PHỤ NỮ & NGƯỜI KHIẾM KHUYẾT VỚI LÀNG NGHỀ
(47)- Người phụ nữ của buôn làng
(Ngày đăng: 27/10/2022   Lượt xem: 186)

Nhiều năm qua, chị H’Yam Bkrông ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) luôn là nguồn cảm hứng để bà con trong buôn thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông do chị làm chủ nhiệm đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Chị còn hướng dẫn bà con trong buôn phát triển du lịch cộng đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa  truyền thống.

Khôi phục nghề dệt truyền thống

Chị H’Yam Bkrông, sinh năm 1965, người dân tộc Ê Đê, là chị cả trong gia đình có 7 chị em. Cha chị bị bệnh mất năm 1997, mẹ sức khỏe yếu do lao động nặng nhọc. Khi đang học lớp 10 thì chị phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ lo cho gia đình. Mấy năm sau, chị lấy chồng là anh Y Suôn Êban làm nghề giáo viên, có với nhau 4 người con trai. Do có tư chất thông minh, năm 1994, chị H’Yam được bầu làm Chi hội phó, rồi Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tơng Jú. Mỗi lần trong buôn có lễ hội là chị H’Yam lại đảm nhận trách nhiệm thuê, mượn trang phục truyền thống. Việc này bao giờ cũng rất vất vả vì trang phục truyền thống của người Ê Đê còn mới rất ít nhà có, hầu hết đều đã cũ.

Sau nhiều năm phải chạy vạy vất vả, chị trăn trở, suy nghĩ làm thế nào vận động chị em phụ nữ trong buôn khôi phục nghề dệt truyền thống vừa là để phục vụ cho các lễ, hội của buôn, vừa không bị mai một, lớp con cháu sau này còn biết đến văn hóa, trang phục của đồng bào mình. Cùng với đó, chứng kiến nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại càng tiếp thêm động lực giúp chị quyết tâm đứng ra thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm.

Người phụ nữ của buôn làng

Chị H’Yam Bkrông bên một số mẫu dệt thổ cẩm của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông. Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 2001, chị H’Yam cùng 15 chị em phụ nữ trong buôn lập tổ dệt thổ cẩm. Ban đầu, mỗi thành viên tổ đóng góp 100.000 đồng và được Hội Phụ nữ xã Ea Kao hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Các chị thuê thợ đóng 15 bộ khung dệt và mời hai nghệ nhân hướng dẫn. Chút tiền còn lại, các chị dùng mua nguyên vật liệu. Thời gian đầu, tổ chỉ dệt túi, địu em bé hay những đồ dùng đơn giản. Chị H’Yam vừa làm vừa động viên, chỉ dẫn thêm cho chị em để dệt được váy, áo. Chị tâm sự: “Những ngày đầu là những ngày gian khó nhất. Sản phẩm đem gửi tại các điểm bán hàng lưu niệm đều bị trả về vì nhiều lỗi, mẫu mã lại không đẹp, không cạnh tranh được với thị trường. Hàng bán ế, tổ dệt phải phân lại cho các thành viên mang về nhà sử dụng. Nhiều hội viên chán nản, bỏ nghề, tôi lại tới từng nhà, chia sẻ, động viên chị em cố gắng khắc phục khó khăn. Dần dần, các sản phẩm đã hoàn thiện hơn, đẹp hơn”.

Năm 2003, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông ra đời (Tơng là buôn Tơng Jú, Bông là buôn Bông) do chị H’Yam Bkrông làm chủ nhiệm với 32 thành viên. Sau vài năm, vượt qua rất nhiều khó khăn, với những bài học thất bại, chị cùng các hội viên đã đúc rút được kinh nghiệm, học dệt thêm nhiều mẫu mã sản phẩm của các vùng miền, nhất là các dân tộc thiểu số phía Nam và phía Bắc. Sản phẩm của hợp tác xã có nhiều nét sáng tạo và mạnh dạn phá cách ở các họa tiết với màu sắc và mẫu mã ngày một đa dạng. Đúc kết kinh nghiệm, chị H’Yam cho rằng: “Phải học hỏi từ điều nhỏ nhất, nhận thấy sản phẩm của người ta đẹp, mình phải học theo từ đường khâu, mũi chỉ. Ngay cách ngồi dệt truyền thống dễ bị tật gù lưng, mau mỏi của bà con, mình cũng phải hướng dẫn cách ngồi sao cho lưng thẳng, điều chỉnh thao tác tay để tấm dệt phẳng. Đối với màu sắc, phải bỏ công luyện pha, phối, nếu không màu sẽ rối, chất lượng vải dệt cũng bị ảnh hưởng nhiều. Trải qua quá trình thử nghiệm lâu dài, sản phẩm váy áo, mền đắp, tấm địu của hợp tác xã đã dần trụ được trên thị trường”.

Từ những thành công ban đầu, chị H’Yam Bkrông lại nghĩ phải có các sản phẩm nhỏ gọn, xinh xắn, giá cả phải chăng để khách du lịch dễ chọn lựa, mua về làm quà. Do đó, hợp tác xã đã sản xuất những sản phẩm hoa văn tinh xảo, như: Ví nam, nữ, túi đựng điện thoại, túi rút đựng tiền lỳ xì... giúp chị em có thêm thu nhập và có động lực bám trụ với nghề. Năm 2007, hợp tác xã được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đăk Lăk hỗ trợ trang thiết bị hiện đại hơn cùng 20 triệu đồng tiền mặt. Chị H’Yam tổ chức mua thêm cho mỗi thành viên một bộ khung dệt mới, đầu tư máy may, tủ trưng bày đồ, chỉ nguyên liệu, hạt cườm, vải viền... Số tiền còn lại, hợp tác xã đem gửi ngân hàng để giữ kinh phí khi tham gia các hội chợ, triển lãm. Chính nhờ chi tiêu tiết kiệm và tính toán khoa học, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã từng bước vượt qua khó khăn và phát triển bền vững. Trong khi đó, nhiều hợp tác xã thổ cẩm trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ nhưng chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động sau một thời gian ngắn.

Ngồi chuyện trò cùng chúng tôi, chị H’Yam Bkrông kể lại một kỷ niệm “nhớ đời” khi chị được mời đại diện cho hợp tác xã mang hàng đi trưng bày tại hội chợ triển lãm tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Khi hội chợ vừa kết thúc, hợp tác xã lại được mời lên Lào Cai giới thiệu sản phẩm. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm đến các tỉnh vùng núi phía Bắc, chị và chị H’On-một thành viên hợp tác xã đã khiêng hai bao hàng nặng hàng trăm ki-lô-gam ra Ga Hà Nội để lên tàu đi Lào Cai. Lên đến nơi, không biết địa điểm hội chợ, hai chị em cảm thấy lo lắng, chị H’On sợ lạc nên đòi về, nhưng chị H’Yam nói cứng: “Mình người Việt, biết tiếng Việt thì sợ gì? Có phải ở nước ngoài đâu? Cứ hỏi rồi sẽ tới!”. Sau một hồi hỏi thăm, hai người phụ nữ Tây Nguyên đã tìm được địa điểm tổ chức hội chợ. Chỉ trong hai ngày, chị H’Yam và chị H’On đã bán hết số sản phẩm mang theo. Vui mừng khôn tả khi bán được hết hàng, nhưng có tiền trong người lại sợ trên đường về bị móc túi, lừa gạt, hai người đã phải giả khổ chia nhau chiếc bánh mì, uống nước lọc suốt hai ngày đêm mới về đến nhà.

Người phụ nữ của buôn làng

Thời gian thấm thoát, H’Yam Bkrông giờ đã lên chức bà. Các con chị đều học hành đến nơi đến chốn, lập gia đình và có việc làm ổn định. Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông giờ đây đã phát triển lên 45 thành viên nữ. Tất cả đều là người Ê Đê, các chị tranh thủ thời gian nhàn rỗi dệt tại nhà, thu nhập thêm trung bình hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã hiện còn tạo việc làm cho khoảng 100 phụ nữ trên địa bàn làm thời vụ. Phần đông chị em tham gia hợp tác xã ban đầu đều là hộ nghèo, nay đã thoát nghèo. Sản phẩm của hợp tác xã có mặt ở nhiều địa phương, trải dài từ Bắc đến Nam, như: Gia Lai, Đắk Nông, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Doanh thu hằng năm của hợp tác xã từ vài triệu đồng những ngày đầu nay đã lên đến con số hàng tỷ đồng. Không chỉ là chủ nhiệm hợp tác xã, chị H’Yam còn đảm nhiệm nhiều chức danh như Trưởng buôn Tơng Jú, đại biểu HĐND xã, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk; Ủy viên Ban Chấp hành Liên minh hợp tác xã tỉnh nhiều năm liền. Ở cương vị nào chị cũng được các cấp chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Mới đây, buôn Tơng Jú cùng với buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) được tỉnh Đắk Lắk chọn là một trong hai điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu. Chị H’Yam Bkrông làm Trưởng ban quản lý. Với vai trò trách nhiệm mới, chị kêu gọi bà con trong buôn thực hiện nếp sống văn minh, nâng cấp thôn, buôn, ngõ, xóm xanh, sạch, đẹp; mở lớp dạy tiếng Anh, dạy nghề; thành lập các đội cồng chiêng, đội văn nghệ, tạc tượng, nấu rượu cần; khôi phục các lễ cúng bến nước, lễ mừng mùa... hướng bà con dần đến sự chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch. Khắp buôn làng, những ngày tháng 9 như đang vào mùa lễ hội với tiếng chiêng, tiếng cồng rộn vang cùng những vòng xoang thậm thịch và tiếng cười vui của các thanh niên đang hăng say tập luyện. Buôn Tơng Jú đang từng ngày thay da đổi thịt nhờ một phần đóng góp của chị H’Yam Bkrông.

Năm 2010, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông đoạt giải cúp vàng “Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng” của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Năm 2012, chị H’Yam Bkrông được nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA Nguyễn Thị Bình khen tặng danh hiệu “Tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội”. Năm 2013, Hợp tác xã Tơng Bông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2002-2012”. Hợp tác xã cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng bằng khen là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2019. Sản phẩm dệt thổ cẩm của hợp tác xã là một trong 36 sản phẩm được chọn trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Chị H’Yam Bkrông nhiều lần là đại biểu tham dự các kỳ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc tại Hà Nội, vinh dự được gặp nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

                                      Theo: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

30
Đang xem:
72.738.853
Tổng truy cập: