăn và ủ vài hũ rượu cần vui Tết..." - Yuih Lan chia sẻ.

Theo Trưởng làng Yuih Lan, những năm trước đây cánh đồng lúa nước của buôn do thiếu nước nên năng suất rất thấp, vì vậy, người dân nơi đây thường thấp thỏm nỗi lo thiếu ăn. Từ khi hệ thống thủy lợi Ea M'hat được đưa vào sử dụng, người dân có điều kiện canh tác lúa 2 vụ/năm cho năng suất cao.

"Trước đây, thiếu nước tưới, vì vậy nhiều năm mùa màng thất thu, một số bà con nản lòng, muốn bỏ ruộng để chuyển sang trồng các loại cây khác. Sau khi "khoản nước tưới" được giải quyết, bà con đã xuống giống trở lại. Bên cạnh đó, được cán bộ khuyến nông vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, nhiều hộ đã sử dụng các loại giống lúa và rau màu mới như lúa khang dân, ngô lai VN110, CP888… Nhờ đó, nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn có tích lũy, vươn lên làm giàu...".

Trên bờ ruộng sương đêm còn vương đọng, nông dân trẻ Yeih Tình chăm chú quan sát khắp ruộng lúa của nhà mình. Anh cho biết, làm ruộng tuy không cho thu nhập cao nhưng luôn có gạo ăn, ủ rượu để uống. Điều quan trọng là nếu biết canh tác kết hợp cây lúa năng suất cao cùng với các cây trồng khác như ngô, đậu, cây ăn trái, cà phê, tiêu thì vẫn cứ "giàu như thường".

"Được Đảng và Nhà nước quan tâm, cấp đất làm ruộng, làm rẫy, cấp nhà ở, làm đường, dựng trường... đồng bào M'Nông, Êđê, Ba Na ở làng Tul mình rất ưng cái bụng. Bây giờ, không chỉ có cây lúa, dân làng đã đẩy mạnh chăn nuôi, làm nghề, bảo vệ rừng. Ai cũng hăng say lao động để phấn đấu thoát nghèo, tiến tới làm giàu...".

Quả như lời Yeih Tình nói, dưới màn mưa phùn giăng mắc trong thời tiết giá lạnh, nhưng tiếng nói cười của người dân làng Tul trên cánh đồng lúa vẫn rôm rả. Người này làm cỏ, người khác khơi thông dòng nước từ kênh nội đồng vào ruộng nhà mình.

Theo lời Yeih Tình, ở thời điểm hiện tại, các diện tích lúa gieo trễ cũng đã ngậm sữa. Đến cuối tháng Chạp âm lịch thì các mảnh ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Đây là thời điểm bà con phải cho ruộng nghỉ ngơi, chuyển sang thu hoạch các cây trồng khác như sắn, bắp, mì...

Náo nức đón chờ một mùa xuân mới

Mấy năm nay, do lúa gạo cùng các loại cây trồng khác được giá, gia súc, gia cầm ít bị dịch bệnh, chóng lớn nên người M'Nông, Êđê, Ba Na ở làng Tul ai cũng vui vẻ, hồ hởi. Tính ra, các hộ dân trong làng đang có "nguồn vốn" cả về văn hóa và kinh tế khá vững chắc, đủ tiềm lực để xây dựng phát triển nông thôn mới.

Những con số ghi nhận về tổng đàn trâu (80 con), đàn bò (gần 300 con), đất sản xuất 1,5ha/hộ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 30% so với 70% cách đây 4 năm, cùng nhiều thiết chế văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đang ngày càng khởi sắc đã nói lên điều đó.

Cũng theo Trưởng làng Tul, Yuih Lan, sở dĩ đời sống tinh thần và vật chất của bà con trong làng không ngừng nâng lên là do những năm qua, đồng bào các dân tộc ở xã Yang Mao, trong đó có làng Tul luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm chăm lo.

Hiện dân số của làng có gần 500 nhân khẩu, không phải là đông nếu so với các cộng đồng dân cư khác ở địa phương, nhưng vẫn được quan tâm đầu tư rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng, như: Điện, đường, trường, trạm, mà điển hình là hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, công trình nước sinh hoạt tự chảy với kinh phí đầu tư tổng cộng gần 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, đồng bào các dân tộc ở đây còn được cấp trên giao đất khoanh nuôi bảo vệ rừng, xây dựng dự án làng văn hóa... "Ngoài các công trình hạ tầng, người dân làng Tul còn được hưởng thụ về văn hóa, học tập, với 100% con em đồng bào các dân tộc đến tuổi đi học được đến trường. Thanh niên đồng bào M'Nông, Êđê, Ba Na bây giờ ham học lắm.

Học để tự nuôi thân và về xây dựng buôn làng, địa phương văn minh, tiến bộ" - Anh Ama Thảo, Phó Bí thư Chi bộ làng Tul vui mừng chia sẻ - "Trong làng số cháu đang học đại học tuy còn ít, nhưng danh sách các cháu học cao đẳng, trung cấp, các trường dạy nghề đang ngày một dài ra...".

Chia tay năm 2014, đồng bào các dân tộc ở làng Tul đang hăm hở chào đón năm mới 2015 theo cách riêng của mình, thông qua hình ảnh các cháu học sinh tấp nập đến trường, những nếp nhà sặc sỡ sắc màu thổ cẩm với tiếng khung cửi lách cách trong chiều muộn và những chuyến xe công nông chở đầy nông sản, hàng hóa vào ra...
                                                                      Theo : bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
73.196.071
Tổng truy cập: