VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nghệ sĩ Đinh Quang Thành: Nhiếp ảnh Việt thiếu những tác phẩm gây sửng sốt
(Ngày đăng: 27/08/2012   Lượt xem: 554)



Là phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu, hiện nay nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành (ảnh) là chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Hồng Hà nổi tiếng của Hà Nội, vẫn rất xông xáo và đam mê với nghề. Đồng thời ông cũng luôn trăn trở về một nền nhiếp ảnh phải mang được hơi thở của cuộc sống. Ông cho rằng:

Bất cứ nghề nào nếu không  có sự đam mê thì không thể thành công được. Nhiếp ảnh là một nghề nhìn bên ngoài tưởng như đơn giản, nhàn nhã, nhưng nếu hoạt động nghề nghiệp thực sự, đặc biệt có những thành công trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật thì không hề dễ chút nào.

° PV: Là một trong những “cây đa, cây đề” hiện nay của giới nhiếp ảnh Việt Nam, ông đánh giá thế nào về chỗ đứng hiện nay của nhiếp ảnh Việt Nam trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới?

°NSNA Đinh Quang Thành: Ảnh của Việt Nam tham dự các triển lãm, liên hoan ảnh quốc tế phần lớn đều được giải thưởng cao, qua đó thế giới đã ghi nhận nền nhiếp ảnh Việt Nam ngang tầm nhiều quốc gia có nền nhiếp ảnh phát triển. Chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng có chiều sâu về tư tưởng, nội dung; hình thức biểu đạt đa dạng, phong phú và luôn luôn cập nhật được những cái mới của công nghệ ảnh thế giới.

Thế nhưng, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên quá ảo tưởng và thỏa mãn rằng ta đã sánh ngang với thế giới. Nghệ thuật là một trò chơi ảo diệu khó có thể vươn tới đỉnh cao. Đội ngũ những nhà nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay thật sự hùng hậu nhưng hình như lại thiếu đi sự say mê và tâm huyết. Ngày nay ai cũng có thể cầm máy ảnh, ai cũng có thể chụp được những bức ảnh đẹp, bởi máy móc hiện đại đã làm thay phần lớn rồi. Do đó dễ sinh ra dễ dãi, bắt chước và nhàm chán.
Trong lĩnh vực ảnh báo chí, thời sự thấy rõ một điều đáng báo động là ảnh chỉ là một sự minh họa cho một sự kiện, vấn đề nào đấy đã diễn ra.

Ngay sự minh họa đó lại cũng thiếu sự nhanh nhạy nắm bắt cái hồn cốt của sự việc, ấy chưa nói đến sự hời hợt của sự biểu đạt... Ảnh báo chí đạt đến độ tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi sức nghĩ, sức làm việc, độ rung cảm tâm hồn, tính nhạy bén, khoảnh khắc bấm máy... Nói chung người cầm máy phải hội đủ nhiều yếu tố mới cấu thành nên tác phẩm nghệ thuật. Mà những điều trên đang ngày trở nên hiếm trong đội ngũ cầm máy đương thời.

Ảnh nghệ thuật thuần túy thì bao năm nay vẫn đi vào những lối mòn quen thuộc trong tư duy với những tác phẩm thiên nhiên, đất nước, con người, đẹp đấy nhưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đấy...

° Theo ông cái “thiêu thiếu”   ấy có thể định hình được không?

° Tôi nghĩ điều này trong giới nhiếp ảnh cũng nhiều người trăn trở. Nhiếp ảnh Việt Nam còn thiếu vắng một tầm tư tưởng nhất định; song hành là sự thiếu hơi thở của cuộc sống. Trong cuộc sống có biết bao những vấn đề đang “nóng”, đang thu hút sự quan tâm của nhân dân như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục... Thử hỏi đã có được bao nhiêu tác phẩm thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh khiến người xem phải sửng sốt, phải giật mình, phải trầm trồ vì sự khái quát, tư tưởng, độ rung cảm và sức lan tỏa của tác phẩm.
Nhiều tác phẩm ảnh của chúng ta đẹp thì hẳn nhiên rồi nhưng thiếu sức gợi, sức lay và một ấn tượng thị giác mạnh mẽ.
 
° Vậy đâu là nguyên nhân?

° Dư luận báo chí, nghệ thuật và công chúng những năm gần đây cũng nhận thấy sự quá chú trọng vào việc săn lùng giải thưởng quốc tế qua nhiều cuộc thi ảnh. Sự khám phá, xuất hiện lần đầu tiên những tác phẩm phản ánh cái lạ, cái đẹp của vùng Tây Nguyên, đồng bằng Nam bộ, rừng núi hùng vĩ Bắc bộ; hay những gương mặt người vùng cao ấn tượng... là sự ngạc nhiên và thán phục. Thế nhưng, năm này sang năm khác mà cứ vẫn những cảnh ấy, người ấy thì là sự bắt chước, ăn theo, nhàm chán và không còn gì là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của cá nhân người nghệ sĩ nữa.

Tôi nghĩ rằng đội ngũ những nhà nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay cần phải bổ sung rất nhiều trong hành trình, hành trang sáng tác. Đó là kiến thức về cuộc sống, xã hội, văn hóa. Chỉ khi anh có một vốn kiến thức sâu rộng, nhiều mặt thì anh mới có những khám phá độc đáo mang tầm tư tưởng và chiều sâu văn hóa trong mỗi tác phẩm...

                                                                                                         Cao Minh - Theo (Saigononline)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

59
Đang xem:
72.657.394
Tổng truy cập: