PHỤ NỮ & NGƯỜI KHIẾM KHUYẾT VỚI LÀNG NGHỀ
(49)- Ngân vang tiếng chiêng sơn nữ
(Ngày đăng: 21/07/2023   Lượt xem: 92)

Lời người dẫn cuộc thi Bí thư Chi bộ giỏi xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) vừa dứt, từ phía sau sân khấu, tiếng chiêng trầm hùng đã bập bùng vang lên minh họa cho phần thi của ông Mhiu Nguyên (SN 1984), Bí thư Chi bộ buôn Duệ, xã Đinh Lạc.

Khi biết góp sức cho tiếng chiêng lúc trầm, khi bổng, lúc hào hùng đẫm chất Nam Tây Nguyên… tạo ấn tượng mạnh với ban giám khảo tại hội thi lại có sự đóng góp của đôi bàn tay mềm mại của hai cô gái tuổi đời còn rất trẻ, khán phòng lập tức rộ lên tiếng trầm trồ đầy thán phục.

Hai cô gái người Kho Sre dành được sự chú ý đặc biệt của khán giả là em Mhiu Lang Bích (SN 2008), hết mùa lúa này em mới bước vào lớp 10 trường huyện và Ka Thửi (SN 2005), vừa học hết lớp 12, đang chuẩn bị lên thành phố theo đuổi ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Cả hai em đều ngụ tại buôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
cong chieng 2.jpg -0

Chị Ka Thửi đam mê cồng chiêng từ nhỏ.

Dù mới biết chơi cồng chiêng chưa lâu nhưng cô gái 15 tuổi, Mhiu Lang Bích đã bộc lộ được tài năng thiên bẩm hiếm có của mình. Thoạt trông, khó ai ngờ được rằng, đôi bàn tay nhỏ xíu, mềm mại và có vẻ yếu ớt của cô gái năm nay mới bước vào lớp 10 khi chơi chiêng lại toát lên uy lực lạ lùng đến vậy. Từng cái nắm tay chắc nịch, những lần đập, vỗ liên hồi mạnh mẽ, dứt khoát, tạo nên tiếng chiêng nhiều cung bậc cảm xúc, rất dễ khiến người cảm thụ đối diện thăng hoa.

Ngày mới tập tành học đánh cồng, chơi chiêng, cô gái mới lớn Mhiu Lang Bích không tránh khỏi sự rụt rè, bẽn lẽn trước những ánh mắt hiếu kỳ dò xét và đầy hoài nghi của mọi người. Rồi sau những buổi học đầu tiên, đôi bàn tay mềm yếu của em lại đỏ ửng, rớm máu, ngày hôm sau lên lớp đến cầm cây bút viết bài cũng khó.

Nhưng đồng bào địa phương còn biết tới Bích là cô sơn nữ mạnh mẽ bước qua “định kiến” cộng đồng. Bởi lâu nay, bà con vẫn hay quan niệm rằng, cồng chiêng thường chỉ dành cho “cánh mày râu” với đôi chân trần bước đi mạnh mẽ, bàn tay cứng cáp, khô ráp, đập vào cồng chiêng mới phát ra âm thanh vang dội, mới lột tả được đầy đủ các giai điệu, âm thức vốn có của nó.

Thế nhưng, bây giờ nhìn Mhiu Lang Bích hay Ka Thửi chơi chiêng nhuần nhuyễn, mọi người buộc phải tự mình thay đổi “định kiến” đó. Hóa ra, cồng chiêng sinh ra không phải chỉ để dành riêng cho đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ nhỏ. Nó là sản phẩm sáng tạo của cả cộng đồng các tộc thiểu số thuận hòa chung sống, bất cứ ai cũng có thể học và chơi một cách thành thạo, điêu luyện miễn là có đủ kiên trì và niềm đam mê.

Dưới bàn tay chuyển ngữ của các chàng trai, cô gái người Kho Sre ở buôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, thanh âm cồng chiêng lúc nghe trầm hùng trong tiếng reo hò của cộng đồng khi những chàng trai tái hiện lễ đâm trâu để hiến tế thần linh ngày mùa màng bội thu, đón mừng năm mới. Khi lại nghe như là thổn thức trong lễ cầu sức khỏe. Lúc như da diết ước mong trong ngày lễ phát rẫy trỉa bắp.

Phấn khởi, mừng vui trong ngày lễ ăn lúa mới của buôn. Tiếng cồng, tiếng chiêng cứ thế vang lên theo từng giai điệu, cung bậc cảm xúc của những nghi thức truyền thống khiến người nghe không thể nào ngồi yên. Tất cả như muốn đứng cả dậy, hòa vào đội cồng chiêng để nhảy múa, thả sức mình cùng vũ điệu sơn nữ hoang vu…

Nhưng người có công “truyền lửa” cồng chiêng với những đam mê cháy bỏng cho các chàng trai, cô gái Kho Sre dưới chân núi Brăh Yang này chính là nghệ nhân ưu tú KTiếu (SN 1952). Nhiều năm qua, ông là người tận tình nắm từng bàn tay, dạy từng nhịp điệu, chỉ từng cách đánh cho các thế hệ người Kho Sre tiếp nối sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên vùng đất này.

Trước lúc ra về, tôi hỏi ông: Khi nào người Kho Sre ở buôn Duệ ngừng chơi chiêng? Nghệ nhân KTiếu trả lời: “Hồ Ka La hết nước, núi Brăh Yang không còn rừng, dòng máu trong người không còn chảy, khi đó người Kho Sre mình mới hết mê chiêng!...”.

Đam mê là thứ khó bỏ, càng khó bỏ hơn khi ta đam mê những giá trị văn hóa, nghệ thuật cốt lõi, vốn đã gắn liền với từng cộng đồng, các sắc tộc thiểu số chung sống thuận hòa nghìn đời trên vùng đất Tây Nguyên này.

                                              Theo:  cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.483.777
Tổng truy cập: