Tin tức nổi bật
Nhận thức đứt đoạn... tiền “vật” hết cõi trần, linh thiêng?!
(Ngày đăng: 17/02/2014   Lượt xem: 713)
Con người đi đâu cũng lấy tiền để trao đổi: gặp CSGT đưa tiền, gặp bác sĩ cũng đưa tiền, vào đền chùa thì rải tiền... Tiền vô hình thành phương tiện giao tiếp từ cõi trần đến cõi linh thiêng!
LTS: Đuổi ông đồ ở phố Quốc Tử Giám, tượng lạ xuất hiện ở chùa Bà Đá giữa Thủ đô, Hội Lim bị gọi là “hội xin tiền”..., trước những sự việc, hiện tượng bất thường đó, Kiến Thức có cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia VN, PGS. TS Bùi Hoài Sơn. 
Trên bàn trò chuyện, PGS. TS Bùi Hoài Sơn thẳng thắn nhìn nhận về tình trạng vật chất hóa trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng nhưng cũng hy vọng sự rối loạn này dần được gỡ bỏ, khi nhận thức dần hoàn thiện.
 PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Viện phó Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Quốc gia VN.
Tượng lạ chùa Bà Đá: Xã hội còn thích "hoành tráng"... tượng lạ còn nhiều
- Mấy hôm nay anh có nghe xôn xao về vụ việc một pho tượng lạ xuất hiện ở chùa Bà Đá? Anh thấy sao?
Sự việc bức tượng lạ xuất hiện ở chùa Bà Đá chứng tỏ sự thiếu hiểu biết, sự tùy tiện của cả người tiến cúng, lẫn người quản lý di tích, kể cả sư trụ trì. Nói rộng ra, các vấn đề chúng ta đang gặp phải ở các đền chùa, miếu mạo do người dân chưa nhận thức đúng đắn về di sản, truyền thống nói riêng và cả quá khứ nói chung. Chúng ta, từ người quản lý đến nhân dân đều lúng túng trong việc đối xử với quá khứ, đối xử với di sản. Sự lúng túng này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó đặc biệt là việc nhận thức về quá khứ và di sản của chúng ta bị đứt đoạn (do chiến tranh và do các quan điểm tín ngưỡng không thống nhất giữa các thời kỳ). Khi nhận thức không nhất quán sẽ dẫn tới hành vi không nhất quán và nhiều hệ quả xuất hiện từ những lý do này.
- Chuyện bức tượng lạ xuất hiện tại một ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia giữa trung tâm Thủ đô gây bức xúc trong nhiều tầng lớp tri thức, hình như là giọt nước tràn ly. Bởi, chó đá (một biểu tượng trong hệ thống tín ngưỡng của Trung Quốc) thời gian gần đây nhan nhản xuất hiện ở các đình chùa Việt Nam. Là người làm công tác nghiên cứu, quản lý về văn hóa nhiều năm, theo anh, có gì đáng lo lắng?
Câu chuyện như thế này không xảy ở ở chùa Bà Đá thì cũng sẽ xảy ra ở một đình, đền, chùa nào đó vì nó là hệ quả tất yếu của những nhận thức lệch lạc và ứng xử lúng túng đã nói ở trên. Thực tế cho thấy, sự xuất hiện của những vật thể không phù hợp ở các di tích lịch sử mang tính hệ thống và tràn lan cho thấy sự trục trặc hay ai đó nói đến chuyện “nhiễu tâm” trong đời sống xã hội hiện tại. Điều này xuất phát từ người dân, người trông coi di tích và cả cơ quan quản lý. Có lẽ, sự việc không đơn giản trong giới hạn ứng xử đối với tín ngưỡng nữa.
- Câu chuyện về pho tượng lớn được đặt trong chùa Bà Đá vừa qua khiến chúng tôi liên tưởng tới những ngôi chùa “hoành tráng” mới được xây dựng gần đây trên cả nước. Hình như xã hội bây giờ cứ cái gì to, “hoành tráng”, dù chỉ là “hoành tráng” bề ngoài cũng dễ bề lấn át được giá trị thực chất. Anh thấy sao?
Văn hóa và xã hội có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau. Văn hóa là một lĩnh vực của đời sống và ở khía cạnh nào đó, chính là biểu hiện của xã hội. Nếu chúng ta nhìn vào những hiện tượng xã hội gần đây như cách người ta muốn nổi tiếng trong showbiz hay bất kỳ một lĩnh vực nào, người ta dùng mọi biện pháp để “chém gió”, khoe thân, khoe xe, khoe nhà, khoe đủ thứ. Con người hiện đang thích thú với sự hào nhoáng và hoành tráng bề ngoài, đang coi trọng với cái vui ngắn hạn. Khi cả xã hội đều cổ vũ cho những điều không thực chất, không để ý đến những triết lý sâu xa, ý nghĩa và giá trị ngầm ẩn thì hệ quả là người ta xây những pho tượng lớn, chùa to, đưa tiền vào trong tay tượng, rải tiền ở bất kỳ nơi nào người ta nghĩ là linh thiêng và có thể đem lại may mắn cho họ.. cũng là điều dễ hiểu.
 Pho tượng lạ xuất hiện trong chùa Bà Đá, Hàng Trống, Hà Nội sau tết Nguyên đán 2014 gặp phải sự phản đối của rất đông tri thức và phật tử.
- Xem ra, sự trục trặc mà anh nhắc tới không đơn giản. Nhưng tôi lại nghĩ, mỗi cuộc bể dâu đều để lại vết tích hoặc tàn tích nào đó nhất định. Vậy,  sự trục trặc anh nhắc tới ở giai đoạn này có để lại điều dấu vết nào không?
Văn hóa là lăng kính phản chiếu xã hội. Những vấn đề văn hóa cũng là những vấn đề có nguồn gốc từ xã hội. Những tàn tích, chắc chắc tồn tại trong các di sản, cả vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, tôi tin rằng, sự phát triển của văn hóa luôn có tính quy luật của riêng nó, ở đó, qua thời gian, những gì thực sự tốt đẹp và có giá trị sẽ tồn tại; những gì không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến con người và xã hội sẽ bị đảo thải. Vì thế, những điều chướng tai, gai mắt mà chúng ta đang phải chứng kiến hiện nay chỉ nên coi là những biểu hiện chắc chắn phải có trong sự phát triển xã hội ở một giai đoạn nhất định và sẽ mất đi theo qui luật đào thải trên.
Lo ngại về những điều chưa thuận là có, nhưng sự rối loạn, ở một khía cạnh cũng có ích khi nó chỉ cho chúng ta cái chúng ta cần tránh, cần lên án. Nếu không có cái xấu, có thể chúng ta cũng không nhìn ra cái tốt đẹp để phát huy. Vấn đề hiện tại là chúng ta có những giải pháp để loại trừ cái xấu. Điều này cần có thời gian và sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành và cả người dẫn nữa!
Tôi cũng muốn nói thêm một chút về ảnh hưởng của kinh tế đối với văn hóa. Hiện nay trong xã hội, sự thống trị của đồng tiền và những giá trị vật chất đang chi phối ý thức của con người. Khi người ta tổ chức các hoạt động văn hóa, người ta cũng thường nghĩ đến những vấn đề này trước tiên. Hệ quả là, các giá trị vật chất đã chi phối quá nhiều sự phát triển của văn hóa dẫn đến nhiều biểu hiện lệch lạc. Lợi nhuận không thể là thước đo duy nhất của văn hóa. Trong một thời gian dài chúng ta chưa nhìn nhận đúng về vai trò và vị trí trung tâm của văn hóa trong sự phát triển xã hội nói chung. Vậy nên, sự trục trặc hiện nay ở góc nào đó lại tốt, vì nó bắt buộc chúng ta nhìn nhận lại vai trò trung tâm của văn hóa trong sự phát triển bền vững của xã hội. Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.
 Hội Lim đang bị gọi là "lễ hội xin tiền:.
Vật chất hóa lễ hội, phong tục
- Vậy lễ hội Lim, nơi giao duyên của các liền anh, liền chị, nét đẹp Kinh Bắc còn sót lại gần đây bị gọi là “lễ hội xin tiền”, hay câu chuyện ông đồ cho chữ trên Văn Miếu Quốc Tử Giám bị công an đuổi nên lý giải ở góc độ vật chất hóa thế nào đây, thưa PGS?
Phải nhìn thấy rõ một vấn đề: trong truyền thống của ta, công đức hay đóng góp cho di sản là một thói quen tốt đẹp và hội Lim cũng nằm trong bối cảnh chung đó. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là, hiện nay, việc xem hát thả tiền vào nón lá được thực hiện một cách khó coi dẫn đến cảm giác nét đẹp Quan Họ đã bị vật chất hóa.
Nguyên nhân có thể có nhiều như ngoài những liền anh liền chị đã tự làm xấu một nét đẹp văn hóa, cũng phải kể đến những người đi hội, chính họ đang làm hư người hát quan họ. Thói quen rải tiền trong đời thực như gặp cảnh sát giao thông cũng đưa tiền, gặp bác sĩ đưa tiền, vào đương nhiên vào đền chùa họ cũng sẽ rải tiền để đạt được những điều mình muốn... Tiền vô hình chung trở thành phương tiện để giao tiếp từ cõi trần tục đến cõi thiêng liêng! Nên từ sự kiện hội Lim, trách liền anh, liền chị ít, trách người đến thụ hưởng cũng nhiều.
Còn câu chuyện đuổi ông đồ ở Văn Miếu đúng là việc không nên của những người làm quản lý và các cơ quan chức năng. Quan điểm của riêng tôi là, cho chữ và xin chữ là một phong tục tốt đẹp, nên khuyến khích và gìn giữ. Nhưng nhìn một cách sòng phẳng hơn, có lẽ các ông đồ cũng không phải không có lỗi. Nếu ông đồ biến phong tục thành một chiêu thức kinh doanh, thì chính ông đồ cũng cần xem lại.
 Phố ông đồ. Ảnh: M. Hưng
- Để những mùa xuân sau, những câu chuyện kém vui thế này bớt phải nhắc lại, anh mong ước gì kỳ vọng điều gì?
Là người làm công tác nghiên cứu, tôi vẫn dõi theo tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật để xem phương cách quản lý được cụ thể hóa bằng các nghị định, thông tư được triển khai có nảy sinh vấn đề gì mới cần thay đổi. Tôi luôn mong có sự đổi thay ngày một tích cực. Nhưng cả xã hội đang diễn biến với một nhịp điệu ấy thì cũng không dám mong văn hóa phát triển vượt bậc được.
Thực tế, ở lĩnh vực văn hóa, các thông tư, nghị định chỉ là biện pháp quản lý cuối cùng. Bất cứ sự áp đặt nào mang tính hành chính lên các vấn đề văn hóa cũng đều là bất đắc dĩ cả. Vì văn hóa là cái tự thân, là thứ thuộc về tinh thần. Thay đổi nhận thức của người dân theo hướng phù hợp và tích cực mới là giải pháp quan trọng nhất. Từ thay đổi nhận thức, chúng ta hy vọng tác động đến hành vi đi lễ hay ứng xử với di sản của họ.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh ở đây một giải pháp về sự noi gương trong văn hóa. Khi các cấp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị vẫn đến lễ hội với những vật phẩm lớn với mục đích cầu xin lợi lộc, tức là họ chưa trở thành những tấm gương tốt. Vậy hạn chế phải bắt đầu từ chính từng cá nhân, tôi nghĩ đó mới là thiết thực.
Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn trong cuộc đối thoại này.
                                                                                               Theo: kienthuc.net
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.635.192
Tổng truy cập: