Tin tức nổi bật
Bao giờ ngành công nghiệp trang sức cất cánh?
(Ngày đăng: 14/03/2013   Lượt xem: 1136)
Theo nhiều chuyên gia, trong khi mọi sự chú ý đang dồn về vàng miếng thì vàng trang sức dường như bị “lép vế”. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường vàng theo hướng siết chặt của các cơ quan chức năng khiến giao dịch vàng miếng có xu hướng trầm lắng và đang mở ra cơ hội cho vàng trang sức. Trên thực tế, thị trường vàng trang sức có vai trò rất quan trọng, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Bao giờ ngành công nghiệp trang sức cất cánh?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vàng miếng bị quản chặt, vàng trang sức lên ngôi?

Mấy năm gần đây, giao dịch vàng miếng vốn rất thịnh hành. Tuy nhiên, thời gian qua, với việc quản lý theo hướng siết chặt thị trường vàng của các cơ quan chức năng, giao dịch vàng miếng đang có xu hướng trầm lắng. Việc mua vàng miếng cũng gặp không ít bất tiện, bộc lộ nhiều bất cập so với việc giao dịch vàng nhẫn.

Hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc góp đủ tiền để mua được vàng miếng không phải là điều dễ dàng. Để mua được 1 miếng vàng (tương đương 1 cây vàng) thường phải mất thời gian khá dài trong khi giá vàng lại có xu hướng tăng giá. Đó là chưa kể thời gian gần đây, chênh lệch giá giữa giá vàng trong nước và thế giới lên đến trên 5 triệu đồng/lượng, gây ra nhiều rủi ro cho người mua vàng khi bỏ ra khoản tiền lớn để mua vàng miếng. Do vậy, không ít dự đoán cho rằng, tới đây, người dân và nhà đầu tư sẽ chuyển từ mua vàng miếng sang vàng nhẫn.

PGS., TS. Phan Duy Minh - Học viện Tài chính cho rằng, việc phát triển thị trường vàng trang sức với ý nghĩa là một loại hàng hóa cũng rất quan trọng bởi không nước nào trên thế giới mua bán vàng miếng dễ dàng như ở Việt Nam, mà họ chủ yếu bán vàng trang sức.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc – Tổng giám đốc Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam, “Người dân nhiều nước trên thế giới, khi bỏ tiền mua cái nhẫn 400 nghìn USD dùng vài năm họ bán, thậm chí giá bán chỉ bằng 1/3 thời điểm mua, nhưng họ cũng bán. Bởi họ sử dụng chúng chỉ vào mục đích trang sức nên “chạy” theo mẫu mã, xu hướng thời trang”.

Hơn nữa, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có xây dựng nhiều cơ chế quản lý thị trường vàng nhưng trên thực tế, chất lượng vàng trang sức vẫn chưa hoàn toàn được đảm bảo và mang tính rủi ro cao. Cụ thể như thị trường nội địa có rất nhiều loại vàng trang sức 14k, 18k, 24k, song người tiêu dùng lại không thể kiểm định được chất lượng cùa vàng trang sức nên khi mua dễ bị nhầm lẫn. Trên thế giới, các thương hiệu vàng trang sức của các nước khác đều có những quy định riêng về độ trơn, độ đánh bóng… nên giá trị cũng khác nhau. Nhưng ở Việt Nam, tiêu chuẩn vàng trang sức này chưa được quan tâm đúng mức nên khiến cho người tiêu dùng phải chịu người rủi ro.

Bên cạnh đó, đại điện một DN chế tác vàng trang sức cho biết, một số tiệm vàng bán nữ trang theo giá vàng SJC nhưng lúc mua vào lại theo giá vàng nguyên liệu rất thấp, gây thiệt hại cho người bán. Khi giá vàng tăng cao, thị trường vàng nữ trang ế ẩm khiến các tiệm vàng đẩy chênh lệch mua vào - bán ra lên cao để kiếm lời nhiều, phần thiệt thòi lại thuộc về khách hàng.

Những khó khăn phía trước

Dù thị trường vàng trang sức vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng nhiều DN kinh doanh vàng thừa nhận hoạt động xuất khẩu vàng nữ trang trong năm 2013 phải đối mặt với nhiều thách thức. Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết:  "Trước đây chúng tôi có 2 mảng kinh doanh chính là vàng nữ trang (mang lại 20% doanh thu), vàng miếng (chiếm 80% doanh thu). Nay kinh doanh vàng miếng bị thắt chặt buộc SJC phải tái cấu trúc. Giờ đây, chúng tôi đẩy mạnh sang kinh doanh nữ trang. Dự kiến lợi nhuận năm nay giảm khoảng 60% so với 2012".

Hiện nay, nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới đang ngày càng mạnh mẽ, các DN kinh doanh vàng trang sức muốn vươn sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, DN sản xuất vàng trang sức sẽ gặp phải không ít khó khăn, cụ thể:

PNJ là thương hiệu sản xuất vàng trang sức lớn nhất Việt Nam nhưng doanh số 1 năm chưa đến 100 triệu USD. Một số DN sản xuất vàng trang sức khác cũng chủ yếu bán trong nước nhưng doanh số xuất khẩu không đáng kể.

Thứ nhất, nếu xuất khẩu trang sức tinh xảo bán cho các hãng thời trang, thì ngành kim hoàn Việt Nam vẫn chưa đủ tiềm lực. Dù đã đầu tư khá nhiều cho công nghệ, máy móc hiện đại, song các DN vàng Việt Nam khó có thể sản xuất được các sản phẩm có độ tinh xảo, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu thị trường như các nước có ngành công nghiệp nữ trang phát triển. Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các DN Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vàng trang sức thô, có hàm lượng vàng trên 80%.

Thứ hai,  nữ trang Việt Nam còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Ngành công nghiệp nữ trang thường mang về doanh thu rất lớn, lên đến hàng tỷ USD. Theo số liệu thống kê Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho thấy, doanh số xuất khẩu vàng trang sức của Hồng Kông mỗi năm đạt gần 3 tỷ USD, trong khi đó xuất khẩu vàng trang sức của Việt Nam không được 500 triệu USD. Bên cạnh đó, các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan... nhiều năm qua đã đầu tư cho ngành này và đến nay đã có ngành công nghiệp kim hoàn phát triển. Việc “chen chân” vào các thị trường mới và cạnh tranh được với các nước trong khu vực là không hề đơn giản đối với các DN nội.

Thứ ba, hiện nay xuất khẩu nữ trang đang trở nên khó khăn hơn do suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến sức mua các mặt hàng trang sức giảm theo và thị trường vàng trang sức trong nước còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.

Tái cấu trúc để nâng tầm

Theo ông Lê Hùng Dũng, để phát triển thị trường kinh doanh vàng trang sức, trong thời gian tới, SJC sẽ tái cấu trúc theo 2 hướng: Thứ nhất là phát triển dòng sản phẩm nữ trang cao cấp (hiện công ty đã đầu tư 150 tỷ đồng xây nhà máy ở Tân Thuận, quận 7, TP. Hồ Chí Minh). Thứ hai là phát triển hệ thống đại lý phân phối, nhượng quyền. Theo hướng phát triển này, những năm tới, nữ trang cao cấp của SJC sẽ phát triển mạnh.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước đã quy định DN  kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký DN. Với cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và DN được thực hiện gia công cho DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đăng ký DN. Như vậy, với những làng nghề làm vàng trang sức, mỹ nghệ, hộ gia đình phải có chứng nhận gia công cho DN sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ mới được hoạt động.

Đồng tình với quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, ông Đinh Nho Bảng – Tổng Thư ký của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, việc quản lý vàng trang sức chặt chẽ như vậy là hợp lý, bởi từ trước đến nay nhiều làng nghề sản xuất vàng trang sức không có đăng ký, nên thương hiệu không đảm bảo, khiến người tiêu dùng bị thiệt khi mua đi bán lại. Khi đó người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn với chất lượng vàng trang sức, thị trường sẽ phát triển hơn.

Để thị trường này phát triển mạnh mẽ, bên cạnh sự quản lý và giám sát của các cơ quan có trách nhiệm, các DN cũng cần củng cố và xây dựng thương hiệu của riêng mình để củng cố lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân đặc biệt là các thị trường xuất khẩu, các DN cần nâng cao năng lực của mình qua việc tổ chức, tham gia các hội chợ chuyên ngành để tiếp cận mẫu mã, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, học hỏi các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trúc cho biết, DN muốn đầu tư sản xuất vàng trang sức xuất khẩu phải có vốn lớn, công nghệ hiện đại, cùng với đó phải xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Ngoài ra, số hội viên của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam chưa đầy 100 DN, số DN có doanh số 10 triệu USD/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các thành viên Hiệp hội này thì còn cần đến sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước để thị trường vàng trang sức phát triển mạnh mẽ.

                                                                                                  Theo: Tài Chính
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

165
Đang xem:
73.084.961
Tổng truy cập: