LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Xã tỷ phú
(Ngày đăng: 12/01/2015   Lượt xem: 856)
Xã mà như phố, đó là những gì nhìn thấy khi đến xã Đại Bái (Bắc Ninh). Nơi đây có nghề gò, đúc đồng truyền thống, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.



Nghề gò, đúc đồng đang rất phát đạt tại Đại Bái

Nằm "khiêm tốn” và nép mình bên Tỉnh lộ 282, từ lâu rất nhiều người đã biết đến Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh) với nghề gò, đúc đồng. Cùng với thời gian, làng nghề cũng có lúc thăng lúc trầm. Nhưng với sự năng động, kiếm tìm thị trường cùng chủ trương giữ nghề truyền thống mà ngày nay Đại Bái đã vươn lên trở thành làng với nhiều tỷ phú. Nghề gò, đúc đồng ở đây còn hứa hẹn thêm tiềm năng khi đang được "số hóa” bằng việc đăng kí chủ sở hữu trí tuệ, lập webside quảng bá, với mong ước sản phẩm của mình sẽ "vượt biên” xa hơn nữa để đem thêm ngoại tệ về làng.

Với vẻ nhiệt tình, hiếu khách như vốn có của người dân Đại Bái, ông Phạm Văn Hùng, Phó bí thư, Chủ tịch HĐND xã rất tự hào về nghề gò, đúc đồng nổi tiếng của xã mình. Theo ông Hùng, nằm bên bờ sông Bái Giang, đến nay người ta không biết "Trời” đã cho làng mình cái nghề này từ bao giờ. Nhưng làng nghề chính thức được lưu danh vào thế kỉ thứ XI khi có "Tiền tiên sư” Nguyễn Công Truyền đứng lên "khái quát” phục dựng nghề với những đường nét tinh sảo. Ngày ấy, theo cả đường bộ lẫn đường sông, sản phẩm của Đại Bái đã xuôi về khắp các chốn kinh kì kẻ chợ và làm cho người Đại Bái giàu lên, đi vào câu ca: "Muốn ăn cơm trắng với cà, thì về Đại Bái gò nồi cùng anh”.

Thế rồi cũng như các nghề khác, thịnh và suy cũng đã có lúc đến với làng nghề truyền thống này. Người ta nhớ nhất là thời bao cấp, với việc "bế quan tỏa cảng”, nghề không được khuyến khích nên dân Đại Bái đã có lúc tưởng như mất nghề, rơi vào đói kém vì chỉ thuần với canh nông.

Nhưng những chuyện ấy giờ đây đã trở thành dĩ vãng của làng, của xã. Cách Văn miếu Mão Điền vài cây số, nơi được mệnh danh là làng tiến sĩ, người ta đã nghe thấy tiếng thình thịch, tý tách và nhìn thấy những ống khói của các xưởng đúc đồng vươn cao. Xã mà có phố, dài rộng, đủ hai làn xe tránh nhau dễ dãi, cùng với đó là cả một "mê hồn trận” về cửa hàng  với những chủng loại hàng hóa từ đơn giản đến phức tạp. Giơ bàn tay chai sần, ông Nguyễn Hữu Quang nhẩm tính, rồi cười xòa cho biết: Giờ đây tính những tỷ phú, người có thu nhập tiền tỷ mỗi năm ở làng này thì nhiều lắm. Nhà làm nghề bét nhất thì trừ tất cả các chi phí, mỗi năm cũng để ra được đôi ba trăm mà mua sắm, tái thiết nhà cửa. 

Trong Đại Bái, nếu hỏi về gương một tỷ phú thời nay, không ai không nhắc đến gia đình ông Nguyễn Văn Điền. Là người tài hoa, yêu nghề, thịnh hay suy ông đều theo. Còn hiện nay ông đã mở doanh nghiệp và đầu tư lò đúc đồng. Trong ngôi nhà giữa chốn miền quê mà hoành tráng như biệt thự, khoát tay, ông Điền tự hào, đều do cái nghề gò, đúc đồng mà ra cả đấy. Hiện nay, với hơn chục công nhân làm thuê, mỗi năm, trừ công cán, nguyên vật liệu, ông đã thu về đến cả tỷ đồng, một số tiền không dễ kiếm ở vùng đất thuần nông nếu trông vào cây lúa. Hiện nay, theo gương ông, các con ông cũng đều mở doanh nghiệp và đều có tiếng, không những trong xã, huyện mà còn nhiều nơi khác biết đến.

Theo anh Nguyễn Huy Sao, hiện nghề gò, đúc đồng của Đại Bái đang vượng và tạo cho lớp trẻ ở đây những cơ hội vươn lên. Anh Sao cho biết, các cụ có tuổi, những người có thâm niên, tay nghề thì việc đầu tư và thu tiền tỷ mỗi năm là chuyện không lạ. Riêng với nhiều hộ gia đình trẻ nơi đây, nếu theo nghề, không cần đầu tư lớn, mỗi năm cũng dễ dàng cho họ một khoản thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.

Theo lãnh đạo UBND xã Đại Bái, gần đây mỗi năm, tiểu thủ công nghiệp của xã mà trong đó có nghề gò, đúc đồng đã đem về cho xã một khoản thu đến trên 100 tỷ đồng. Hiện Đại Bái đã có 1.711 hộ với 6.707 nhân khẩu theo nghề. Riêng nghề này đã thu hút và tạo điều kiện cho khoảng trên 500 người từ các nơi khác đến tham gia lao động và đều có mức thu nhập tương đối lý tưởng.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Quang, hiện nay hàng của xã mới có khoảng 20% xuất đi nước ngoài mà thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Để nghề gò, đúc đồng của Đại Bái có thể đi xa hơn nữa, vừa qua, được sự chú ý của Sở Khoa học - Công nghệ Bắc Ninh và một số cơ quan ban ngành, người dân đã được hỗ trợ đăng kí chủ sở hữu trí tuệ của mình và tạo dựng lô-gô thương hiệu cho sản phẩm. Hy vọng với sự chú ý này, nghề gò, đúc đồng ở đây sẽ giữ được tiếng tăm và có điều kiện đi tới nhiều nước khác nữa trên thế giới!
                                                                           Theo : daidoanket.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
73.196.228
Tổng truy cập: