Tin tức nổi bật
Ước mơ được hiến tặng cổ vật của ông 'vua' gốm Việt
(Ngày đăng: 10/03/2014   Lượt xem: 669)
Sau hơn 15 năm gắn bó với công việc sưu tầm cổ vật, nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh có thể say mê nói về “định mệnh” của cuộc đời mình.

Ước mơ giản dị của người đàn ông hơn 50 tuổi được mệnh danh là ông vua mảnh gốm Việt Nam, hay ông vua cổ vật Quảng Ngãi là có thể hiện tặng cổ vật nằm trong bộ sưu tầm của mình cho tất cả các bảo tàng ở Việt Nam, bởi ông luôn tâm niệm rằng “cho là nhận”.

Ông "thầy phép" có căn với cổ vật

Chúng tôi may mắn gặp được nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh (SN 1960) tại nhà riêng của ông ở khối phố 5, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, khi ông cùng các bạn của mình vừa trở về nhà nghỉ ngơi sau cuộc hành hương và hiến tặng cổ vật cho trung tâm bảo tồn Chăm Ninh Thuận. Trong căn nhà nhỏ, ngoài 20m2 được dùng làm nơi kê đơn bốc thuốc hành nghề đông y gia truyền của gia đình, thì gần như toàn bộ diện tích còn lại của ngôi nhà dù được sử dụng vào mục đích gì, cũng đều bày la liệt cổ vật.

Nhìn phong cách “bụi bặm”, đầu húi cua, mặc áo thun trẻ trung ít ai biến được ông Lâm Dũ Xênh là một “thầy phép” có tiếng ở Bình Sơn. Ông được rất nhiều bà con ở đây “nhờ” viết sớ, điệp cầu an trong các dịp tổ chức nghi lễ lớn ở trong vùng, phiên dịch các văn bia, tài liệu cổ, khi biết ông không chỉ là người đọc thông viết thạo tiếng Trung mà còn là một người rất am hiểu và đam mê văn hóa Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình người Hoa ở Nam Hải, từ bé ông đã được cha và ông nội truyền nghề bốc thuốc bắc gia truyền của gia đình song song với việc học tiếng Trung. Cuộc đời của thầy thuốc Xênh sẽ giống như bao ông thầy thuốc đông y khác ở Việt Nam, nếu như cách đây gần hai mươi năm trong một lần kê đơn bốc thuốc cho một bệnh nhân ở xã Bình Thuận, người này có kể cho ông nghe chuyện một người trong xã Bình Thuận đào được hai hũ tiền cổ chưa xác định được làm từ đời nào, nhưng được làm từ kẽm và đồng, mỗi hũ nặng khoảng 15kg.

Ước mơ được hiến tặng cổ vật của ông 'vua' gốm Việt - Ảnh 1

Ông Lâm Dũ Xênh đang say sưa với công việc “bốc thuốc cứu người”.

Thấy thú vị nên từ những thông tin ban đầu đó, sau khi đã có được địa chỉ cụ thể của người đào được hai hũ tiền cổ ở Bình Thuận từ bệnh nhân, ngay sau khi kê đơn bốc thuốc cho bệnh nhân trên, ông đã tức tốc thuê xe ôm về tận nơi để có thể tận mắt thấy hai hũ tiền cổ. Nhờ vốn tiếng Hán của mình, ngay lập tức ông đã bị những đồng tiền cổ được làm từ nhiều triều đại vua, với đủ loại niên đại khác nhau.

Sau nhiều lần ngã giá, ông Xênh phải trả đến hai chỉ vàng mới có được đống  “đồng  nát” đó. Cũng chính từ đây, ông dấn thân vào niềm đam mê sưu tầm cổ vật, mà ông gọi đó là “định mệnh” của cuộc đời mình, khi trong đại gia đình ông từ nhiều đời trước đến hiện nay chỉ duy nhất có mình ông gắn bó với cái thú vui tốn tiền tốn của đó. Ngoài ra nó còn “bạc” với những người trót “lỡ dại” với quá khứ, khi “10 người chơi cổ vật thì có đến 9,5 người không trụ được với nghề”.

Có duyên mới mang được cổ vật về

Gần hai mươi năm lăn lộn khắp mọi miền đất nước khi nghe ở đâu có cổ vật là ông tìm đến. Không ít lần ông bị kẻ gian lừa bán cho đồ giả mà tính ra số tiền ông bị lừa lên đến cả tỷ đồng. Nhưng ông bảo đã lỡ dẫn thấn theo cái niềm đam mê này, thì có như vậy mới lớn lên được. Suốt quãng thời gian đó, từ một kẻ tập tành vào nghề, đến nay ông được rất nhiều bạn bè trên các diễn đàn lựa chọn bởi kiến thức uyên thâm của mình, nhưng quan trọng nhất với ông đó là cơ duyên.

Nhiều lần ông phải “tẽn tò” trở về tay không, mặc dù trước đó gia chủ đã đồng ý bán cho ông nhưng sau đó bất ngờ đổi ý khi có người khác đến trả giá cao hơn. Cũng nhiều lần khác, khi tiền đã trao tay gia chủ, đồ cũng được đưa lên xe rồi nhưng ông buộc lại phải mang vào lại nhà của gia chủ vì gặp phải sự phản đối của những người thân, họ hàng khi họ nói đó là đồ của ông bà mình, cũng có phần của họ nên họ phản đối không cho bán. Từ đó ông đúc kết, chỉ khi nào cổ vật nằm ở trong nhà của mình thì khi đó nó mới là của mình.

Ông dẫn chúng tôi về khoảng trời riêng của mình nằm cách tư gia của cả đại gia đình ông không xa. Khoảng đất nhỏ mà ông thừa tự của gia đình, rồi gom góp tiền của vay mượn mua về được ông trưng dụng làm nơi dựng ba căn nhà cổ mà ông đã sưu tầm được trước đó.

Đây là khoảng trời riêng của ông “vua” mảnh gốm Việt Nam, nơi ông lui về mỗi khi cần một nơi yên tĩnh để có thể suy ngẫm, sau những ngày tháng vật lộn mưu sinh. Ông có thể say sưa nói chuyện, giảng giải truyền thụ kiến thức về niềm đam mê sưu tầm cổ vật cho người ngồi đối diện nhiều giờ liền trong căn nhà cổ ba gian hai chái, mà ông phải cất công năm lần bảy lượt đến vận động gia chủ nhượng lại nhưng vẫn không được. Chỉ đến khi gia chủ có nhu cầu tu sửa lại nhà thờ tộc, nhớ đến tấm lòng của ông mới gọi ông đến nhượng lại dù cái giá nhượng lại không hề rẻ.

Có được căn nhà đã khó, nhưng ông cũng phải năm lần bảy lượt di chuyển ngôi nhà, khi ông chưa có được mảnh đất của riêng mình như bây giờ. Tính ra số tiền ông dùng để duy chuyển căn nhà đã lên đến một trăm hai mươi triệu đồng, số tiền quá lớn đối với một người kiếm bạc lẻ hàng ngày như ông. Thế nhưng nói đến sự kỳ công thì không thể không nhắc đến căn nhà cổ hơn hai trăm năm tuổi có xuất xứ từ Đảo Lý Sơn vừa được ông phục dựng xong.

Ngôi nhà vốn của một vị quan văn, trên hai cây xà chính vẫn còn lưu giữ hai câu đối: “Lấy trung hiếu làm rường cột quốc gia, Đem văn chương so tài cao thấp”. Ông phải mất hai năm ròng rã mới có thể đem căn nhà này về, khi cư dân Lý Sơn không cho phép mang toàn bộ căn nhà này về một lần. Không có điều kiện ra đảo thường xuyên ông thường nhờ những người thợ chạy mỗi lần trở về đất liền mang về cho ông các bộ phận của căn nhà. Sau hơn hai năm căn nhà đã thành hình.

Ước mơ được hiến tặng cổ vật của ông 'vua' gốm Việt - Ảnh 2

Hàng nghìn mảnh gốm tam hoa thời Đường Minh Hoàng được ông lưu giữ.

Đến ông “vua” mảnh gốm Việt Nam

Ước mơ dị biệt

Suốt gần hai mươi năm sưu tầm cổ vật, ông luôn có một ước mơ sẽ hiến tặng một phần cổ vật nằm trong bộ sưu tập của mình cho tất cả các bảo tàng trên đất nước Việt Nam. Đến nay ước mơ đấy đã được thực hiện phần nào khi ông đã hiến tặng hiện vật trong bộ sưu  tập của mình, cho hơn hai chục bảo tàng từ Bắc chí Nam, và trở thành vị khách quen thuộc của các bảo tàng ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong những lần tiếp nhận cổ vật từ dân. Bởi ông luôn quan niệm “cho là nhận” trong cuộc chơi đầy tính văn hóa này.

Việc phục dựng căn nhà trên cũng phức tạp chẳng kém việc ông sưu tầm những căn nhà trên. Ngoài việc tu sửa những bộ phận bằng gỗ của căn nhà thì đối với ông quan trọng nhất đó là phải giữ được nguyên trạng của căn nhà.

Chính vì vậy việc dựng lại mái ngói của căn nhà khiến ông tốn nhiều thời gian nhất, khi nhưng miếng ngói âm dương qua thời gian đã hư hại rất nhiều.

Qua hơn chục năm sưu tầm, thu mua từ hàng chục căn nhà cổ khác nhau trên khắp các tỉnh miền Trung ông mới có đủ số ngói để lợp trong hai căn nhà cổ này. Trong hai căn nhà cổ đã hoàn thiện, và căn nhà cổ thứ ba đang “chờ” tiền để tiếp tục phục dựng ngổn ngang những gốm và gốm.

Suốt nửa cuộc đời gắn bó với niềm đam mê cổ vật, ông sưu tầm rất nhiều cổ vật thuộc các lĩnh vực khác nhau trên khắp đất nước Việt Nam. Hơn mười nghìn mảnh gốm đã được ông sưu tầm về đây qua rất nhiều chuyến đi khác nhau. Đứng bên những thứ mà đối với những người bình thường khác đó có thể là thứ đồ bỏ đi nhưng đối với ông đó là báu vật.

Qua những mảnh gốm ngoài việc xác định được thời đại lịch sử thì một phần nhỏ xã hội qua từng thời kỳ đã được tái hiện, qua bước chân phiêu lưu của những mảnh gốm.

Trong hàng vạn mảnh gốm được trục vớt từ dưới đáy biển sâu đang được ông lưu giữ đó có rất nhiều mảnh gốm có xuất xứ từ thời Đường Minh Hoàng (nhà Đường) cách đây cả nghìn năm, rồi rất nhiều mảnh gốm khác có xuất xứ từ thời nhà Thanh, nhà Minh Trung Quốc, đã tái hiện phần nào bức tranh giao thương của Việt Nam hàng nghìn năm trước.

Cách đây mấy tháng ông còn tự bỏ tiền túi bay sang Singapore xin đăng ký làm hội viên Hội gốm sứ Singapore, để có thêm những kiến thức về gốm sứ từ những người có kiến thức gốm sứ uyên thâm vào loại hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

                                                                                                    Theo: nguoiduatin

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

53
Đang xem:
72.659.546
Tổng truy cập: