VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mường So: Xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc
(Ngày đăng: 31/08/2012   Lượt xem: 519)

 
Múa nón của người Thái Mường So.
Để cho những nét đẹp văn hoá truyền thống trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển, các Nghị quyết hàng năm của xã Mường So luôn đưa ra các chỉ tiêu cụ thể dành cho các hoạt động văn hoá như: Số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, số bản đạt danh hiệu văn hóa số người dân tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các lễ hội, hay việc hoạt động của các nhà văn hoá, các đội văn nghệ...

Cùng với đó, UBND xã còn phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong việc giúp đỡ các bản tuyên truyền các tiêu chí về xây dựng gia đình, bản văn hoá, giữ gìn vệ sinh môi trường. Chi hội phụ nữ ở các bản đóng vai trò nòng cốt trong triển khai những nội dung của cuộc vận động "5 không, 3 sạch", Đoàn Thanh niên có trách nhiệm vận động thanh, thiếu niên không được tảo hôn, thực hiện tốt nếp sống mới trong cưới với phương châm "văn minh, lành mạnh, tiết kiệm".   

 Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong xã, phong trào đã thu hút đông đảo người dân tham gia thực hiện, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Mường So hôm nay. Nếu như trước kia những cánh rừng trọc chủ yếu là cây cỏ hoang dại thì nay được thay bằng màu xanh của cây cao su, với khoảng trên 300ha. Việc cày bừa do sức kéo của trâu thì nay đã được thay bằng gần 40 chiếc máy cày bừa trên địa bàn toàn xã. Việc gieo cấy trước kia chủ yếu là những loại lúa cũ do bà con tự để giống, nay đã được thay bằng các loại giống mới như: Nghi hương, tám thơm, bắc thơm...

Đặc biệt, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện trong việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bón phân theo chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây, sử dụng phân chuồng ủ ải để bón cho các loại cây trồng... Nhờ đó mà năng suất lúa trước kia chỉ đạt 4,2 tấn/ha thì nay tăng lên 6 đến 6,2 tấn/ha, ngô đạt 3,8 tấn/ha. Cùng với đó, bà con còn tập trung vào chăn nuôi với tổng số trâu, bò trên 500 con và hàng ngàn con gia cầm các loại.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế mà việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được triển khai đến từng hộ gia đình. Các lễ hội hằng năm của xã như: Nàng Han (tổ chức vào tháng 3), Kin lẩu khẩu mẩu (tổ chức vào tháng 9), phần lễ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ để tập trung vào phần hội với nhiều nội dung phong phú như: Kéo co, đẩy gậy, ném còn, tó má lẹ..., đặc biệt là không thể thiếu được các tiết mục ca, múa, nhạc do chính những "diễn viên" cây nhà lá vườn ở các đội văn nghệ tham gia biểu diễn.

Đến nay, trên địa bàn xã Mường So có 100% số thôn, bản có đội văn nghệ quần chúng, trong đó, duy nhất bản Huổi Sen có 1 đội văn nghệ, còn lại 10/11 thôn, bản đều có 2 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên theo quy chế chung, mỗi đội thường có 3 nhạc công và 8 diễn viên ca, múa. Ngoài việc luyện tập các điệu múa truyền thống của người Thái, những bài then cổ, những bài hầu then, múa then vẫn được các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cho lớp trẻ vào các buổi sinh hoạt.

Cùng với việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, bảo vệ và phát huy tốt những giá trị của các di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh trên địa bàn xã như: Hang Thẳm Tạo, Đồn Mường So, Hang kháng chiến Nà Củng, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Mường So còn được ví như một luồng gió mới để đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, các loại tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, uống rượu xay xỉn... ra khỏi đời sống cộng đồng. Đến hết năm 2011 xã có 67% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, 6/11 bản đạt danh hiệu văn hoá, 3 trường học đạt danh hiệu trường học có đời sống văn hoá tốt.

Có thể nói "Xây dựng đời sống văn hoá gắn với giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc" ở Mường So đã thực sự đi vào chiều sâu và ngày càng được nâng cao về chất lượng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân Mường So không ngừng nâng lên, góp phần làm cho nếp sống văn hóa thực sự thấm sâu vào mỗi người dân, từng hộ gia đình, trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

                                                                                                                    Theo : ( Biên Phòng) - Nhật Minh

                                                                                                                                       

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.668.732
Tổng truy cập: