Tin tức nổi bật
Ép Phật nhận tiền
(Ngày đăng: 11/02/2014   Lượt xem: 664)

Những ngày cuối năm, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ, loại tiền tệ này cũng bị cấm mua bán, đổi chác và trở nên khan hiếm. Vậy nhưng tại các đình, chùa những ngày này tiền được vung vãi khắp nơi. Người ta gài tiền trên tay Phật, rải dưới chân tượng, rắc trên mái nhà, thả dưới giếng sâu… vừa phản cảm vừa lãng phí.

Sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội nên các điểm di tích, đặc biệt là các đình, đền, chùa miếu đều đông nghịt khách hành hương. Song bên cạnh các hoạt động tâm linh mang tính truyền thống thì vài năm trở lại đây đang phổ biến tình trạng “vãi tiền” chốn linh thiêng. Mặc dù theo thuyết Phật không có tục cúng tiền mà việc đặt lễ bằng tiền mặt chỉ là theo dân gian với ý nghĩa giọt dầu mang tính tâm đức tượng trưng. Vậy nhưng hiện nay, có lẽ vì không hiểu rõ ý nghĩa lại quá sùng tín mà tin theo những lời rỉ tai, người ta ngày càng chuộng việc thả tiền nơi chốn linh thiêng. Ban đầu những đồng tiền nhỏ được đặt trên các ban như một lễ vật, rồi dần dần người ta cứ truyền nhau linh thiêng hóa mọi vật trong chốn thiền.
 
 
Sùng tín một cách mê muội
 
Đến chùa Bái Đính, động Hương Tích những ngày này có thể thấy tiền lẻ được rải khắp nơi. Người ta chen nhau để được gài tiền lên tượng Phật, nếu không có chỗ đặt thì họ rải ngay dưới chân Phật, thậm chí còn gài lên cành cây, cánh hoa dù rằng ban tổ chức liên tục yêu cầu khách hành lễ không đặt tiền lẻ lên tượng Phật. Lượng người đặt lễ quá đông nên họ chen chúc, giành giật nhau dẫn đến chuyện tượng bị gãy ngón, nứt tay. Hàng nghìn lượt người dùng tiền xoa tượng những mong xin được chút lộc khiến cho tượng, bia đá mòn vẹt, biến dạng.
 
 
Một thành viên trong ban quản lý chùa Bãi Đính cho rằng nếu đúng là dâng tiền mà có lộc như mọi người nghĩ thì hành động ấy cũng chẳng khác nào hối lộ và ép Phật nhận tiền như thế sẽ là phỉ báng đấng cao.
 
Sự sùng tín càng trở nên kỳ quái khi những đồng tiền được thả vung vãi khắp nơi ví như tại Văn Miếu tiền được đặt ở gốc cây, thả lên mái nhà hay ném xuống hồ nước. Thậm chí những giếng nước trong khuôn viên chùa cũng phủ kín tiền lẻ như ở Cổ Loa, Chùa Hương, chùa Trăm Gian… Các đội chắp táp phải liên tục đi gom tiền về dù tại các chùa lớn đặt khá nhiều hòm công đức trong khuôn viên. Hình ảnh đó dễ gây hiểu lầm cho du khách nước ngoài đến tham quan.
 
 
Thượng tọa Thích Thanh Vân, trụ trì tổ đình Đống Cao (tp. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) từng nhận định rằng dùng tiền rải từ chánh điện, các ban thờ đến hang động, khe suối là hành động thiếu tôn kính, làm mất đi sự trang nghiêm nơi thiền định và như vậy lại là đi ngược với đạo lý nhà Phật. Đi lễ chùa cần phát tâm công đức, cung kính cúng dường Phật, Pháp, Tăng chứ không nên rải tiền lẻ lên khắp các ban thờ, điện Phật.
 
Tuy nhiên, thói quen lâu ngày cũng khó bỏ, những người đi lễ cảm thấy khó mà được yên lòng khi chỉ đi lễ bằng cái tâm và tay không, nếu không bỏ một chút tiền lễ e sợ bị quở phát hay những gì mình cầu nguyện không ứng nghiệm.
 
Lãng phí
 
Theo các sư thày thì không chỉ vãi tiền lẻ mà việc thắp hương, đốt vàng mã tại nơi linh thiêng cũng đang bị lạm dụng. vàng mã đốt quá nhiều vừa lãng phí lại vừa gây ô nhiễm không khí. Đến như hương nhang thắp nhiều cũng tạo nên sự ngột ngạt bởi chúng thường được tẩm ướp hóa chất có độc tố cao.
 
Việc thắp hương trong chùa cũng nên hạn chế, chỉ nên thắp nhang ở lư hương ở trước cửa chùa theo quy định của nhà chùa, từ 1 đến 3 nén thôi. Nếu hương còn thì để lại chùa, để chùa chuyển cho các chùa vùng sâu xa còn thiếu hương. Phật tử thay vì mang hương thì có thể mua nến cúng Phật bởi nến còn có thể sử dụng trong các pháp hội hoa đăng, lễ cầu siêu…
Theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước cho biết thì chi phí để in ấn tiền có mệnh giá nhỏ tốn khoảng 300 tỷ đồng, tuy nhiên những đồng tiền này hiện lại ít được lưu thông trên thị trường mà chủ yếu người dân dành đi lễ chùa. Riêng tại chùa Hương, sau mỗi mùa lễ hội ban quản lý cụm di tích đã thu gom được khoảng 1.200 bao tải tiền mệnh giá nhỏ, với tổng giá trị là hơn 20 tỷ đồng.  Nếu nhân lên với các đình chùa lớn khác thì số tiền lẻ ấy thật khổng lồ và là một sự lãng phí khủng khiếp. Bởi cũng trong dịp tết Giáp Ngọ vừa qua, 16 tỉnh đã phải lên tiếng xin được hỗ trợ để cứu đói cho dân nghèo. Và mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn được cứu đói 200-300 nghìn đồng. Chỉ tính riêng 20 tỷ đồng vung vãi ở chùa Hương cũng đã đủ cứu được 100.000 hộ dân nghèo. Đấy là chưa kể những đồng tiền bị bay tứ tung hay chìm nghỉm dưới lòng hồ.
 
Thế nên mới có chuyện nhiều người vô gia cư, vô nghề nghiệp rủ nhau vào tá túc ở chùa. Họ chỉ cần đi nhặt những đồng tiền lẻ rồi ra ngay cổng chùa bán lại cho các dịch vụ đổi tiền cũng đủ để tiêu pha cả tháng trời. Hơn nữa, dùng tiền chẵn đổi lấy tiền lẻ thì cũng chẳng có nhiều ý nghĩa mà chỉ đem lại lợi nhuận cho những người buôn tiền ngoài cổng chùa.
 
Lệnh cấm cũng như không
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an cùng các địa phương xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, dịch vụ vẫn hoạt động công khai, đặc biệt là tại các đền, chùa và nhiều tuyến phố. Những  thùng kính đựng từng sấp tiền nhỏ bày ngay mặt đường sẵn sàng phục vụ khách. Tại mỗi khu vực mức chênh lệch lại khác nhau. Ví dụ như “phố đổi tiền” Đinh Lễ, tỷ giá dao động ở 10 ăn 5 đến 10 ăn 9, theo đó tiền càng nhỏ thì tỷ lệ chênh càng lớn. Tại Phủ Tây Hồ, 100.000 đồng đổi được 50.000 đồng loại mệnh giá 500 đồng. Tiền đắt khách nhất là những đồng có màu đỏ bởi quan niệm màu đẹp và đem lại nhiều vận may.
 
 
Dịch vụ đổi tiền lẻ năm nay còn được “mở rộng” ra tại các cửa hàng kinh doanh vàng, tiệm cầm đồ. Trên nhiều diễn đàn cũng xuất hiện dịch vụ đổi tiền lẻ. Thậm chí có hẳn những trang web kinh doanh tiền như doitienle.vn, doitienlegiare.com, doitienle.tin.vn, dichvudoitien.com... dù đây là hoạt động bất hợp pháp.
 
Một nhân viên đổi tiền trước cửa Chùa Hà cho biết, họ đã kinh doanh dịch vụ này hơn 10 năm qua. “Hồi cuối năm, nghe báo đài phong thanh lệnh cấm đổi tiền  tôi cũng lo lo, sợ mất nguồn kiếm sống. Song đến nay tôi vẫn “bán” đều mà không thấy ai xét hỏi. Vào ngày tuần, ngày lễ khách đổi tiền đông lắm, công an phường cũng đi rà dọc phố này suốt nhưng chủ yếu là dẹp lấn chiếm vỉa hè với bắt xe đi ngược chiều thôi”.
 
Vậy hóa ra lệnh cấm buôn bán tiền cũng chỉ là cho có, còn thực hiện thế nào thì cứ tùy ban, ngành và địa phương, chuyện cũng chẳng khác là mấy với lệnh cấm công chức bỏ giờ làm đi lễ hội.
                                                                                           Theo: SMxahoi
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

31
Đang xem:
72.659.509
Tổng truy cập: