VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Không chỉ là chuyện bãi đá cổ Sa Pa
(Ngày đăng: 31/08/2012   Lượt xem: 534)

Bãi đá cổ Sa Pa được công nhận Di tích quốc gia năm 1994. Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý xây dựng Hồ sơ Di sản thế giới cho bãi đá cổ Sa Pa. Năm 2012 này chính là thời điểm quan trọng đối với bãi đá khi muốn vươn ra tầm thế giới. Nhưng gần đây, dư luận thật sự lo lắng về việc bãi đá cổ cùng với thung lũng suối Mường Hoa, cầu Mây, hệ thống ruộng bậc thang rất độc đáo nơi này đang bị "xẻ thịt” để làm thủy điện. Không chỉ thung lũng Mường Hoa, phố núi miền sơn cước Sa Pa mà nhiều nơi khác cũng đang gặp vấn đề.



Từng ụ đá trong bãi đá cổ Sa Pa luôn thu hút sự quan tâm
của giới nghiên cứu, cũng như du khách trong và ngoài nước

1. Làm thủy điện nhỏ như một cái mốt trong vòng mươi năm trở lại đây. Với miền Trung, nhiều nhà khoa học địa chất, thủy lợi, môi trường đã lên tiếng, rằng dãy Trường Sơn đang phải oằn lưng vì thủy điện. Với các tỉnh miền núi phía Bắc, thủy điện nhỏ trên các sông, suối cũng bung ra ào ạt, trong đó có Lào Cai, mà cụ thể là với Sa Pa- một địa điểm du lịch hấp dẫn với rất nhiều giá trị văn hóa độc đáo.

Thực sự lo lắng và bất ngờ khi tại đây người ta đang khẩn trương tiến hành xây dựng 5 cơ sở thủy điện, trong số 19 thủy điện của cả huyện đã được quy hoạch (trong tổng số 123 cơ sở thủy điện của tỉnh Lào Cai). Một trong số đó là Thủy điện Sử Pán 1 chạy dọc bãi đá cổ Sa Pa, từ Hầu Thào đến Bản Hồ, cho tới sát danh thắng Cầu Mây. PGS Đặng Văn Bài, một chuyên gia di sản văn hóa cho rằng, việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện trên một con suối nhỏ chứng tỏ chúng ta không tôn trọng "bà mẹ thiên nhiên” và sẽ "ăn vào phần của con cháu sau này”.

Ai đã từng đến Sa Pa, thì không thể không ghé qua thăm bãi đá cổ. Bãi đá rộng 8km2 trong thung lũng Mường Hoa, thuộc về 3 xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van. Nó được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Victor Glubev của Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925. Gần 200 khối đá là một di chứng không bàn cãi về văn minh của người tiền sử trong mịt mù vùng rừng sâu núi thẳm. Người ta thực sự sửng sốt về những hoa văn kỳ lạ trên từng ụ đá, trên đó là các hình khắc ruộng bậc thang, hình người, con đường, chữ viết ..., và cả những rãnh tròn miêu tả mặt trăng, mặt trời; hình nam nữ giao phối và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt đến nay vẫn không cắt nghĩa được.

Nhưng dư luận đang rất lo ngại về việc bãi đá cổ này bị xâm hại, đang biến dạng. Sự bùng phát về du lịch đã khiến một di tích thuộc hàng độc nhất vô nhị bị tổn thương. Du khách thời nay bất chấp những giá trị bí ẩn của quá khứ đã ngang nhiên (và ngang ngược) viết, vẽ, khắc lên đó những gì rất cá nhân, rất phàm tục. Người ta định sánh mình với cổ nhân chăng? Cho dù địa phương đã buộc phải làm hàng rào "vây” lấy từng ụ đá cổ, nhưng du khách vẫn "vượt rào” leo vào, viết, vẽ, ngồi xổm lên di tích... Chưa hết, những hàng rào xi măng bảo vệ còn bị đập phá để lấy lõi sắt mang bán kiếm lấy dăm ba ngàn đồng. Những lớp hoa văn của tiền nhân đang bị mòn vẹt và biến dạng.

2. Nhưng ở Lào Cai, không chỉ có việc bãi đá cổ quý giá bị biến dạng, xâm hại. Nhiều giá trị khác cũng cần cảnh báo. Lào Cai là một tỉnh miền núi Tây Bắc, "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, vùng đất với nhiều đặc biệt văn hóa. Đây là một trong những cửa ngõ quan trọng giao thương Việt - Trung. Cùng với những lo ngại về sự biến dạng của bãi đá cổ tại huyện Sa Pa, người ta còn lo lắng về quá trình "sân khấu hóa” chợ tình Sa Pa, chợ Bắc Hà... , kể cả bài thuốc tắm lá độc đáo của người Dao.

Bây giờ, đêm cuối tuần, đến với chợ tình Sa Pa, tiếng khèn Mông, khèn lá cũng nặng tính biểu diễn mà mất đi nỗi lòng thành thực của những chàng trai miền sơn cước. Không còn là điểm dành cho các chàng trai, cô gái người Mông, người Dao đến tìm hiểu, tâm tình, mà đã như một sân khấu tái dựng một tụ điểm nam nữ giao du và cũng là nơi ăn nhậu, bán hàng lưu niệm của tiểu thương, các cơ sở du lịch và người bản địa. Khung cảnh chợ tình Sa Pa thì vẫn còn đó với sương giăng mờ mịt, những cây sa mộc trầm mặc, những điểm màu lập lòe trên trang phục thiếu nữ ẩn khuất trong màn đêm, nhưng hồn vía của nó như đã rời khỏi thân thể.

Tương tự, phiên chợ Bắc Hà từng nức tiếng không kém gì phiên chợ Đồng Văn ở Hà Giang, thì nay cũng hao hụt bản sắc. Trong chợ, không còn nhiều hàng hóa do bà con địa phương làm ra mà thay vào đó là "thập loại chúng sinh các mặt hàng”, kể cả việc ở góc chợ đôi ba phụ nữ len lén cắt búi tóc rất dày của mình bán cho con buôn đem sang biên giới.

Rượu ngô Bắc Hà được ủ bằng men lá, trong veo, uống cháy họng nay cũng đang bị thay dần bằng loại rượu men hóa chất, chỉ bởi nó thuận tiện hơn, tiện dụng hơn, kiếm lời dễ dàng hơn.

3. Hôm nay, đến bản Tả Phìn (huyện Sa Pa) người ta không tìm mua những vuông thổ cẩm rực rỡ sắc màu nữa, mà là để được thưởng thức dịch vụ tắm thuốc với bài thuốc lá người Dao đỏ. Lá cây thuốc đâu mà lắm thế? Cả dãy Hoàng Liên cũng không đủ lá thuốc để dùng tại chỗ nếu khai thác quá dữ dội, huống chi chỉ riêng khu rừng Tả Phìn. Thật giả, tốt xấu cùng chen vai thích cánh mà kiếm lời. Rồi đây liệu có còn lá thuốc thật để mà cuốn chân du khách?

Đã là giá trị cổ điển thì phải gìn giữ. Mâu thuẫn giữa tăng tốc phát triển và gìn giữ bản sắc luôn đặt ra nhưng nếu chỉ vì lợi nhuận trước mắt khi cố xây cho nhanh, cho nhiều thủy điện, tìm mọi cách kéo bằng được khách tham quan..., thì rồi sẽ đến lúc không hối kịp. Cho nên, từ câu chuyện bãi đá cổ Sa Pa bị xâm hại, lại thấy lo cho nhiều chuyện khác, ở Lào Cai mà cũng không chỉ ở Lào Cai.
Theo: ( Đại Đoàn Kết) -    BẮC PHONG

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.668.590
Tổng truy cập: