Tin tức nổi bật
Nghĩ giữa mùa lễ hội
(Ngày đăng: 13/02/2014   Lượt xem: 609)
Cho đến hôm nay với 18 Di sản văn hóa và Di sản thiên nhiên được tôn vinh ở tầm thế giới, người Việt Nam rất tự hào với những gì cha ông để lại và được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Nói thế không có gì là quá lời khi ở giữa những ngày xuân này, hàng ngàn lễ hội diễn ra tưng bừng khắp nơi, hội nào cũng đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Giữa mùa lễ hội lại cũng khiến ta không thể không đặt ra những suy nghĩ rằng chúng ta tự hào về sự giàu có lễ hội và di sản nhưng đó thực sự đã trở thành động lực cho phát triển hay chưa?


Văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước
Ảnh: Hoàng Long

Vừa mới hôm kia, nhân dân suốt cả một dải đất phương Nam trù phú đón Bằng công nhận Đờn ca tài tử là di sản văn hoá của nhân loại. Đêm qua, một miền quan họ vào hội hát canh. Đêm nay, một tập tục đẹp Lễ khai ấn của thời nhà Trần tiếp tục được duy trì. Và suốt những ngày này, náo nức du xuân Yên Tử, rộn ràng Chùa Hương…Đến giờ, đã là hiển nhiên, không còn phải bàn cãi nữa: Văn hóa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. 

Nói gì thì nói, dù năm nào báo chí cũng kêu ca những chuyện này chuyện khác từ lễ hội. Dù nhiều nhà văn hoá phát biểu lễ hội đang biến tướng. Dù quả thực, không ít người trong chúng ta đã gặp những lần đi lễ hội không khác gì đi hành xác...Thì lạ thay, chưa năm nào lễ hội vắng người. Chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về điều ấy để thấy rằng lễ hội và di sản văn hoá nói chung hình thành trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, được sáng tạo và gìn giữ bởi nhân dân. Nhất là đối với riêng lễ hội, chủ thể hình thành nên sức sống lâu bền chính là nhân dân. Bởi thế nó tự thân mang một sức sống mãnh liệt.

Những nghiên cứu thấu đáo về các lễ hội trong những năm qua cho thấy rất nhiều lễ hội và các di sản văn hoá cực kỳ đặc sắc. Cùng một một tín ngưỡng thờ cúng, cùng một trò rước mà chẳng hội nào giống hội nào. Bởi thế mà về cõi Phật Yên Tử không có nghĩa là giống hành hương về đất Phật Hương Tích...

Đặc biệt từ thời đổi mới đến nay, tự do tín ngưỡng và xu hướng xã hội hoá văn hoá, chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước đã khiến lễ hội mỗi ngày mỗi rực rỡ, tưng bừng. Trong một bối cảnh chung là di sản văn hoá cực kỳ được chú trọng, gần như đã trở thành là một nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa những năm qua. Cũng không công bằng nếu không ghi nhận, trong sự phát triển của đất nước, đóng góp của di sản văn hoá, của lễ hội trong việc hình thành nên những giá trị tinh thần của người Việt Nam giữa thời buổi kinh tế thị trường không phải là nhỏ. Tính cộng đồng và những giá trị văn hoá của mỗi mùa lễ hội có đóng góp cho việc hình thành bản lĩnh Việt Nam, tâm hồn và cốt cách Việt Nam.

Nhưng tự hào đi giữa một miền di sản trải dài từ Nam chí Bắc, rõ ràng chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận việc khai thác và phát huy giá trị quý giá từ di sản, từ lễ hội chưa xứng với tiềm lực mà chúng ta đang may mắn thừa hưởng. Điều này, không khó để nhận ra khi so sánh với rất nhiều lễ hội và di sản ở các quốc gia khác. Bảo vệ di sản văn hoá, trân trọng giá trị từ các lễ hội, các di sản phải được trở thành bài học đầu tiên cho mọi thế hệ học sinh Việt Nam. Tình yêu những giá trị văn hoá tinh thần cha ông để lại phải được hình thành từ rất sớm. Bởi vì chỉ có nhận ra sự quý giá, chỉ có tình yêu và lòng tự hào mới giúp mỗi công dân cùng hết lòng hết sức bảo vệ và trân trọng di sản. 

Lễ hội tưng bừng suốt những ngày xuân nhưng không phải chỉ để là nơi đến cầu cúng danh lợi cá nhân. Đó là nơi đến để nhận về những giá trị, từ giá trị thẩm mỹ, kiến trúc tới những giá trị tinh thần về phẩm chất và lối sống qua những thông điệp của di sản ông cha. Lễ hội chỉ có giá trị tinh thần vô giá nếu nó thanh lọc được những sự biến tướng, sai lệch và thực dụng. Mà để bảo vệ được bản chất vốn có của lễ hội, của di sản phải bằng chính sự tự giác, sự ý thức của mỗi công dân qua tình yêu và sự trân trọng văn hoá của cộng đồng mình.

Đó cũng chính là thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phát biểu tại Lễ tôn vinh Đờn ca tài tử: "Chúng ta phải giữ gìn, vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu xương để dựng xây và trao truyền lại. Phải bằng các hình thức thiết thực, sinh động, hiệu quả để những giá trị văn hóa vô cùng quý giá của dân tộc ta thấm sâu vào tư duy và tình cảm của mỗi người. Người Việt Nam ta, dù ở trong nước hay đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, đều luôn hướng về cội nguồn, chung sức đồng lòng xây dựng non sông đất nước. Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để nền Văn Hiến Việt Nam rạng danh muôn thuở. Để tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện và tỏa sáng cùng tinh hoa văn hóa nhân loại.”
                                                                                   Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.659.500
Tổng truy cập: