Tin tức nổi bật
Họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn: Gốm Việt được làm bằng cả trái tim
(Ngày đăng: 24/04/2013   Lượt xem: 803)

Họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn.

Nguyễn Bảo Toàn vẫn thường được gọi là họa sĩ. Ông vẽ tranh lụa, tranh giấy với cảm thức về làng quê thân và thương, nồng ấm và giản dị. Đến nỗi, ít người nhớ được rằng ông vốn là một người phục chế gốm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam suốt 30 năm ròng (1980 - 2010), kể từ khi đi làm nhà nước cho đến tận lúc về hưu. Với con người nghệ sĩ sâu thẳm trong ông, gốm và truyền thống nghệ thuật gốm Việt Nam chính là không gian cho ông được là “Nguyễn Bảo Toàn”.

Sau triển lãm Mạn ngược, tháng 6-2011, thấy ông “im thin thít, lặn mất tăm” giữa ồn ào của họat động mỹ thuật ở Hà Nội. Ông có những chuyến đi xa hay là lặng lẽ “ủ mưu” nghệ thuật gì đó?

Tôi là người mà chỉ một ngày không động chân động tay với gốm hay tranh, có lẽ tôi “tiêu” (cười). Nhưng đúng là năm 2012 vừa qua, tôi có đi dự hai trại sáng tác gốm ở Trung Quốc (Bảo tàng gốm sứ Tây An, Xian Ox Culture and Ceramics Museum) và Bali, Indonesia. Vậy là cũng mất vài tháng trời không ở nhà. Bên cạnh đó, tôi đang chuẩn bị cho một triển lãm trong năm 2014, nhân 20 năm, tôi làm triển lãm cá nhân đầu tiên với gốm, triển lãm Đất qua lửa, năm 1994 ở Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội).

Kỷ niệm 20 năm - triển lãm cá nhân đầu tiên với gốm. Như vậy, gốm với ông phải đặc biệt đến thế nào thì mới có “lễ kỷ niệm” vậy chứ nhỉ?

Qua hơn 30 năm, càng lúc tôi càng nhận ra chỉ với gốm, tôi mới thấy được bản thân mình rõ ràng nhất. Hay nói cách khác, tôi bộc lộ bản thân mình đầy đủ nhất qua các sáng tác gốm. Có những lúc, tôi cảm nhận được đầy đặn cái sự sung sướng của một thằng tôi Nguyễn Bảo Toàn khi cầm trên tay một tác phẩm gốm như ý nguyện, có cái thô tháp, duyên dáng, có cái mới lạ và cả chút huyền hoặc tâm linh... Thấm lắm!

Ông từng tham gia khá nhiều trại sáng tác gốm ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia. Có lẽ, qua đó, ông cũng ít nhiều nhận thấy được sự đặc sắc của gốm mỗi nước?

Tôi đến Tây An, nơi được coi là “cái rốn” của nghệ thuật và truyền thống gốm sứ Trung Quốc. Phải nói là choáng ngợp. Quá tinh xảo, quá hoành tráng, quá phong phú... Cảm giác ban đầu hệt như mình đứng trước Kim tự tháp vậy. Nhưng lạ là sau đó, lại thấy cũng... thường thôi (cười). Gốm Hàn Quốc thì khiến tôi kính nể về khả năng tạo hình của người làm gốm, dù là nghệ sĩ hay nghệ nhân. Nói thế này để bạn tiện hình dung: từ một khối đất nguyên, người làm gốm phải tạo thành các thỏi đất dài, quen gọi là các “con trăn”, đề bắt đầu quá trình tạo hình. Con trăn của người Việt mình chỉ thon thả như con rắn, trong khi con trăn của người Hàn thì như con trăn thật... Cá nhân tôi đến giờ, bằng cảm nhận riêng của mình, có thể “chỉ” ra được đâu là gốm Hàn, đâu là gốm Nhật, gốm Trung, nhưng để đúc kết thành lời thì thật khó đây... Có lẽ, chỉ điều này là rõ: gốm của các nước đều được làm bằng tất cả sự tinh xảo của kỹ thuật, sự tỉnh táo của lý trí để cho ra được một sản phẩm hoàn mỹ. Chúng hấp dẫn cái mắt mình nhưng chưa chắc đã làm mình yêu... (cười).

Bởi vì để “yêu” được thì còn phải tựa vào sự thân thuộc và trái tim nữa, theo ông?

Chị làm tôi nhớ đến nhận xét của một nhà nghiên cứu gốm sứ phương Tây mà tôi đọc được, đại ý thế này: có thể xem, thưởng ngoạn gốm sứ Trung Quốc chỉ bằng mắt nhưng với gốm sứ Việt Nam, ta cần đến cả trái tim. Đây là bình luận mà tôi cho là chuẩn xác và hay nhất về gốm sứ nước mình. Nó làm tôi suy nghĩ, phân tích rất nhiều để luận ra được là tại sao lại như vậy.

Tôi cho rằng, người Việt mình là cư dân lúa nước, sống nhờ vào sản xuất lúa gạo chứ không phải là gốm sứ hay tranh Đông Hồ. Những thứ này được làm trong lúc nông nhàn. Chính vì vậy mà các cụ nhà ta đã làm ra chúng với tất cả sự vui thú, thảnh thơi; làm để chơi, “chơi” tranh, “chơi” cái bình này, cái ấm kia, chứ không phải là để kinh doanh, thu lợi gì... Chính vì thế mà gốm sứ Việt được làm ra bởi tình cảm, hứng thú hơn là lý trí, bởi sự thân gần, giản dị hơn là sự tinh xảo, cao cấp. Nó đẹp vì được làm ra để chơi, chứ không phải vì mục đích buôn bán, hay bắt người khác phải ngưỡng mộ, quy phục,... Vẻ đẹp đó không làm người đối diện choáng ngợp ngay nhưng nó thấm đượm dần dần.

Như ông bộc bạch lúc ban đầu, ông và gốm có gắn bó rất đặc biệt với nhau. Nhưng giới mỹ thuật thường vẫn gọi ông là họa sĩ thay vì là nghệ sĩ gốm. Nghĩa là sao?

Tôi cũng chẳng biết tại sao nữa. Tôi cũng không biết tại sao trong hội họa hay điêu khắc, người ta hay gọi một sáng tác là “tác phẩm”, có đặt tên đàng hoàng. Nhưng với riêng nghệ thuật gốm, vẫn chỉ được gọi là “đồ”, “cái” hay bình, lọ, ấm -những cách gọi phụ thuộc vào dáng vẻ bề ngoài của chúng... Chúng chưa thể được coi là một tác phẩm nghệ thuật ư? Hay nghệ thuật ấy luôn bị lẫn với công năng sử dụng cố hữu cho dù tạo hình, mầu men, cách nung,... rất sáng tạo?

Những dấu hỏi ấy đang chi phối ông?

Không, vì yêu nên hay băn khoăn thôi (cười). Bởi tôi làm gốm để chơi, như các cụ nhà mình xưa thôi.

Ý ông là ông đã tự ý thức được vẻ đẹp nguồn cội của gốm Việt, vẻ đẹp tự tâm ấy?

Tôi công nhận điều đó. Tôi có một so sánh thế này: Vẻ đẹp của gốm Việt truyền thống tựa như vẻ đẹp của một bình vôi treo trên cây đa ấy. Bản thân ông bình vôi đã chứa đựng cái đẹp của sự thân thuộc cũng như của màu thời gian ngả trên sắc vôi trắng ấy rồi, nhưng khi nó được treo trên cây đa đầu làng thì nó không còn đơn thuần là bình vôi nữa, mà đã là cái gì đó thuộc vào tâm linh. Âu cũng là duyên trời mà tôi được nhận thôi.

Sau bao nhiêu năm gắn bó, gốm đã đem lại cho ông những chuyến đi workshop ở nước ngoài, danh tiếng trong giới mỹ thuật trong nước. Gốm cũng lấy đi của ông nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc. Đó là một quan hệ cân bằng?

Không. Gốm cho tôi nhiều hơn chứ. Quý nhất là gốm cho tôi hướng tư duy vòng tròn, như tạo hình cốt lõi của nó. Nghĩa là không có điểm dừng, không có khởi đầu. Mọi điểm luôn là khởi đầu mà cũng luôn là kết thúc. Hướng tư duy này rất là truyền thống, phải không? Nó đem lại cho người ta sự an bình và tự tại.

Và đặc biệt, xét ở góc độ nghệ thuật, hướng tư duy ấy giúp tôi phân biệt được rõ ràng nghệ thuật điêu khắc (với) gốm và nghệ thuật gốm mà tôi đang theo đuổi.

* Năm 1994, Nguyễn Bảo Toàn bắt đầu được công chúng biết đến như một nghệ sĩ mỹ thuật với triển lãm cá nhân đầu tiên tiêu đề Đất qua lửa. Nghệ sĩ tạo ra những không gian riêng cho gốm và đổi lại, những không gian ấy được kết hợp với nhau bởi dư vị triết lý âm dương rất Việt, đem tới nhiều cảm nhận mới mẻ cho người xem. Sau đó, ông tiếp tục phát triển nghệ thuật của mình theo hướng mang đậm tinh thần văn hóa Việt đồng thời vẫn mở ra được những không gian nghệ thuật thị giác mới mẻ. Có thể kể đến các triển lãm nghệ thuật sắp đặt cá nhân của ông như Rằm tháng Bảy (1999), Mùa vàng (2003), Hội tụ (2004), Cảm xúc tháng 10 (2008), Chuyển động (2010),...



                          Theo: Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.683.473
Tổng truy cập: