VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Tiền nhân nào mượn bút để viết thơ thần?
(Ngày đăng: 16/08/2012   Lượt xem: 539)

Dưới sự chi phối của kinh tế thị trường, những người bạc tiền rủng rỉnh càng ngày càng dễ có những bước chân ngoạn mục vào đời sống nghệ thuật.

Nếu muốn nổi danh về viết ca khúc thì phải học chút ít nhạc lý. Nếu muốn nổi danh về viết kịch bản hoặc viết tiểu thuyết thì phải lao tâm khổ tứ. Ít tốn thời gian nhất và cũng nhẹ nhàng nhất là làm… thơ để nổi danh thi sĩ. Vì vậy, một trong những biểu hiện cụ thể nhất của sinh hoạt văn hóa ở nước ta trong thời hội nhập là có rất nhiều người đến tuổi nghỉ hưu bỗng thành nhà thơ trẻ!

Bây giờ loại thơ dù hay dù dở thế nào cũng xuất bản được, miễn không sai phạm vấn đề an ninh chính trị và thuần phong mỹ tục. Thậm chí thơ càng đơn giản càng ít ẩn ý càng dễ cấp giấy phép. Do đó, đùng đùng đại gia đăng đàn thi ca. Tầm cỡ ông chủ khu du lịch Đại Nam như Huỳnh Uy Dũng mỗi năm còn in hàng chục tập thơ, thì một ông Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông như Hoàng Quang Thuận cũng thừa điều kiện để thăng hoa hồn thơ. Thế nhưng, tên tuổi ông Hoàng Quang Thuận lừng lẫy hơn tất cả mọi đại gia làm thơ vì sử dụng kỹ nghệ sáng tác hiếm có một nhà khoa học nào dám phát ngôn oang oang giữa bàn dân thiên hạ.

Ông Hoàng Quang Thuận thổ lộ: “Tôi không dám nhận mình là tác giả của những bài thơ trong tập “Thi vân Yên Tử” cũng như “Hoa Lư thi tập”, nếu nhận là phạm thượng vì rõ ràng đó không phải thơ của tôi. Việc tôi viết trong 4 tiếng đồng hồ được 121 bài thơ tại Hoa Lư (Ninh Bình) có nhà thơ Dương Kỳ Anh làm chứng. Nhiều người cho đó chuyện hoang đường nhưng tôi xin hỏi, có rất nhiều chuyện tâm linh kỳ bí mà chúng ta không thể giải thích nổi, ví dụ như trên Youtube có clip cô bé Như Ý 9 tuổi răng còn chưa mọc hết mà có thể thuyết pháp 2 giờ không cần giấy bút, nói những điều cao siêu mà cô chưa từng được học. Vậy thì hiện tượng tôi được “tiền nhân mượn bút” cũng là một chuyện “khó lý giải nhưng có thể hiểu được” như thế, nhưng đừng nên vì chưa lý giải được mà nói về điều đó với ngôn ngữ bậy bạ, vì đụng đến non thiêng Yên Tử là không phải chuyện đùa!”


Tập thơ “Thi vân Yên Tử” dự giải… Nobel

Không rõ tiền nhân nào rảnh rỗi đến mức mượn bút của ông Hoàng Quang Thuận để làm thơ, nhưng không ít người vui tính trong giới văn chương đã nhảy lên hò reo ca ngợi những câu chữ được mệnh danh “thiền thi” ấy. Thậm chí, dư luận còn sửng sốt khi tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ngày 8/8/2012 đã diễn ra hội thảo long trọng “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử”.

Ngay cả ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Hữu Thỉnh cũng rộn ràng tán dương bài thơ “Am xưa” là “bài thơ tiêu biểu cho thiêng liêng hóa và đời thường hóa” mà không hề biết rằng bốn câu thơ “Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc/ Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm/ Tiếng sáo thiền ca vui bất tận/ Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng” chỉ giống như phiên bản vụng về từ hai câu “Triêu du phù vân kiệu/ Mộ túc minh nguyệt loan” (Sớm chơi núi mây nổi/ Tối ngủ bến trăng thanh) trong bài thơ “Hạnh An Bang phủ” của Trần Thánh Tông!

Bởi vì ông Hoàng Quang Thuận quá hưng phấn gửi cả tập thơ “Thi vân Yên Tử” dự giải… Nobel, nên đồng nghiệp bất đắc dĩ phải công bố sự thật rằng phần lớn thi phẩm này đều sao chép từ cuốn sách “Chùa Yên Tử - Lịch sử, truyền thuyết di tích và danh thắng” của ông Trần Trương, nguyên Giám đốc khu di tích Yên Tử và hiện là Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Ví dụ, trong cuốn sách của Trần Trương viết: “Cá tôm say nước nhảy lia thia. Trăm hoa khoe sắc bên bờ suối… Mới hay chín suối chỉ chung một dòng… Con suối cắt chia tuyến đường Hạ Kiệu - Nam Mẫu thành chín đoạn” thì ông Hoàng Quang Thuận nhái lại thành bài thơ “Chín suối chung một dòng” như sau: “Trăm hoa khoe sắc bên bờ suối/ Cá tôm say nước nhảy lia thia/ Mới hay chín suối chung dòng một/ Đường đi Nam Mẫu suối cắt lìa”.

Khi nghe tin ông Hoàng Quang Thuận được “tiền nhân mượn bút”, nhiều nhà thơ tỏ ra tiếc rẻ sao tiền nhân không chịu ban ơn… mượn bút của mình. Lúc mọi chuyện vở lỡ, thì những người yêu thơ mới biết sở dĩ ông Hoàng Quang Thuận được “tiền nhân mượn bút” vì nhà thơ “nhập đồng” này tình cờ mua được cuốn sách “Chùa Yên Tử - Lịch sử, truyền thuyết di tích và danh thắng” và cứ thế sao chép hồn nhiên như có sự dẫn đường của thần thánh hiển linh!

                                                                                                                Tâm Huyền Nguồn: NNVN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.634.330
Tổng truy cập: