Tin tức nổi bật
Bản sắc văn hóa - sức mạnh của người Việt Nam xa Tổ quốc
(Ngày đăng: 21/11/2013   Lượt xem: 791)

Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài trao chứng chỉ cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tập huấn giảng dạy tiếng Việt.

NDĐT - Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập, đoàn kết hướng về đất Mẹ là tâm nguyện của những người con xa quê hương. Dạy cho con cháu biết tiếng mẹ đẻ, chính là gìn giữ nét đặc trưng của văn hóa Việt, tạo sự gắn kết cộng đồng người Việt với quê hương, đất nước.  

Có thể ghi nhận một điều, ở nước nào có cộng đồng người Việt đông đảo, các hội đoàn thể hoạt động bài bản, quy củ, đặc biệt sự có mặt của Hội phụ nữ, ở đó, bản sắc văn hóa dân tộc được duy trì, phát huy đậm nét.  

Gìn giữ bản sắc văn hóa nơi xứ người

Từ năm 1997 đến năm 2010, tại Kharkov (nước Cộng hòa Ucraina) tồn tại Trường tiểu học “Mùa Xuân”. Tại đây, con em cộng đồng được học tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 4. Sau đó, mô hình dạy tiếng Việt được đổi sang hình thức mới phù hợp hơn, đó là dạy tiếng Việt miễn phí cho các cháu tại các khu dân cư của cộng đồng người Việt. Bà Nguyễn Thị An, Hội phụ nữ tỉnh Kharkov cho biết: “Hội giữ vai trò then chốt trong việc mở lớp tiếng Việt ở đơn vị mình. Hiện nay, chúng tôi có 12 lớp học tiếng Việt với hơn 200 cháu tham gia”.

Cộng hòa Séc có khoảng 70 nghìn người Việt đang sinh sống và kinh doanh, trong đó, chị em phụ nữ chiếm tỷ lệ đông đảo. Bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc chia sẻ: Ở bất cứ nơi đâu, trách nhiệm đầu tiên của người phụ nữ Việt Nam cũng là chăm lo gia đình ổn định về kinh tế, phong phú về tinh thần và vững chãi về tâm linh. Nhưng ở nước ngoài, người phụ nữ còn phải gánh thêm sứ mệnh đặc biệt quan trọng, đó là giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam. Chính bản sắc ấy tạo cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài một vị thế vững chãi, đáng tôn trọng, đem lại sức mạnh cho mỗi con người Việt Nam.

Bản sắc văn hóa ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh đời sống: ẩm thực, tình làng nghĩa xóm, nền nếp gia phong, phong tục lễ, tết… cho đến vấn đề lớn như duy trì tiếng mẹ đẻ.

“Ở trong nước, các bà mẹ có sẵn môi trường thuận lợi, còn đối với chúng tôi là cả vấn đề khó khăn. Nhiều bà mẹ hằng tuần phải chở con hàng trăm km tham gia một buổi học tiếng Việt, hay Tết Trung thu, lễ Vu Lan, nơi mọi người có thể nói hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ” - bà Vũ Thị Hà cho biết thêm.

Đối với cộng đồng người Việt tại Campuchia, một cộng đồng mang tính đặc thù, riêng biệt, đa phần bà con Việt kiều có cuộc sống tương đối khó khăn, vất vả, vì vậy việc bảo tồn bản sắc văn hóa Việt, giữ gìn tiếng Việt càng gặp nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội người Campuchia gốc Việt tại Vương quốc Campuchia cho biết: Nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, trong đó có giữ gìn tiếng mẹ đẻ, Tổng Hội thành lập các ban chuyên trách, trong đó Ban Văn hóa, giáo dục, Ban Xã hội, từ thiện, đề cao vai trò phụ nữ trong công tác tuyên truyền, vận động bà con cộng đồng đưa con em đến trường lớp học tiếng Khmer để hòa nhập với cộng đồng nước sở tại. Đồng thời, Tổng hội vận động chị em đưa con tham gia các lớp học tiếng Việt trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Theo thống kê, năm học 2013-2014 đã có 18 điểm trường, lớp dạy tiếng Việt do Tổng hội và tỉnh hội người Campuchia gốc Việt tổ chức với hai nghìn học sinh. 

Còn đó những khó khăn

Bà Hoàng Thị Hiền, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ Việt Nam tại Rumani chia sẻ: Giữ được tiếng mẹ đẻ cho con trẻ nơi đất khách, quê người là một việc khó. Không ít phụ huynh chấp nhận sự thật phũ phàng là để con cháu mình không biết nói tiếng Việt. Cản trở lớn nhất, theo tôi đó không phải con cháu chúng ta không có ý thức, lười biếng mà chính là phụ huynh mải lo làm ăn, thiếu quan tâm và quyết tâm.

Bên cạnh đó, là việc thiếu đội ngũ giáo viên, phương pháp và tài liệu giảng dạy. Mặc dù các cơ quan chức năng trong nước như Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều cố gắng đáp ứng nhu cầu dạy và học tiếng Việt ngày càng cao của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhưng có một sự thật cần thừa nhận đó là tình trạng dạy và học tiếng Việt còn chắp vá, chưa chính quy.

Có những nơi còn phải dò dẫm cách làm, lúng túng về phương pháp, cần sự chỉ đạo thống nhất hoặc những tư vấn về chuyên môn cần thiết từ trong nước về chương trình, phương pháp giảng dạy, giáo án, giáo trình, sách giáo khoa, sách tham khảo, công cụ sư phạm ngoại khóa.

Đội ngũ giáo viên cũng là một vấn đề nan giải. Có địa bàn không đủ khả năng mời giáo viên chuyên nghiệp từ trong nước sang, chấp nhận làm theo kiểu được chăng hay chớ, dựa vào sự nhiệt tình của một vài thành viên trong cộng đồng có kiến thức sư phạm.

Do đó, bà Vũ Thị Hà kiến nghị: “Chúng tôi, những người ngày đêm tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như phụ huynh các cháu nhỏ sinh ra và lớn lên tại nước ngoài mong các ban ngành trong nước quan tâm, khích lệ chúng tôi bằng những hành động cụ thể: gửi tài liệu dạy và học để nâng cao hiệu quả, đồng thời xem xét hình thức bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên, để các cô giáo yên tâm công tác”.

Bà Hoàng Thị Hiền lại cho rằng các cơ quan trong nước cần có những giải pháp hỗ trợ tìm nguồn giáo viên dạy tiếng Việt ổn định lâu dài cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, song song với việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa giáo viên tại các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn kênh truyền hình VTV4 sớm cải thiện hơn nữa những chương trình giáo dục, văn hóa nghệ thuật. Kiến nghị các cơ quan thông tin tuyên truyền xây dựng thêm nhiều trang mạng giới thiệu về tiếng Việt, văn hóa  Việt, bảo đảm chất lượng sư phạm, phù hợp với thị hiếu giới trẻ để thu hút các cháu ham mê học tiếng Việt hơn nữa.

Bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungari lại có đề xuất: Thời gian qua, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức trại hè cho thanh thiếu nhi Việt Nam ở nước ngoài, giúp các cháu hiểu thêm nhiều về quê hương, động viên các cháu hướng về đất nước. Nếu có thể, chúng ta nên tạo điều kiện để các cháu thường xuyên về Việt Nam. Đây là cơ hội thực hành nói tiếng Việt rất tốt, khuyến khích các cháu nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải học tiếng Việt.

                                                                                                           Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.670.785
Tổng truy cập: