PHỤ NỮ & NGƯỜI KHIẾM KHUYẾT VỚI LÀNG NGHỀ
(14)- Thanh Quyết - người một đời gom nhặt những câu hát
(Ngày đăng: 06/04/2021   Lượt xem: 253)

Với tục hát đúm của quê hương Hà Nam, có lẽ những câu hát, những âm thanh của ngôn ngữ hát đúm không nhạc đệm - hát như nói và nói như hát nên Phạm Thanh Quyết đã thấm ngay từ khi còn nằm nôi...

Nghệ sĩ Phạm Thanh Quyết.
Nghệ sĩ Phạm Thanh Quyết.

Phạm Thị Quyết có nghệ danh là Thanh Quyết là một trong số các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ Vùng mỏ đợt đầu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh (danh hiệu chỉ có ở Quảng Ninh) vào năm 1991. Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú thì chị  được Nhà nước phong tặng tháng 3/2019.

Thanh Quyết là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, hội viên Chi hội Dân gian Việt Nam tại Quảng Ninh, cả cuộc đời chị đã lặng lẽ theo đuổi công việc sưu tầm, truyền dậy và phát huy các giá trị hát đúm ở Quảng Yên từ khi chị còn trẻ. Sau khi nghỉ công tác ở Trung tâm Văn hóa thị xã Quảng Yên, chị vẫn sinh sống ở làng quê Phong Cốc,  xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên.

Với tục hát đúm của quê hương, có lẽ những câu hát, những âm thanh của ngôn ngữ hát đúm không nhạc đệm - hát như nói và nói như hát nên chị đã thấm ngay từ khi còn nằm nôi. Người truyền lửa cho chị đam mê với tục hát đúm này là mẹ chị, một ca nương của làng Phong Cốc khi xưa. Chính vì có điều kiện sinh ra và lớn lên ở vùng quê có tục hát đúm độc đáo ấy mà chị đã ngấm dần, ngấm dần và trở thành một nghệ nhân hát đúm từ khi nào cũng không hay. Là nói vậy thôi, chứ chị, một Nghệ sĩ Vùng mỏ, một nghệ nhân hát đúm đã lặng lẽ như con tằm nhả tơ, đã lặng lẽ như làng quê cổ kính Phong Cốc -Hà Nam của chị để chị dành cả cuộc đời với tình yêu hát đúm. Dù tuổi đã xế chiều nhưng năng lượng trong người nữ nghệ nhân Thanh Quyết vẫn đầy nhiệt huyết, chị vẫn lặng lẽ đi khắp 8 xã đảo khu Hà Nam, tìm tòi, gặp gỡ các cụ cao niên, gom nhặt từng câu, từng chữ của tục hát đúm, vừa để chị hát, chị truyền dạy cho lớp trẻ hôm nay, rồi ghi chép và gom vào để tổ chức in thành sách.

Trang bìa tập sách.
Trang bìa tập sách.

Cách nay hơn 15 năm, tôi đã được đọc bản thảo đầu tiên của chị, khi ấy, tôi đã rất bất ngờ và tập sưu tầm hát đúm đó và chị đã cho xuất bản ngay đầu năm 2004 có tên là Hát đúm Hà Nam - Yên Hưng. Và năm 2019, chị xuất bản tiếp tục cuốn sách về hát đúm làng đảo Hà Nam hoàn toàn là một cuốn sưu tầm các làn điệu, các câu ca chị gom góp sưu tầm trong dân gian với thời gian rất dài, công phu và tâm huyết. Không chỉ miệt mài sưu tầm các câu hát, bài hát dân gian chị còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát đúm Quảng Yên.

Tục hát đúm ở Quảng Yên, Quảng Ninh có từ lâu đời, theo như các cụ kể lại là vùng đảo Hà Nam khi xưa là những người con từ kinh thành Thăng Long đến đảo Hà Nam để quai đê lấn biển, gây dựng xóm làng vào thế kỷ 14. Lễ hội Tiên Công (Lễ hội rước người) cũng ở đảo này và là lễ hội được người dân nơi đây rất coi trọng, là dịp để làng xóm dâng lễ lên tế trời đất và cảm ơn các tiền nhân đã đến đây lập làng, lập đất. Các tiên công được coi là các vị Thành hoàng làng ở khu các xã đảo Hà Nam từ lâu đời rồi. Và, tục hát đúm không thể thiếu trong dịp lễ hội ở các làng quê nơi đây.

Thông thường, văn hoá dân gian bao giờ cũng hình thành trong quá trình lao động sản xuất, nhằm thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của cư dân, vì thế họ tự tìm cách quên đi những sự vất vả của công việc lao động nặng nhọc, của việc lo toan cơm áo hàng ngày bằng cách tự đặt lời hát/hoặc mang theo những lời hát từ cha mẹ truyền dậy mà hát cho nhau nghe, lâu dần thì tự lập nên các nhóm hát để bày tỏ tình cảm với nhau. Mỗi dịp khác nhau họ đã cùng sáng tạo và đặt thêm lời hát, tự đặt lời cho từng hoàn cảnh cụ thể. Là những lời hát, những câu hát ngợi ca công việc, ngợi ca tình thầy trò, trên dưới, là những trao gửi yêu thương của những người trẻ tuổi đang ở cái tuổi hò hẹn lập thân, lập nghiệp…

Ở vùng đảo Hà Nam ai cũng biết có tục hát đúm nhưng để lưu giữ tục hát, để gom nhặt những câu hát còn truyền tụng trong dân gian thì không dễ. Và chỉ có nghệ nhân Phạm Thị Quyết làm được. Vì thế, đọc cuốn hát đúm làng đảo Hà Nam xuất bản năm 2019 của chị tôi thật sự trân trọng cái cách lao động miệt mài của chị, của một nghệ nhân đầy tâm huyết với công việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Để có được cuốn sách gần 300 trang in, tác giả đã rất dầy công để sưu tầm được, có thể nói tác giả đã sưu tầm được  tất cả các làn điệu, cách hát của tục hát đúm làng đảo Hà Nam một cách hệ thống nhất. 

Đây là cuốn sách sưu tầm tập hợp đầy đủ hơn cuốn chị cho xuất bản năm 2004. Hy vọng sau cuốn này, chị vẫn tiếp tục sưu tầm để cung cấp cho bạn đọc nói riêng và những người đi làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn văn hóa dân gian nói chung có thêm những tư liệu giá trị về tục hát đúm của đảo Hà Nam ở Quảng Yên.

                                                     Theo: baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.473.687
Tổng truy cập: