VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Gốm Bàu Trúc trước nguy cơ thất truyền
(Ngày đăng: 05/01/2015   Lượt xem: 769)
Làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận) là một trong những làng gốm cổ xưa nhất của đồng bào dân tộc Chăm. Vào thời điểm hưng thịnh, cả làng làm nghề gốm, nhưng đến nay, chỉ còn 30% số hộ dân gắn bó với nghề và tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần. Làng nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền...

Độc đáo gốm Chăm Bàu Trúc

Mới đây, trong chuyến công tác tại Ninh Thuận, chúng tôi đã về thăm làng gốm Bàu Trúc và tận mắt chứng kiến những nghệ nhân trong làng đang làm ra những sản phẩm gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm trên địa bàn.

 Nghệ nhân Đàng Thị Phan, người có thâm niên làm gốm hơn 50 năm của làng, cho biết: “Nghề làm gốm ở địa phương đã có từ nghìn đời nay và gắn liền với tên tuổi của vợ chồng ông Poklong Chanh. Chính vợ chồng ông Poklong Chanh đã mang nghề gốm về làng và dạy cho phụ nữ trong làng biết làm gốm. Nhờ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân nên sản phẩm gốm của địa phương đã từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường và trở thành thương hiệu nổi tiếng-gốm Bàu Trúc. Vợ chồng ông Poklong Chanh được người dân suy tôn là ông tổ của nghề gốm ở địa phương. Nét độc đáo của gốm Bàu Trúc chính là cách làm gốm không dùng men, không có bàn xoay, không có khuôn mà người phụ nữ trong làng chỉ dùng bàn tay để làm ra các sản phẩm”. 

Nghệ nhân Đàng Thị Lập đang tạo ra những sản phẩm gốm đặc trưng của địa phương.

Được biết, nghề làm gốm ở đây rất công phu. Những người thợ sau khi lấy đất sét về mang phơi khô rồi đập nhỏ. Trước khi nặn gốm, người thợ phải đào hố ủ đất qua đêm với một lượng nước vừa đủ. Sáng hôm sau đem đất đã ủ trộn với cát mịn rồi nhào thật nhuyễn. Phụ nữ Chăm nặn gốm hoàn toàn bằng tay. Sau khi tạo dáng, gốm thô được phơi nắng 4 đến 6 giờ, rồi dùng mảnh sành hoặc cật tre để làm bóng. Khi phơi khô, gốm mộc được xếp đan xen với rơm và củi khô, nung lộ thiên trong một ngày. Các sản phẩm gốm Bàu Trúc sau khi làm xong có màu đỏ tự nhiên của đất hoặc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, thể hiện đặc trưng của nền văn hóa Chăm-pa. Các nghệ nhân của làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm khác nhau theo nhu cầu thị trường và theo đơn đặt hàng của khách hàng. Từ năm 2000 trở lại đây, ngoài các vật dụng thiết yếu trong đời sống thường ngày như: Ấm đất, nồi đất, lò đun than củi, khuôn đổ bánh canh, bánh xèo… làng gốm Bàu Trúc còn cho ra đời các sản phẩm gốm mỹ nghệ nổi tiếng như tượng nữ thần Apsara, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy… 

Nguy cơ mai một nghề truyền thống

Nghề gốm ở Bàu Trúc phát triển khá mạnh, năm 2011, Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc cũng đã được thành lập với 26 xã viên. Trong năm 2014, chính quyền địa phương cũng đã đầu tư một lò nung gốm cho HTX. Để phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng hệ thống đường điện, đường giao thông, nhà trưng bày sản phẩm khang trang… tại làng gốm Bàu Trúc.

Thế nhưng, cũng như bao làng nghề truyền thống khác trong cả nước, làng gốm Bàu Trúc đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Theo số liệu thống kê của HTX gốm Chăm Bàu Trúc, hiện nay cả làng có 252 hộ dân, nhưng chỉ còn 30% số hộ tham gia làm gốm, điều đáng lo ngại là con số này đang có nguy cơ giảm dần. Tìm hiểu ở các cơ sở sản xuất gốm trong làng chúng tôi được biết, hiện nay, khó khăn nhất của làng nghề là vốn và đầu ra cho sản phẩm. Những năm trước, chính quyền địa phương có tạo điều kiện cho các hộ dân làm gốm vay 10 triệu đồng/hộ/năm. Khi các hộ dân thanh toán xong lại được vay tiếp. Nhưng mấy năm nay thì không được vay nữa.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan trăn trở: “Hiện nay, những người tham gia làm gốm trong làng đều thuộc lớp tuổi cao, sức yếu. Còn lớp trẻ thì rất ít người mặn mà với nghề truyền thống của quê hương. Sở dĩ có tình trạng này là vì nghề làm gốm vất vả nhưng thu nhập lại thấp. Nếu tình trạng này không được sớm cải thiện thì nguy cơ nghề gốm bị mai một là không thể tránh khỏi".

Cùng chung tâm sự trên, nghệ nhân Đàng Mỹ Lộ kể: “Từ bao đời nay, thu nhập chính của gia đình tôi là nghề làm gốm. Thế nhưng mấy năm gần đây, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên cuộc sống rất bấp bênh. Chúng tôi muốn tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống, nhưng lại rất eo hẹp về vốn và đầu ra của sản phẩm khó khăn. Rất mong Nhà nước có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cho chúng tôi được vay vốn để duy trì sản xuất”.

Còn theo ông Phú Minh Thuần, Chủ nhiệm HTX gốm Chăm Bàu Trúc: "Tình trạng trên xảy ra là do công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm của làng nghề chưa được đầu tư đúng mức. Trong năm 2014, sản phẩm của làng nghề không được tham gia hội chợ nào. Đây là một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất đối với làng gốm hiện nay. Nếu tình trạng này không được khắc phục kịp thời thì nghề làm gốm ở địa phương chúng tôi sẽ bị mai một và sản phẩm gốm Bàu Trúc chỉ còn trong ký ức của mọi người mà thôi!".

                                                                                             Theo : qdnd.vn

Xem thêm:

>> Nghề dệt thổ cẩm Bàu Trúc

>> Gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), thân thương đất và người

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
73.196.307
Tổng truy cập: