Tin tức nổi bật
Giỗ Tổ xẩm nhớ nghệ nhân Hà Thị Cầu
(Ngày đăng: 03/04/2013   Lượt xem: 842)
Hôm qua (2.4) là một ngày đặc biệt với nghề hát Xẩm: Ngày giỗ Tổ xẩm và cũng là ngày tròn một tháng nghệ nhân Hà Thị Cầu về với Tổ và bạn nghề. Vui, vì kể từ giỗ Tổ xẩm năm nay, bu Cầu có thể sum vầy với các đồng môn, nhưng trên cõi tạm, những người con của xẩm thì lại thấy một nỗi trống tênh không thể khỏa lấp.

Đã thành lệ, cứ sáng ngày 22.2 ÂL, các nghệ sĩ Xẩm và những người yêu Xẩm ở đất Hà thành lại tụ hội về đình Hào Nam để làm lễ giỗ Tổ xẩm. Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN của nhạc sĩ Thao Giang luôn chuẩn bị chu đáo cả phần lễ lẫn phần biểu diễn dâng tổ nghề. Năm nào Trung tâm cũng trình làng những gương mặt trẻ măng mới tìm về với Xẩm. Tiếng nhị chưa được nhuyễn, giọng hát có khi chưa ra được cái nhấm nhẳng, đanh đá mà hóm hỉnh rất đặc trưng của Xẩm, nhưng sự xuất hiện của những gương mặt trẻ măng dưới ban thờ Tổ cũng khiến những người yêu xẩm thấy yên tâm phần nào. Xẩm nhất định sẽ có người kế nghiệp chứ không thể mất đi theo các lão nghệ nhân.

Lễ giỗ Tổ nghề Hát Xẩm được tái hiện lại vốn xuất phát từ tâm nguyện của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Lễ giỗ Tổ lần đầu tiên được khôi phục lại là vào năm 2008. Một lễ giỗ Tổ xẩm đơn giản nhưng ý nghĩa đã được Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lần ấy PGS.TS Phạm Minh Khang và nhạc sĩ Thao Giang đã giao cho tôi (Long Nguyễn) thực hiện toàn bộ phần kịch bản của lễ giỗ. Khai thác những gì đã thu thập được qua những lần trò chuyện với bu Cầu (Xin phép độc giả để chúng tôi lại được gọi cố nghệ nhân thân thương như vậy), tham khảo thêm thông tin trong cuốn Hát Xẩm của nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ. Và từ những thông tin vô cùng ít ỏi đó cuối cùng cũng ra được hình hài dù rất sơ sài của một lễ giỗ tổ Nghề đặc biệt có một không hai này. Bữa ấy, nghệ nhân Hà Thị Cầu có mặt từ sớm. Vừa tới nơi, bu đã dâng một chút tiền lên trước ban thờ, một nghi thức không thể thiếu của người hát Xẩm trong ngày giỗ; rồi chẳng cần ai giới thiệu, bu ngồi xuống và cầm đàn hát ngay những lời ca trong điệu Thập ân làm say lòng người yêu xẩm và du khách nước ngoài. Những lần sau thì lễ giỗ tổ được tổ chức ở đình Hào Nam.

Năm nay người yêu xẩm có thêm địa chỉ mới là đình Kim Ngân ở Hàng Bạc. Nhóm Xẩm Hà thành buổi sáng lễ Tổ ở đình Hào Nam, buổi chiều hát dâng Tổ và dâng bu Cầu ở đình Kim Ngân. Mọi năm vào dịp này, nhóm chỉ làm một cuộc nhỏ, tại không gian trong nhà hay nhờ quán café nào đó để thỏa chí hát ca. Nhưng năm nay thì khác. Bu Cầu ra đi hơi bất ngờ nên nhóm phải dồn sức tổ chức một chương trình quy mô hơn, nhờ địa điểm ở đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc.

Tri ân nghệ nhân Hà Thị Cầu - phải làm một điều gì đó thật có ý nghĩa, nếu trước đây thì có thể là chút vật chất nhưng bây giờ những thứ ấy có nghĩa lý gì với bu nữa đâu! Ngẫm mãi mới thấy cả đời bu gắn bó với lời ca tiếng đàn, một hai với hát Xẩm, thì còn điều gì ý nghĩa hơn chính những tiếng đàn lời ca nói về bu. Nhưng người hát Xẩm như bu thì cuộc sống cơ cực, chuyên đi phục vụ người đời, khiêm tốn nhưng tự trọng, biết lấy đâu ra những vần thơ lục bát truyền tải được cái tinh thần ấy. Chợt nhớ đến người bạn thơ yêu Xẩm, chương trình nào cũng ủng hộ bằng sự có mặt, có thể ngồi “chịu trận” cả tiếng trời cho chúng tôi huyên thuyên về Xẩm. Vậy là bốc phone chia sẻ với nhà thơ Nguyễn Quang Hưng. Hai hôm sau email của tôi đã hiện lên những dòng thơ: “Bóng gầy tan với khói đồng/ Sênh tiền náo nức lên trong trống kèn/ Người đi lại thuở hoa niên/ Nhị đưa vắt vẻo trong miền phù du/ Bàn tay xương xẩu gió mùa/ Nhẩn nha từng phím đẩy đưa cái nghèo/ Dại khôn thế cuộc gieo neo/ Sang hèn thì cũng gửi theo lá vàng/ Vác thêm được mấy mà tham/ Phận người câu hát đủ làm của riêng/ Lợi danh là mấy bạc tiền/ Có bằng sênh phách lấm lem bụi đường/ Hồn lên mấy nhịp lại dừng/ Lại gieo tiếng nhị lưng chừng nhân gian/ Chẳng theo nữa chốn mây ngàn/ Hát trong trần tục ta làm cỏ cây”. Đúng tinh thần quá rồi, vừa gợi thương nhớ, đôi chút xót xa nhưng bao trùm là cái cảm giác man mác buồn song tiếng thơ thì vẫn phải có nét hóm nói lên được cuộc đời và phận người hát Xẩm, dù có khó khăn, cơ cực thì có về chốn đâu vẫn gắn với những câu Xẩm.

Mai Tuyết Hoa - một người học trò gắn bó gần 20 năm đã hát thêm điệu xẩm Thập ân để tưởng nhớ bu Cầu. Chiếu xẩm Hàng Bạc chiều qua có bài mới, có bài cũ. Bài mới để bu an lòng khi thấy xẩm đã và đang được phát huy, bài cũ gắn liền với cuộc đời bu, cất lên cho phần nào vơi đi cảm giác trống vắng không thể lấp đầy trong tâm hồn các nghệ sĩ sau sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Tự hứa với lòng, từ năm nay trở đi, tới ngày giỗ Tổ nhất định sẽ phải làm một chiếu xẩm để dâng lời ca tiếng hát lên Tổ nghề, lên bu và phục vụ nhân dân.

Theo:  Baovanhoa.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.654.406
Tổng truy cập: