Tin tức nổi bật
Bảo tồn đình làng: Cần đặt trong môi trường làng quê
(Ngày đăng: 12/12/2013   Lượt xem: 659)
Tòa đại đình của đình La Xuyên, Ý Yên, Nam Định
Tòa đại đình của đình La Xuyên, Ý Yên, Nam Định

Ngôi đình làng với chức năng là nơi thờ thành hoàng và là nơi hội họp của dân chúng. Chính vì vậy, kiến trúc truyền thống được xây dựng dựa trên những nguyên tắc của thuật phong thủy. Trong quá trình phát triển của xã hội, màu sắc đô thị hóa đang dần bao phủ nhiều vùng quê ven các đô thị lớn và công tác bảo tồn cũng đang đặt ra không ít vấn đề cho các cấp quản lý.

Tại Hội thảo “Không gian văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ Việt Nam - Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản” vừa được tổ chức, đã đưa ra những gợi mở về công tác này.

Tầm nhìn từ các chuyên gia

Tại hội thảo, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đưa ra khuyến nghị: “Các nhà quản lý cần xây dựng một hồ sơ tổng hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đình làng trước nguy cơ mai một, biến dạng của loại hình di sản này trong đời sống hiện nay”.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nhà Sử học Lê Văn Lan cho hay, đình làng không chỉ là nơi tôn nghiêm thờ tự các vị thành hoàng làng mà còn là môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống (nơi tổ chức lễ hội, không gian diễn xướng các loại hình nghệ thuật cổ truyền và sinh hoạt giao duyên…).

Bên cạnh đó, đình làng là nơi hội tụ nhiều giá trị kiến trúc, điêu khắc độc đáo thể hiện hồn cốt và thẩm mỹ của người Việt.

Tuy nhiên, hiện nay, việc nghiên cứu về các giá trị của di sản đình làng vẫn chưa có sự tổng hợp, liên ngành.

“Tôi cho rằng, đã gọi là không gian văn hóa đình làng tức là nó bao gồm nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử. Thế nhưng, các nhà chuyên môn (đứng ở những góc độ khác nhau) đi vào nghiên cứu về loại hình di sản này theo những bình diện riêng; từ đó, chưa đưa ra mô hình tổng hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đình làng” - GS Lê Văn Lan bày tỏ.

Phải giữ được giá trị cốt lõi của môi trường làng quê

Với những kiến giải rõ ràng về văn hóa làng quê Việt Nam, giáo sư Lê Văn Lan cũng cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi đình cần được đặt trong bối cảnh không gian, môi trường chung của các làng quê.

“Nền tảng của đình chính là những ngôi làng mà các đình ấy tồn tại. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, làng đang đứng trước nguy cơ biến tướng, mất dần” GS Lê Văn Lan bày tỏ.

Ông cho rằng, cách bảo tồn như vậy sẽ tạo nên tính chỉnh thể thống nhất, hình dung được toàn diện các giá trị cũng như sự mất mát, lạc hậu của đình làng theo thời gian. “Từ đó, chúng ta sẽ chọn lọc được những yếu tố phù hợp với đời sống đương đại để phát huy tốt hơn giá trị của di sản đình làng”, giáo sư phân tích.

Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Lê Văn Lan, GS Phạm Công Thành cũng cho rằng, việc bảo tồn loại hình di sản này cần phát huy được tính chất “ngôi nhà chung” của đình làng. “Đó vừa phải là nơi thể hiện văn hóa tín ngưỡng thờ thành hoàng làng tôn nghiêm, vừa phải là nơi tự do sinh hoạt cộng đồng” - nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Phạm Công Thành, thời gian qua, không gian di sản đình làng mới chủ yếu được nhắc đến với tư cách là nơi thờ tự các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, các vị tổ nghề; nơi gìn giữ những tinh hoa kiến trúc, điêu khắc của dân tộc. Trong khi đó, chức năng quy tụ và gắn kết các thành viên trong cộng đồng của đình làng chưa được bàn nhiều.

Trao đổi về vấn đề này, PGS - TS Bùi Thanh Mai chia sẻ: Kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế của các chuyên gia thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (từ năm 2011 đến nay) cho thấy, phần lớn, chỉ có những người cao tuổi tại các địa phương còn ghi nhớ những câu chuyện truyền thuyết, thần tích về ngôi đình, các vị thành hoàng làng được thờ tự ở đó.

Trong khi đó, “giới trẻ bây giờ rất hiếm khi tham gia các sinh hoạt cộng đồng chung ở đình làng. Họ thường chỉ tới đó vào những dịp lễ hội,” bà Mai nói.

                                                                                      Theo: giaoduc&thoidai

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

41
Đang xem:
72.660.330
Tổng truy cập: