PHỤ NỮ & NGƯỜI KHIẾM KHUYẾT VỚI LÀNG NGHỀ
(14)- Cụ Bà Lý Thị Chương: Cần mẫn giữ lại nét xưa
(Ngày đăng: 23/04/2020   Lượt xem: 318)

Đến nay, đại đa số phụ nữ dân tộc Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) vẫn sử dụng chiếc khăn vấn màu xanh. Tuy nhiên, hiện cả huyện Bình Liêu chỉ còn một người duy nhất đang miệt mài dệt ra những chiếc khăn này. Bà là Lý Thị Chương - người dân tộc Tày sống tại thôn Nà Phạ 1, xã Tình Húc.

Chiều vàng nắng, trong gian nhà nhỏ chừng chục mét vuông, bà Lý Thị Chương cần mẫn ngồi bên khung cửi để hoàn thành những chiếc khăn cho khách. Thấy chúng tôi đến, bà Chương vẫn không rời khung cửi, chỉ cười thật tươi chào khách. Nụ cười trên gương mặt bà lão hơn 80 tuổi vẫn thật duyên dáng – dấu ấn của một người phụ nữ từng có những năm tháng thanh xuân xinh đẹp. “Ngày nào cũng làm, nhưng không đủ để trả khách đâu. Ai cũng muốn có một chiếc khăn mới để đi ăn cưới, đi hội, đi chợ chơi với bạn bè” – bà Chương cười nói, tay vẫn khéo léo điều khiển chiếc thoi dệt.

cu ba ly thi chuong can man giu lai net xua
Bà Lý Thị Chương vẫn ngày ngày miệt mài bên khung cửi

Theo bà Chương, bà biết dệt vải từ lúc còn là thiếu nữ - thời điểm gia đình bà đang sinh sống ở huyện Hoành Mô (tỉnh Quảng Ninh). Khi đó, vải để may chăn màn, quần áo đều phải tự sản xuất, chưa có bán sẵn nên gia đình nào cũng trồng dâu, nuôi tằm, người phụ nữ Tày nào cũng biết dệt vải, may quần áo. Trong mỗi gia đình, chiếc khung cửi là đồ vật không thể thiếu và được sử dụng thường xuyên.

Lấy chồng rồi theo chồng về huyện Bình Liêu – nơi nghề trồng dâu nuôi tằm cũng rất phổ biến - bà Chương vừa xắn tay lo việc trồng cấy, vừa duy trì công việc dệt vải, may quần áo cho cả gia đình.

Những năm 1980, vải bắt đầu được bán nhiều ở phiên chợ huyện của Bình Liêu. Nghề dệt vải dần mai một. Thay vì hì hục dệt vải để may quần áo, đồng bào đi chợ mua vải về may. Nhiều người đem khung cửi ra làm củi đun, các thiếu nữ lớn lên dần xa lạ với nghề dệt vải, những vườn dâu, nong tằm ngày một thưa thớt… “Giống như nhiều hộ trong xã, gia đình tôi cũng dần dần không dệt vải, nhưng tôi vẫn giữ lại chiếc khung cửi này. Khi thấy nhiều phụ nữ Sán Chỉ thích sử dụng những chiếc khăn tự dệt hơn là mua hàng may sẵn, tôi bắt đầu mua chỉ về dệt khăn để bán. Chỉ để dệt tôi mua ngoài chợ, khoảng 1.800.000/kg, mỗi kg chỉ dệt được khoảng 30 chiếc khăn. Mỗi ngày tôi dệt được 2 chiếc khăn, với giá bán hiện nay là 200.000 đồng/cái, thu nhập cũng đủ để sinh hoạt mà không cần nhờ cậy con cái nhiều” – bà Chương chia sẻ.

cu ba ly thi chuong can man giu lai net xua
Các cô gái Sán Chỉ đá bóng trong ngày hội sử dụng chiếc khăn vấn màu xanh do bà Lý Thị Chương dệt

Góp thêm vào câu chuyện của bà Lý Thị Chương – bà Trần Thị Chương, là hàng xóm và cũng là người dân tộc Tày, hồ hởi kể: “Giờ ai cũng biết bà Chương dệt khăn rồi. Sáng Chủ nhật chưa 6 giờ đã có vài chiếc xe máy đậu ngoài ngõ. Đó là bà con dân tộc Sán Chỉ xuống chợ rẽ qua mua khăn. Cả Bình Liêu còn mình bà Chương dệt khăn thôi – nên làm không hết việc”.

Cẩn thận, chậm rãi… cùng với những câu chuyện rôm rả, chiếc khăn xanh dần hoàn thiện dưới đôi bàn tay khéo léo và đôi chân không nghỉ của bà Chương. Cũng theo bà Chương, trừ khi ốm đau, còn bình thường ngày nào bà cũng ngồi vào khung cửi để dệt khăn kịp trả cho khách. “Tôi không chỉ mua chỉ về dệt mà còn nhận dệt cho những khách có chỉ mang tới. Còn 2 bao tải chỉ khách gửi đây. Sẽ phải hoàn thiện để khách kịp bán vào mùa cưới và mùa lễ hội sắp tới...” – bà Chương vừa chỉ vào 2 bao tải lớn dựng góc nhà vừa cho hay.

Dẫu chỉ là chiếc khăn trơn, một màu, nhưng chiếc khăn vấn màu xanh lại là một trong những đồ trang trí không thể thiếu của người phụ nữ Sán Chỉ ở Bình Liêu. Chiếc khăn vấn cùng chiếc áo xanh và chiếc váy đen không chỉ giúp người phụ nữ Sán chỉ đẹp hơn, mà còn giúp lưu giữ được những bản sắc văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Đây cũng chính là lý do để bà Lý Thị Chương được nhiều người dân tộc Sán Chỉ biết tiếng và quý mến. Chiếc khung cửi đã đi cùng bà Chương cả một đời trở thành hiện vật được các đơn vị văn hóa sử dụng để trưng bày trong nhiều sự kiện.

                                                    Theo: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

28
Đang xem:
72.472.657
Tổng truy cập: