Tin tức nổi bật
Nghi lễ Chầu văn: Càng nguyên bản, di sản càng giá trị
(Ngày đăng: 21/11/2013   Lượt xem: 814)

Theo thông tin từ Bộ VHTT&DL, vào tối 22-11 tới đây, Lễ đón bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghi lễ Chầu văn của người Việt và Lễ hội Phủ Dày sẽ được tổ chức tại Nam Định. Như vậy, với việc vinh danh nghi lễ Chầu văn của người Việt, cánh cửa tới danh hiệu di sản Văn hóa thế giới cũng đang mở ra thật gần với loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này.


Diễn xướng nghi lễ Chầu văn 
1. Hiện nay, các cơ quan chức năng tích cực lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Chầu văn là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết: Do Nam Định có cả Lễ hội Phủ Dầy và nghi lễ Chầu Văn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, nên Nam Định cũng được Bộ VHTT&DL giao làm đại diện cho các địa phương lập hồ sơ "Nghi lễ Chầu văn của người Việt”.

Như nhiều người biết, hát Chầu văn, còn gọi là hát văn hay hát bóng, là những giai điệu phục vụ tín ngưỡng của người Việt. Không gian của nghệ thuật Chầu văn cổ truyền là ở các đền, phủ, miếu, thường có kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm, đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với chư vị thần linh nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện; đặc biệt, các Mẫu tứ phủ (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Địa, Mẫu Nhạc, Mẫu Thoải) là biểu tượng của tín ngưỡng dân gian trong tâm thức cộng đồng dân tộc. Nghi lễ Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Trần Hưng Đạo) - một tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Hát Chầu văn được sử dụng trong các buổi "lên đồng” hầu Thánh. Lời hát trong Chầu văn được phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, tứ ngôn. Nghi lễ Chầu văn là tổng hòa của các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, kết hợp nhuần nhuyễn trên một sân khấu "cộng đồng”. 



2. Chỉ tiếc rằng, giờ đây, nghi lễ Chầu văn đã được các nhà nghệ thuật đưa lên sâu khấu như một tác phẩm nghệ thuật. Điển hình là trong tháng 10 vừa qua, sau vòng 1 sơ loại (biểu diễn tại các đình, đền), đến vòng chung khảo thì Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013 đã được tổ chức tại Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội). Cho dù BTC có lý giải, Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013 nhằm tăng cường giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước và quý trọng các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc tới đông đảo người dân; đem đến cho người dân cái nhìn đúng đắn và sâu sắc hơn về nghệ thuật Chầu văn, góp phần đẩy lùi những quan điểm lệch lạc coi Chầu văn là hình thức mê tín dị đoan… Và cho dù, GS. Ngô Đức Thịnh lý giải việc sân khấu hóa Chầu văn đang chứng tỏ nhận thức xã hội đối với Nghi lễ Chầu văn đã có sự thay đổi, Chầu văn đã dần bước ra đời sống và được người dân quan tâm… thì nhiều người yêu thích nghệ thuật diễn xướng dân gian này vẫn không khỏi băn khoăn, bởi sân khấu không phải là không gian diễn xướng thích hợp với Chầu văn. Ấy là chưa kể trong suốt thời gian diễn ra Liên hoan, nhiều nghi lễ cổ Chầu văn đã bị… cấm (cấm hút thuốc, uống rượu, phát lộc).   

3. BTC cũng lý giải, Liên hoan Nghi lễ Chầu văn lần thứ nhất năm 2013 của Hà Nội là việc kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Chầu văn trên địa bàn thành phố, góp sức vào cuộc vận động UNESCO công nhận nghi lễ Chầu văn của người Việt là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Ngay sau Liên hoan ấy, cũng trong tháng 10 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội UNESCO Bảo tồn Văn hóa Dân tộc Việt Nam, phối hợp với Ban quản lý di tích Lưu Ly Điện đã tổ chức Cuộc thi khảo sát Nghi lễ Chầu Văn, cấp chứng chỉ cho thanh đồng. Điều này cũng được giải thích rằng đây là việc cấp "chứng chỉ hành nghề”, nhằm sàng lọc những đối tượng lợi dụng cơ hội để trục lợi từ nghi lễ này…

Nhưng rõ ràng, cùng với việc sân khấu hóa nghi lễ Chầu văn, nay thêm việc cấp chứng chỉ cho thanh đồng, thì một lần nữa những ứng xử với di sản kiểu này xem ra thực là không hay lắm, và cũng không đúng lắm. Bởi tại sao lại phải cố chứng minh tính "khoa học” của hầu đồng để làm nhẹ phần tâm linh, thần linh vốn rất đậm của riêng tín ngưỡng này.

Lễ vinh danh di sản nghi lễ Chầu văn của người Việt thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia tới đây, như đã nói ở trên là một tín hiệu vui. Nhưng điều quan trọng hơn cả là UNESCO cực kỳ coi trọng không gian văn hóa của di sản. Và càng giữ gìn ở mức nguyên bản, càng có đất sống trọng cộng đồng thì di sản mới thực sự có giá trị.

                                                                                               Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.670.502
Tổng truy cập: