PHỤ NỮ & NGƯỜI KHIẾM KHUYẾT VỚI LÀNG NGHỀ
(19)- Quanh năm mang bánh chưng chuẩn vị Tết đến với thực khách
(Ngày đăng: 29/12/2020   Lượt xem: 782)

Bánh chưng truyền thống của chị Phương Thùy ghi dấu ấn trong lòng khách hàng với sự tin yêu và trân trọng

Chị Đặng Phương Thùy sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ. Bánh chưng đối với chị là tuổi thơ, là một miền ký ức... mà dù có đi bất cứ nơi đâu, hương vị của nó cũng gợi nhớ về vùng đất Tổ ấy.

Bánh chưng trong miền ký ức

Vào mỗi dịp Tết nguyên đán bố mẹ chị dù bận rộn đến đâu nhưng nhất định phải gói một nồi bánh chưng. Bánh nhà gói hương vị đậm đà, thơm nức mùi gạo nếp quê, ăn ngon khác hẳn bánh mua ngoài chợ.

Ai cũng nghĩ chỉ Tết mới gói bánh chưng và bánh chưng Tết mới ngon, còn ngày thường thì nếu có thèm một miếng bánh cũng chỉ mua tạm cho có, hoặc nếu thắp hương mùng một, cúng rằm cũng chạy ra đầu chợ mua một cái, chẳng thể chọn được vị bánh chưng ưng ý kiểu nhà làm. Hương vị Tết trong chiếc bánh chưng ngày càng được "công nghiệp hóa" khiến cho nhiều người quên đi hương vị truyền thống.

"Tôi rất yêu chiếc bánh chưng Phú Thọ quê hương mình và muốn mọi người được thưởng thức chiếc bánh chưng chuẩn vị Tết kể cả vào ngày thường, nên tôi đã dành hết tâm huyết cho món ăn truyền thống đặc biệt này. Tôi làm bánh chưng quanh năm với hương vị truyền thống đặc trưng của Phú Thọ, với mong muốn mỗi người đều nhớ đến hương vị cổ truyền đậm đà bản sắc Việt", chị Thùy chia sẻ.
Bánh chưng chuẩn vị Tết - Ảnh 2.

Bánh chưng nếp cẩm

Nói không với bánh chưng công nghiệp

Theo chị Thùy, bánh chưng chuẩn vị Tết trước tiên là phải gói theo lối truyền thống đúng chuẩn "bánh nhà tự làm", thậm chí còn ngon hơn, cẩn thận hơn chứ không phải gói công nghiệp ào ào, làm nhiều, luộc nhanh bằng pin chì...

Những chiếc bánh chưng cổ truyền của gia đình chị Thùy được gói tại Phú Thọ, gói bằng tay, buộc lạt cẩn thận, tỉ mỉ, mọi nguyên liệu đều phải chọn lựa kỹ càng: Nếp cái hoa vàng, thịt ba chỉ lợn quê thơm ngon, đậu bở tơi và đặc biệt phải được luộc hoàn toàn trên bếp củi. Bánh to luộc đúng 12 tiếng, bánh nhỏ luộc 8 tiếng. Bánh vớt đêm hôm trước, sáng hôm sau đem bán, và bán trong ngày là hết. Đảm bảo bánh tới tay khách luôn là bánh mới.
Bánh chưng chuẩn vị Tết - Ảnh 3.

Đặc trưng của vùng quê Thanh Sơn là gói bánh dài hay còn gọi là bánh tày, bánh tét

Đặc trưng của vùng quê Thanh Sơn là gói bánh dài hay còn gọi là bánh tày, bánh tét. Bánh tày, bánh tét cũng chính là một món "đặc sản" hiếm thấy ở Hà Nội bởi làm được bánh này cần phải có kỹ năng bánh mới chuẩn, mới ngon. Mang những tinh hoa của "bánh chưng Đất Tổ" đến với Thủ đô, chị Phương Thùy đã giúp những người yêu ẩm thực Hà Nội được thưởng thức món ăn truyền thống thi vị.

"Tôi bán chủ yếu loại bánh này vì nó là đặc trưng quê hương mà ở Thủ đô ít người bán. Ngoài bánh tày, bánh vuông truyền thống là không thể thiếu thì tôi còn gói cả bánh chưng gù, bánh nếp cẩm. Đều là những loại bánh truyền thống quen thuộc mỗi dịp Tết đến", chị Thùy tự hào chia sẻ.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bánh chưng "cách điệu" như bánh chưng nhân cá hồi, bánh chưng cốm... nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng chị Thùy vẫn trung thành với hương vị bánh chưng truyền thống, bởi theo chị, bánh chưng truyền thống vẫn luôn được những gia đình Việt yêu thích và có chỗ đứng bền vững. Làm bánh chưng truyền thống không chỉ là mang tâm nguyện giữ cho hương vị cổ truyền không bị mai một, mà còn là hạnh phúc khi nhìn thấy những gia đình vẫn luôn trân trọng nét truyền thống qua mỗi chiếc bánh họ mua về.

Chính vì vậy, chẳng chạy theo thị hiếu cũng không sản xuất công nghiệp bán xô bồ, nhưng bánh chưng truyền thống của chị Phương Thùy vẫn cứ thế ghi dấu ấn trong lòng khách hàng với sự tin yêu và trân trọng.

Bánh chưng chị bán quanh năm, Tết phải làm ngày ngày, làm đêm để cho ra từ 2 đến 3 nghìn chiếc nhưng vẫn không đủ cung cấp tới những người dân Hà Nội yêu thích hương vị bánh chưng Đất Tổ.

Chị Thùy chia sẻ, mặc dù như vậy, nhưng gia đình cũng không vì lợi nhuận mà đi thuê nơi khác làm rồi gắn thương hiệu của mình, bởi chị muốn mang đến cho những người yêu hương vị tết Việt những chiếc bánh chưng thực chất, được làm bằng tình cảm của người con Phú Thọ.
Bánh chưng chuẩn vị Tết - Ảnh 5.

Bánh chưng gù

Tâm huyết với nghề truyền thống và dành trọn tình yêu cho món ăn trọn vị quê nhà, chị Phương Thùy chia sẻ: "Thấy bánh chưng là thấy Tết! Dù bạn có đi đâu, làm gì, chỉ cần trở về bên gia đình, cùng nhau quây quần bên mâm cỗ với chiếc bánh chưng xanh là thấy hương vị tết. Mùi hương thơm lừng tỏa ra hòa quyện hương lá dong, gạo nếp cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng truyền thống đã tạo nên hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được. Chiếc bánh chưng ngon không chỉ cần đảm bảo giữ được hương vị truyền thống mà còn phải được gói vuông vức, chắc chắn để bày lên mâm cỗ tết".

Không chỉ làm bánh chưng truyền thống, gia đình chị Thùy còn làm giò, chả, nem chua Ước Lễ. Đây cũng là nghề gia truyền lâu năm của gia đình chồng mà chị luôn trân trọng giữ gìn và phát huy.

                                                               Theo: phunuvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.472.024
Tổng truy cập: