LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Một thoáng Mường Ải
(Ngày đăng: 09/11/2014   Lượt xem: 929)
Từ bao đời nay, cuộc sống người Mường Ải (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) - vùng lõi của Mường Bi xưa, vẫn mang đậm nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường.

Hòa cùng nhịp cồng chiêng linh thiêng, những lễ hội cổ xưa nhất đất Mường như sắc bùa, khai hạ, cúng mụ, cơm mới, làm pía (vía)... vẫn vang vọng, huyền ảo, đậm sắc tín ngưỡng trong không gian rừng núi và những ngôi nhà sàn truyền thống người Mường.

 
 Dệt vải là nghề có từ lâu đời ở Mường Ải.
Dệt vải là nghề có từ lâu đời ở Mường Ải.

Từ quốc lộ 6, chạy xe men theo con đường quanh co đã được bê tông hóa, hai bên rợp bóng các loại cây rừng, chỉ thoáng chốc, bản Mường Ải yên bình đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Gửi xe máy lại ở một nhà dân, ngay bên dòng suối Ải trong veo, lội bộ theo con đường vắt qua những quả đồi, chúng tôi đến nhà già làng Bùi Văn Khẩn. Nằm ngay sườn đồi, nếp nhà của già Khẩn được coi là đặc trưng của vùng Mường Bi. Ngôi nhà có 3 phần riêng biệt, được làm toàn bộ bằng gỗ, tre và bương. Tầng dưới cùng (gầm nhà sàn) của ngôi nhà vẫn giữ nền đất, dùng để dụng cụ sản xuất, trước đây còn là nơi nhốt gia súc. Tầng giữa, tầng quan trọng nhất ngôi nhà, là nơi thờ tự và sinh hoạt, nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình. Tầng gác tuy đã giản tiện đi nhiều so với trước kia, nhưng già Khẩn vẫn giữ lại một phần nhỏ để cất giữ kỷ vật truyền thống gia đình, gồm có một cái xanh đúc bằng đồng và 3 cặp trò ổ (là dụng cụ đựng chăn, màn, áo, gối, đồ trang sức... của cô dâu khi về nhà chồng, được lưu giữ qua 3 thế hệ là ông bà, bố mẹ của ông Khẩn và của vợ chồng ông Khẩn ngày nay). Với hình thù như thế này, người Mường đều nhấn mạnh ý nghĩa ngôi nhà được ấm áp vào mùa đông, mát mẻ mùa hè và quan trọng là phòng tránh được thú rừng và chống khí hậu ẩm ướt ở vùng rừng núi.

Già làng Bùi Văn Khẩn cho biết: Xưa, người Mường Bi lập bản, lập làng, xây dựng cuộc sống được sáng tạo trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn. Tất cả những điều này được ghi rõ trong thiên sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường và được lưu giữ đến ngày nay. Nếp nhà sàn Mường cổ có hình dáng kiến trúc 4 mái dốc theo hình con rùa, tuy nhiên về kích cỡ lớn nhỏ thì tùy vào mức độ sử dụng, điều kiện từng gia đình. Theo già làng Bùi Văn Khẩn, khi làm nhà, người Mường rất coi trọng cầu thang, cửa chính, máng nước sinh hoạt, cối đuống... vì thế dù nhà to hay nhà nhỏ, những bộ phận này luôn được đặt đúng vị trí.

Kể về truyền thuyết làm nên ngôi nhà sàn, những người già trong Mường Ải cho biết, trong sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” nói rõ, ông Lang Cun đi săn và bắt được rùa. Khi bị bắt, vị rùa đã cất tiếng nói cầu xin Lang Cun đừng làm thịt mình và để trả ơn, rùa đã hứa mách cho cách làm nhà để ở, dựa theo các bộ phận trên cơ thể rùa. Trong sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” đã ghi rõ: “Bốn chân tôi ấy lên bốn cột nhà; xương sống nên đòn nóc; xương sườn nên rui, nên mè; chôn thành cửa vào, cửa ra; ngó lấy kiếp tôi làm nên nhà ba ngăn chín vóng”. Ông Bùi Văn Dựng, người Mường Ải, nói thêm: “Vì đặc điểm này mà người Mường Ải coi rùa là một con vật linh thiêng và không bao giờ ăn thịt”.

 
Nhà sàn truyền thống của người Mường Ải.
Nhà sàn truyền thống của người Mường Ải.


Theo sử sách ghi lại, Mường Ải chính là trung tâm của Mường Bi. Xưa kia, chế độ lang đạo thời phong kiến ở vùng này rất hà khắc. Đứng đầu khu vực Mường Bi rộng lớn là Lang Cun Pi, ở mỗi Mường cũng có lang cai quản dưới quyền của Lang Cun Pi. Mọi công việc trong Mường đều phải thông qua Lang Mường còn những công việc lớn của vùng Mường Bi phải thông qua Lang Cun Pi. Những già làng trong Mường Ải kể rằng, chế độ lang đạo ở Mường Bi cũng giống như trong toàn bộ vùng Mường ở Hòa Bình vẫn tồn tại và duy trì trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống Pháp không ít nhà lang đã có những cống hiến cho cách mạng bằng cách đóng góp tiền của cho kháng chiến, có lang đã trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, chế độ lang đạo không còn, nhưng trong một số gia đình gốc cha ông làm quan lang từ xưa vẫn giữ được phong cách mẫu mực trong sinh hoạt cũng như khát vọng làm giàu, ý chí tiến thủ trong phát triển kinh tế, được nhân dân nể trọng. Những điều hay, lẽ phải này cũng được người dân trong bản Mường học tập, làm theo.

Ở Mường Ải bây giờ, điều dễ nhận thấy nhất trong mỗi gia đình là họ vẫn giữ được nếp sinh hoạt và nhiều dụng cụ lao động sản xuất như cung, nỏ, dao, khung dệt vải... được làm từ những vật liệu ngoài thiên nhiên rất thân thiện, gần gũi như tre, bương, nứa và gỗ. Ông Bùi Văn Tứa (73 tuổi), nhà ở sâu nhất bản Mường Ải, cho biết: “Nghề thủ công truyền thống là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất của người phụ nữ và đàn ông Mường”. Ông Tứa đọc cho chúng tôi nghe câu ca: “Đàn bà không biết dệt vải, đàn bà nhác; đàn ông không biết buộc lạt, đàn ông hư”.

Tìm hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán của người Mường Ải, chúng tôi đã tìm đến nhà mệ Bùi Thị Quynh, người được phong Nghệ nhân dân gian ở bản cổ xứ Mường. Ở gầm nhà sàn, mệ Quynh đang say sưa đưa thoi, giậm bàn đạp để dệt cạp váy. Màu sắc bắt mắt của miếng vải thổ cẩm hiện ra sau những lần đưa thoi khiến chúng tôi rất thích thú và khâm phục. Mệ Quynh nói: “Nếu dệt cạp váy có hoa văn phức tạp thì phải mất 2 ngày mới hoàn thành. Bây giờ các mệ dệt để sử dụng thôi, chứ không bán nữa”. Vải dệt của người Mường Ải bây giờ vẫn giữ được những nét cổ, gồm dệt trơn, dệt hoa văn. Ngày nay, ở Mường Ải, phải phụ nữ trung tuổi trở lên mới biết xe tơ, dệt vải trơn, dệt cạp váy, phức tạp hơn thì người thành thạo chỉ đếm trên đầu ngón tay và đã cao tuổi.

Không những tài hoa, khéo léo trong dệt vải, nấu ăn, người phụ nữ Mường Ải còn có vai trò rất lớn trong việc lưu giữ các điệu dân ca. Mệ Quynh là ca nương đã được phong nghệ nhân và đã sưu tầm, lưu giữ các điệu dân ca Mường Bi cổ, đồng thời sáng tác thêm nhiều làn điệu phản ánh cuộc sống mới hôm nay. Mệ Quynh đã cùng với nhiều người lớn tuổi trong bản truyền dạy các làn điệu dân ca Mường như thường, đang, bọ mẹng, đúm, ví, đánh cồng, chiêng... cho lớp trẻ trong bản. Cán bộ văn hóa xã Phong Phú Bùi Anh Xuân cho biết, đội cồng chiêng, đội văn nghệ Mường Ải thường xuyên được huyện Tân Lạc và tỉnh Hòa Bình chọn đi diễn ở các lễ hội lớn và tham gia giới thiệu văn hóa ở các địa phương trong cả nước.

Nói về bảo tồn bản Mường cổ, Phó Chủ tịch xã Phong Phú Bùi Quang Hiên chia sẻ, Mường Ải có 95 hộ gia đình thì có tới gần 60 ngôi nhà sàn, trong đó có 37 nếp nhà sàn cổ được UBND tỉnh Hòa Bình lập dự án tu sửa, tôn tạo để giữ lại nét cổ xưa của bản Mường. Theo đó, vùng lõi của Mường Ải cổ là từ suối Ải trở vào, toàn bộ các ngôi nhà sàn, khuôn viên sân vườn được giữ nguyên trạng; được cải tạo đường giao thông; xếp đá tự nhiên ở suối Ải; xây dựng mới nhà sàn văn hóa trung tâm; hỗ trợ các gia đình làm nhà vệ sinh, hầm biogas, xây dựng chuồng nhốt gia súc, gia cầm... để bảo đảm vệ sinh và giữ cảnh quan môi trường. Phó Chủ tịch Bùi Văn Hiên cho biết thêm, vào tháng 1-2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết định công nhận Mường Ải là điểm du lịch cộng đồng. Để chuẩn bị đón du khách, người dân Mường Ải được đi học tập kinh nghiệm các điểm du lịch ở Giang Mô, huyện Cao Phong và bản Lác ở Mai Châu. Ngoài ra, 30 hộ dân ở Mường Ải cũng được tham gia khóa đào tạo kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tại nhà dân (home stay). “Khi dịch vụ hoàn chỉnh, du khách về Mường Ải sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như dệt vải, làm ruộng, trồng rừng, nấu các món ăn ưa thích như cỗ lá, đồ rau và làm đồ lưu niệm từ cây rừng” - ông Hiên khẳng định.
                                                                      Theo : hanoimoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

52
Đang xem:
73.196.541
Tổng truy cập: