LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Trống Đọi Tam, âm vang hồn đất Việt
(Ngày đăng: 13/01/2015   Lượt xem: 424)
Theo hướng chỉ tay của người xe ôm, tôi đã thấy bóng dáng ngôi làng nằm dưới chân núi Đọi. Lắng tai nghe thỉnh thoảng sẽ thấy tiếng: thùng, thùng. Người xe ôm bảo tôi: “Trống Đọi đấy!”.
Đọi Tam, làng trống

Từ Quốc lộ 1A, tôi bắt xe vào làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Làng trống đón tôi bằng những âm thanh như dội vào lồng ngực, thấp thoáng đã nghe tiếng máy xẻ, máy bào, tiếng cưa, tiếng trống thỉnh thoảng lại vang lên mời gọi.

Dọc theo con đường làng giờ đã được bê-tông hóa, tôi tìm gặp ông Đinh Văn Lương - người trưởng thôn đã nhiều năm gắn bó với làng, với nghề. Ông Lương kể, nghề làm trống nơi đây đã có từ lâu đời (trên 1000 năm), ông tổ làng trống là hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Truyền thuyết kể lại, năm 987, khi vua Lê Đại Hành về làng làm Lễ Tịch Điền cỗ vũ tinh thần nhân dân làm nông, hai cụ đã tự tay làm một cái trống to để đón vua.

Tiếng trống cất lên vang rền cả một vùng trời, cũng từ đây, tiếng trống Đọi Tam đã bắt đầu cất lên và gắn bó với cuộc sống tới tận bây giờ. Đáng nhớ nhất là năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hai cụ cùng với trai làng đã sản xuất một dàn trống, đứng ở chân núi Đọi, đánh trống rước vua về kinh. Tiếng trống vang dội, chạm tới lòng người, tới trời đất linh thiêng. Khi về kinh, vua ban chiếu cho phép người dân Đọi Tam lên kinh thành làm trống phục vụ lễ hội, cung đình. từ đấy, Hà Nội mới có phố mang tên Hàng Trống. Tiếng trống Đọi vang rền như sấm, vì vậy mà sau khi hai cụ tổ mất, người dân đã lập miếu thờ, tôn là Lăng Trạng Sấm.

 Xưởng sản xuất với tất cả các loại trống.
Đi khắp cả làng Đọi Tam không nhà nào là không làm trống, làng trống xưa kia chỉ lấy nghề là phụ, vì thời đó trống chưa phát triển, người dân chủ yếu vẫn sống bằng nghề nông. Giờ đây, khi nhu cầu và do tiếng trống của làng đã vang xa nên làng trống đã lấy nghề làm gốc, duy trì và phát triển. Nhưng cũng như tất cả các làng nghề khác, làng trống cũng có qui định và nguyên tắc riêng của mình: “Làng có lời nguyền từ xưa rồi, chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái và con rể. Nếu nhà nào vi phạm thì sẽ bị đuổi khỏi làng và chịu lời nguyền sẽ không buôn bán được nữa”. Ông Đinh Văn Lương cho biết.

Hiện nay, xã có 650 hộ, thì hơn 80% số hộ đều làm trống, 32 cơ sở sản xuất, nhà nào nhà nấy đều xem trống như vật không thể thiếu. Tiếng trống Đọi Tam vang khắp cả nước, ở đâu có người Đọi Tam thì ở đó có trống Đọi Tam.

Giữ lửa cho nghề

Theo lời chỉ dẫn của trưởng thôn Đinh Văn Lương, tôi tìm tới nhà anh Tuân, chị Hiền, một gia đình có truyền thống với nghề làm trống. Gặp anh Tuân ngay ở cổng nhà, tôi thấy anh đang cặm cụi rửa da trâu để chuẩn bị căng làm mặt trống. Anh Tuân thành thạo nghề trống từ năm mới 13, 14 tuổi. Làm trống cũng phải tỉ mỉ, phải “tỉnh” cùng tiếng trống. Từ công đoạn căng da, làm tang, ghép tang,.. đều phải cận thận từng công đoan, chi tiết. Khi được hỏi về trống Sấm, nét mặt anh Tuân rạng rỡ: “Trống Sấm vang lắm, rền lắm, vang dội vào tận trong ruột gan vậy. Chính chiếc trống chúng tôi làm dâng đại lễ Thăng Long là trống sấm đấy, giờ đang tọa trên Văn Miếu Quốc Tử Giám.”

Chia tay vợ chồng anh, tôi đến xưởng làm trống của nghệ nhân Lê Ngọc Hùng. Ở đây có đủ cả các loại, từ trống chèo, trống trường, trống hội,.. hay những chiếc trống nhỏ xinh dành cho thiếu nhi vui chơi. Vừa nói chuyện cùng tôi, bàn tay nghệ nhân Lê Ngọc Hùng nhanh thoăn thoắt sơn từng mảnh khung trống:“Muốn sống với nghề trước hết phải yêu lấy nghề cái đã, yêu như con cháu, như máu thịt mình vậy. Nhà tôi bao đời nay làm trống, luôn dặn dò con cái cháu chắt nối nghề phải giữ hồn cho nghề. Hồn của nghề cũng là hồn của mình.”
Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng thử độ vang của trống.
Làng trống Đọi Tam đã bao năm nay vẫn cháy một duyên thắm với nghề. Cha truyền con nối, con trai trong làng 12, 13 đã biết làm trống, 14, 15 đã theo cha rong ruổi khắp các tỉnh từ đồng bằng bắc bộ cho đến miền núi, miền Trung, rồi cả mũi Cà Mau để làm phát triển và quảng bá nghề trống. Tiếng trống làng Đọi vang xa, nhờ có trống mà đời sống người dân đã khá hơn, ngoài đơn đặt hàng của khách, làng còn có hàng trăm thợ đi khắp cả nước nhận bưng trống, sửa trống. Thu nhập chủ yếu của làng giờ dựa cả vào trống.
 Những thợ trống lành nghề được tham gia làm một chiếc trống Sấm.
Tuy nhiên, làng nghề nào cũng vậy, muốn duy trì lâu và sống mãi với nghề đều phải giữ được lửa của nghề. Giờ đây, khi xã hội ngày càng phát triển, tuổi trẻ thì ham đi và khẳng định mình, muốn tìm đến những vùng đất mới để lập thân lập nghiệp. Nói đến vấn đề này, lại nhớ đến câu chuyện với trưởng thông Đinh Văn Lương:

“Mấy năm trước, làng Đọi Tam này là “điểm nóng” đấy.”

“Điểm nóng là sao bác?”

“Thì thanh niên trong làng nghiện ngập, chơi bời. Đông lắm!”

“Làng có nghề truyền thống vang khắp nước, sao không theo nghiệp ông cha?”

“Thì xã hội phát triển, đòi hòi bằng cấp nhiều, những đứa thi đỗ trường này trường kia đều đi học cả rồi, còn mấy đứa ở nhà thì ăn chơi, đua đòi.”

Thiết nghĩ, làm được nghề đã khó, giữ được nghề và truyền lửa cho thế hệ sau còn khó hơn. Nhưng may mắn, đó là chuyện của mấy năm về trước, giờ đây khi tiếng trống ngày càng vang xa, tuổi trẻ trong làng vẫn đi học nhưng lại về giữ hồn nghề trống, họ áp dụng những gì đã học để quảng bá, sáng tạo nghề cho làng mình.

Âm vang ngàn đời…

Đọi Tam giờ đã khác xưa nhiều, công việc làm trống cũng nhàn hơn do có máy móc hỗ trợ, cuộc sống người dân được nâng cao nhưng những truyền thống về làm trống vẫn vẹn nguyên không hề mai một. Hộ làm trống này giúp hộ làm trống khác, giữ gìn nghề ông cha để lại.

Đi trên con đường làng tưởng chừng như đã quá quen thuộc, tôi rẽ vào đình thờ tổ của làng trống Đọi Tam, thắp nén nhang và chiêm ngưỡng dàn trống. Hàng năm, vào ngày 11/7 âm lịch, khi hội làng mở ra để tưởng nhớ hai vị tổ nghề, những dàn trống ấy sẽ được đánh lên, âm vang khắp một vùng.
Dàn trống phục vụ lễ hội tại đình tổ làng trống Đọi Tam.
Làng trống giờ đã phát triển làm thêm bồn tắm và bình rượu gỗ cho khách sạn, nhà hàng, đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho người dân. Điều đáng mừng là các cấp chính quyền đang có kế hoạch mở lớp đào tạo nghề cho lớp trẻ để họ có thể tiếp nối và làm khởi sắc nghề truyền thống của cha ông, góp phần phát triển đời sống xã hội.

Đọi Tam – làng duy nhất của cả nước gắn bó với nghề làm trống vẫn đang “thích ứng” với những thay đổi của sự phát triển xã hội, sự giao thoa giữa nghề cũ và nghề mới để tiếp tục phát huy truyền thống, gìn giữ và nâng tầm thương hiêu. Tiếng trống cất lên cùng những buồn vui của người đời, những thăng trầm của cuộc sống sẽ vẫn còn âm vang trong mỗi con người, gần gụi như tiếng trống trường buổi còn cắp sách đi học.
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
73.196.133
Tổng truy cập: