Tin tức nổi bật
GS Ngô Đức Thịnh: Tìm đến giá trị đích thực Đạo Mẫu
(Ngày đăng: 10/03/2014   Lượt xem: 709)
Đạo thờ Mẹ đã có từ lâu trong lịch sử tín ngưỡng Việt Nam.
Nhiều thập niên qua, do một số lý do, đặc biệt là hiện tượng  lên đồng nhuốm màu mê tín, làm sai lệch chân giá tín ngưỡng lành mạnh, Đạo Mẫu đã không được tôn trọng đúng với giá trị văn hóa tâm linh của nó. Nhưng cũng trong thời gian đó, nhiề̀u nhà văn hóa dân gian đã nghiên cứu có hệ thống nguồn cội tín ngưỡng, nghi lễ của Đạo Mẫu.

Trong số đó phải kể đến tên tuổi GS.TS Ngô Đức Thịnh, người tâm huyết dành cả cuộc đời hướng đến tinh thần bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Ông để lại dấu ấn trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là công trình nghiên cứu Đạo Mẫu. Cuốn sách xuất bản năm 1994, được đánh giá cao không chỉ với giới nghiên cứu văn hóa - tín ngưỡng trong nước mà còn được UNESCO coi là cơ sở để tìm hiểu Đạo Mẫu, cũng như tín ngưỡng, lễ hội dân gian Việt Nam và phương Đông. Công trình của ông trở thành một hiện tượng trong số những sách nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Từ đó tới nay GS tiếp tục nghiên cứu, tìm giá trị tinh túy nhất của Đạo Mẫu – Chầu văn cùng lễ hội được diễn ra trên khắp đất nước. Tâm thức người Việt qua nhiều thế kỷ tồn tại được gửi gắm trong tín ngưỡng dân gian đặc sắc, tôn vinh người Mẹ như vị Thánh chí tôn. GS suy ngẫm về Đạo Mẫu Việt Nam:

- Việc tôn vinh, thờ phụng Mẹ có từ rất sớm, phổ biến ở nhiều dân tộc từ đồng bằng đến miền núi, ở nông thôn và đô thị. Nhưng không phải tất cả các thần đều được dân gian tôn vinh là “Mẹ”, Thánh Mẫu, Quốc Mẫu, hay Vương Mẫu. Vai trò, vị trí của người phụ nữ trong lịch sử, đời sống là vô cùng to lớn trong tâm tưởng mỗi người dân. Hình tượng người Mẹ hiện thân cho vũ trụ, cho toàn bộ cuộc sống của thế giới, của con người, lòng nhân hậu vị tha, che chở cho mỗi số phận con người. Thờ Mẫu là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt,  mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin, sự che chở, nương tựa.


GS Ngô Đức Thịnh

Được đi trên con đường mà ông sớm lựa chọn từ khi còn học phổ thông và ĐH. Ông nhớ lại thời còn cắp sách tới trường:

- Thầy dạy Sử của chúng tôi ở trường cấp 3 Hải Hậu ngày đó là một người uyên thâm, thầy có sức truyền cảm lạ lùng khiến tôi ham thích môn LS từ những ngày còn ít tuổi. Khi thi đỗ vào khoa Sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi mới biết trong khoa có nhiều ngành học. Tôi ghi tên vào ngành Dân tộc học, bởi nó gắn bó mật thiết với con người, với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng, văn hóa -  văn học dân gian, lễ hội… Tìm về văn hóa dân tộc là đi sâu vào nguồn cội dân tộc mình. Từ văn hóa, ta soi chiếu sâu hơn vào lịch sử hình thành dân tộc, hình thành cốt cách tinh thần văn hóa. Những kiến thức như nguồn sáng giúp tôi thẩm định giá trị của những sinh hoạt dân gian, cộng đồng làng xã, sự gắn kết bền vững của cả dân tộc rộng lớn. Niềm hứng thú khoa học là động lực lớn nhất để tôi có thể bước dần lên nấc thang tri thức và cống hiến những giá trị mà mình tìm thấy trong kho tàng văn hóa dân tộc.


Diễn xướng Hầu đồng

Tôi còn may mắn hơn nữa khi được những người thầy có tầm vóc truyền thụ kiến thức như các GS Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm… và nhìn thấy ở các GS niềm đam mê khoa học, nhân cách lớn trong ngành học của mình. Thời còn trẻ nhiều khi tự mình băn khoăn với một câu hỏi mà chỉ tuổi trẻ mới đặt ra: Niềm vui, hạnh phúc là gì? Đi hết cuộc đời, liệu có tìm đến được hạnh phúc như mình khao khát. Phải vào tuổi 60 - 70, khi biết rõ giá trị của công việc đã lựa chọn, được cống hiến, tôi mới có thể trả lời được điều ngỡ như vô cùng giản dị đó và tự mỉm cười với mình: Tôi là người hạnh phúc trong cuộc đời này bởi tôi được khám phá những điều mà tôi khao khát từ thuở nhỏ.

GS Ngô Đức Thịnh vừa qua tuổi 70. Quê ông là một làng nhỏ thuộc huyện lúa Hải Hậu, tỉnh Nam Định, một địa phương nhiều lễ hội, nhiều đền miếu, truyền thuyết lập nên làng, nên xã, tạo dựng bờ cõi, giang sơn. Ông lớn lên trong chuyện kể dân gian, những bậc thánh hiền, những anh hùng dựng nước phi thường. Tốt nghiệp ĐH, ông được vào làm việc tại Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam. Và cũng tại đây, năm 1994 ông được tiến cử làm Viện trưởng cho đến năm 2005. Hiện ông là GĐ Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt nam, đồng thời là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Trong một thời gian chưa dài nhưng GS Thịnh đã công bố hàng chục công trình nghiên cứu, những tác phẩm, bài báo khoa học giá trị về văn hóa Việt, những sinh hoạt cộng đồng, tục thờ phượng, tín ngưỡng, lễ hội. “Văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam”, “Hát văn”, “Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận”, “Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên”, “Luật tục Edê, M’nông”… nhưng có lễ cả cuộc đời GS điều ông trăn trở và đi sâu, khám phá những giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Đạo Mẫu. Công trình nghiên cứu có giá trị này đã được tái bản đến lần thứ tư. Mỗi lần tái bản, lại được bổ sung thêm nhiều bài viết giá trị từ cách tiếp cận mới, nhiều khám phá mới ẩn chứa trong Đạo Mẫu đặc trưng tín ngưỡng Việt.

Nghi lễ hầu đồng, một nghi thức tiêu biểu của Đạo Mẫu đang được các nhà nghiên cứu văn hóa và dư luận quan tâm. Hiện vẫn còn nhiều cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Với tư cách là nhà nghiên cứu có uy tín, GS bày tỏ suy nghĩ của mình:

- Nghi lễ Chầu văn hay còn gọi là hát văn Hầu đồng là một hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang màu sắc tâm linh với lời ca trau chuốt  cùng nghi lễ nghiêm trang kết hợp với nhiều động tác múa phức tạp, ngẫu hứng. Bằng nhiều cách thể hiện hướng đến tâm linh, con người tin rằng họ có thể giao tiếp với thần linh. Thánh Mẫu ở đây là những nhân vật  nhân đức cao dày từ trong truyền thuyết dân gian, được dân chúng tôn thờ như Liễu Hạnh công chúa, Mẹ Âu Cơ, và cũng rất nhiều nhân vật lịch sử có công với dân, với nước như Bà Trưng, Bà Triệu… Nhưng có một thực tế là Hầu đồng ở nhiều nơi đang bị lợi dụng, làm sai lệch giá trị văn hóa của Đạo Mẫu. Nghi lễ này hướng đến thần thánh được “Mẹ” hóa: Mẹ Mặt Trời, Mẹ Trăng, Mẹ Đất, Mẹ Nước… để cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu bình an cho con người, cầu ước Phúc Lộc Thọ…là những ước nguyện muôn đời của con người. Đó hoàn toàn là một tín ngưỡng mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể do sự hiểu biết của dân chúng và cũng có cả sự lợi dụng của một số người nhằm mưu cầu lợi ích tầm thường trước mắt, biến nghi lễ Hầu đồng như một thứ mê tín, xa lạ với bản chất văn hóa của một nghi lễ tôn vinh Thánh Mẫu – Người  Mẹ Lớn.
                                                                                                Theo: phapluatxahoi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

47
Đang xem:
72.659.525
Tổng truy cập: