|
Sau một ngày lao động mệt nhọc, ông Sùng Văn Sinh (xóm Lân Quan, xã Tân Long, Đồng Hỷ) lại làm bạn với cây khèn. |
Lưng mang gùi, chân đạp dốc núi, tay mang cây khèn, kề môi cất lên lời rừng, lời núi. Hình ảnh từng nhóm người Mông lam lũ lầm lụi trên những con đường mòn đầy dốc đá tai mèo xuống chợ với cái gùi trống rỗng, nhưng thấp thoáng đâu đó một tiếng khèn vời vợi làm lòng người xốn xang…
Nghệ nhân khèn Hoàng Văn Mùi, xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), tự hào nói: Trong đời sống văn hóa tinh thần, mỗi dân tộc đều có “của riêng”. Ví như người Tày có đàn Tính, người sán Dìu có hát Soọng cô, người Mông có cây khèn. Nó là hơi thở trong cuộc sống của người Mông.
Trong cộng đồng người Mông có nhiều người biết thổi khèn, nhưng để nhuần nhuyễn các âm điệu, cung bậc trầm, bổng thì không phải ai cũng đạt được. Nghệ nhân khèn Sùng Văn Sinh, xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ), chia sẻ: Học thổi khèn, múa khèn còn khó hơn đi học chữ. Nó đòi hỏi ở người học tính kiên trì, năng khiếu chỉ là một phần, quan trọng là chịu khổ luyện, bắt đầu làm quen với các bộ phận trên cây khèn, rồi lấy hơi, nhả hơi và bắt đầu tập các động tác múa.
Trong cuộc sống, hầu như mọi việc đồng bào người Mông đều cần đến khèn. 4 mùa của năm đều có tiếng khèn, vui nhất vào mùa Xuân, khèn gọi bạn đi hội; ra riết hơn là tiếng khèn gọi bạn tâm tình; rộn ràng là các chợ phiên, những người đàn ông gặp nhau, cùng quay tít trong vũ điệu khèn.
Đặc biệt, trong tang lễ, chủ nhà thường mời thầy khèn về giúp, với ý nghĩa dẫn đường cho người khuất núi an toàn trên đường về với tổ tiên. Trong tang ma, tiếng khèn còn thể hiện tấm lòng tôn trọng, kính hiếu của con, cháu dành cho cha mẹ, ông bà đã có công dưỡng dục.
Ngoài ra, đồng bào còn mượn lời cây khèn để trải lòng với người thân, bè bạn và cả với người khuất núi. Ông Hoàng Văn Día, xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), thủ thỉ: Nhiều lời mình không nói ra được thì nhờ cây khèn nói hộ. Vì thế, cây khèn, tiếng khèn còn tượng trưng cho tình đoàn kết giữa mọi người trong cộng đồng, tình hiếu thảo của con dành cho cha mẹ, tình thương yêu vợ chồng và tấm lòng tương thân tương ái của anh em một nhà.
Với đàn ông người Mông, biết thổi khèn, múa khèn là một niềm tự hào. Họ được nổi trội hơn vào những ngày hội, rồi các cuộc vui, cả những cuộc buồn họ đều được mọi người trong cộng đồng tôn trọng, nể mến.
Trong thời đại đất nước mở cửa, hội nhập với các nước trên thế giới, đồng bào được tiếp cận với nhiều dòng nhạc hiện đại, song tiếng khèn vẫn không bị mai một, bởi có những nghệ nhân khèn đang lưu giữ một phần kho tàng văn hóa của người Mông. Đó chính là nghệ thuật khèn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm: Khèn có 4 loại nhạc là: sơ nhạc, tiểu nhạc, trung nhạc và đại nhạc. Theo nhạc là ca từ, gồm: lời ca gốc; lời ca giao duyên; lời ca đưa, đón đám ma và lời ca tế vật nuôi.
Ông Lý Văn Sình, xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương), tâm đắc: Thổi khèn luôn đi cùng với múa. Hay ở chỗ người và khèn nhập làm một, cuồng say để từng động tác múa hóa thân vào giai điệu khèn. Chính vì thế mà lúc thổi khèn, múa khèn không có động tác thừa. Thở ra, hít vào cây khèn đều cất lên âm hưởng của núi rừng, chuyển tải thông điệp, thổ lộ tâm tư, tình cảm của người thổi khèn đến bạn bè và vạn vật quanh mình. Hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều người giỏi khèn, tinh thông âm luật, nhuần nhuyễn vũ đạo, có thể vừa nhảy múa theo giai điệu khèn, vừa cảm tác mà giai điệu và vũ điệu không bị vấp gẫy.
Người Mông tự hào với nghệ thuật khèn, đồng thời nghệ thuật khèn khẳng định được bản sắc văn hóa khác biệt của người Mông. Chính vì lẽ đó, cây khèn, tiếng khèn được đồng bào gìn giữ, trao truyền như một báu vật và phát huy giá trị thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch. Nhờ đó, nghệ thuật khèn của người Mông ngày càng lan tỏa, bay xa.