"Con phải giữ làn điệu này cho quê hương" - đó là lời trăng trối của cụ Nguyễn Thị Ga lúc nhắm mắt xuôi tay. Cụ Ga là dì ruột của cụ Vũ Thị Khiên (75 tuổi), một trong các Nghệ nhân Nhân dân hiếm hoi về trình diễn hò cửa đình và múa hát bài bông còn lại của thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

Không học thì thất truyền

Vùng đồng bằng Bắc Bộ vốn đa dạng loại hình văn hóa dân gian. Trong đó, hò cửa đình và múa hát bài bông là loại hình diễn xướng đặc sắc. Dù vậy, hò cửa đình và múa hát bài bông cả một thời gian dài chỉ tồn tại ở thôn Phú Nhiêu.

Gia đình cụ Khiên vốn là nông dân nghèo ở thôn Phú Nhiêu, nhiều đời trước không có ai theo con đường nghệ thuật nói chung hay đàn hát gì. Chỉ đến thế hệ cụ Ga thì dòng họ mới có một người đam mê nghệ thuật và trở thành "cây đa cây đề" của hò cửa đình, múa hát bài bông ở Phú Nhiêu. Người đó chính là cụ Ga.

Duyên nợ với điệu hò, câu hát - Ảnh 1.

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Khiên

"Hò cửa đình, múa hát bài bông vốn do một ca nương gốc Huế truyền dạy. Ca nương này được cho là sống vào khoảng đầu thế kỷ XIX nhưng không có tài liệu ghi chép cụ thể. Ca nương truyền được vài đời thì đến thế hệ dì Ga. Dì truyền dạy cho tôi khi tôi đã 35 tuổi. Khi đó, việc đồng áng bộn bề, thời gian học rất ít nhưng dì bảo tôi rằng con thông minh, có khiếu thực sự nên học chăm chỉ thì sẽ rất nhanh thành thạo. Con không học thì thất truyền" - cụ Khiên bồi hồi kể lại.

Thuộc không thiếu câu nào

Trước Cách mạng Tháng Tám, hò cửa đình và múa hát bài bông vẫn được tổ chức một lần trong năm vào rằm tháng 8 và là ngày hội lớn của Phú Nhiêu. Điểm đặc biệt của hò cửa đình, múa hát bài bông là chỉ cho nam chưa vợ, gái chưa chồng trực tiếp hát múa, trang phục cầu kỳ, vì vậy mà kén người học.

"Mỗi năm hát một lần, mà bài hát cả ngàn câu. Điệu múa cũng phong phú nên để nhớ được qua cả một năm là rất khó, phải tự tập thường xuyên. Nhiều khi không có thời gian tập nhưng phải tự dặn lòng rằng hiện chẳng mấy người thuộc nhiều câu hò, điệu múa như mình mà mình không cố gắng thì nghệ thuật này, như dì Ga nói, có khi không lưu truyền nữa" - cụ Khiên tâm sự.

Vừa kể chuyện, cụ Khiên vừa hát một câu trong bài "Đệ nhất sơn hà": "Chân hào cảnh ứ ư, iêng nhất mai đào xuân khai ờ ứ ư" (múa quạt). Cụ lại tiếp bài "Ngọc Tư Nghê": "Mưa từ trong Quảng Bình mưa ra/mưa khắp thiên hạ mưa ra ngoài này". Đôi tay cụ uyển chuyển múa quạt, đôi chân điệu đà theo nhịp, thần thái tinh anh khiến chúng tôi không còn nhớ cụ đã 75 tuổi.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cả nước tập trung cho kháng chiến nên hò cửa đình và múa hát bài bông ít được trình diễn, có lúc gần như bị quên hẳn. Dù vậy, hằng đêm, cụ Khiên vẫn lẩm nhẩm hát một mình - vừa là niềm vui riêng vừa mong ngóng khi có cơ hội sẽ trình diễn lại.

"Suốt mấy chục năm hò cửa đình, múa hát bài bông không được trình diễn, tưởng chừng như rơi vào quên lãng. Vậy nhưng, hằng đêm tôi vẫn hát cho chồng nghe. Ông ấy bảo nghe tôi hát rất dễ ngủ. Cũng nhờ vậy mà đến nay tôi vẫn thuộc không thiếu câu nào" - cụ Khiên hóm hỉnh.

"Vàng ròng"

Hò cửa đình và múa hát bài bông đều là hình thức diễn xướng tập thể. Người hò là nam, người múa là nữ và đều phải trên 16 tuổi. Người hát thường thuộc tầng lớp nghèo, vốn không có tiền mua chức sắc, ruộng đất… Họ nương tựa vào lời ca tiếng hát để tăng thêm tình yêu cuộc sống, quê hương. Hò cửa đình cầu chúc cho già, trẻ, gái, trai; sĩ, nông, công, thương… tất cả mọi tầng lớp trong xã hội đều khỏe mạnh; con trâu, con gà cũng sinh sôi. Vì thế, những câu hò, điệu hát này đã một thời được nhiều người dân ưa thích. Đó chính là đặc trưng của hò cửa đình, múa hát bài bông.

Hò cửa đình và múa hát bài bông mang tính quần chúng rất cao, mỗi bài một âm điệu, một nội dung và được chia làm 3 loại: bài giáo, bài hò và bài khóng. Trong mỗi bài đều có điệp khúc ở đầu hoặc cuối câu.

Đặc biệt, khi diễn xướng, hò cửa đình cần rất đông người (khoảng 50 người trở lên), chia làm 2 nhóm. Đứng ở giữa là nhóm những người có giọng hò tốt, chia làm 3 hàng, mỗi hàng khoảng 5-6 người làm nhiệm vụ lĩnh xướng. Nhóm thứ 2 là những thành viên còn lại, đứng làm 2 bên trái - phải làm nhiệm vụ hò phần xô. Tất cả đều phải ăn mặc chỉnh tề, quần trắng, áo the, khăn xếp.

Hò cửa đình, múa hát bài bông diễn ra trong không khí rất nghiêm túc, liên tục trong khoảng 2 giờ. Phần múa hát cũng diễn ra không nghỉ, buộc các ca nương phải có sức khỏe tốt, giọng hát đều.

Từ khi thuộc hết 517 câu hò cửa đình và các điệu múa hát bài bông, cụ Khiên luôn kết hợp biểu diễn và tổ chức truyền dạy cho các thế hệ trẻ ở Phú Nhiêu. Những năm kinh tế khó khăn, cứ tối đến là cụ vừa tranh thủ đan lưới vừa dạy hát cho trẻ, có hôm vừa nấu cám heo vừa hò.

Duyên nợ với điệu hò, câu hát - Ảnh 2.

Cụ Khiên nhớ mãi tốp học viên đầu tiên cụ dạy có 10 người, lớn có, nhỏ có nhưng đều ham học. Trong trang phục xúng xính, cứ cơm tối xong là họ kéo đến đầy sân nhà cụ. Người học, người xem dần đông như hội. Sau đó, mọi người rỉ tai nhau cứ ai thích học hò cửa đình, múa hát bài bông thì đến cụ Khiên truyền dạy cho, không cần thành lớp, cũng không cần giờ cố định, đến học bất cứ lúc nào cũng được. Mà cũng chẳng ai phải bỏ bất cứ khoản tiền nào vì với cụ Khiên, điều quý giá nhất là được truyền dạy cho nhiều người biết điệu múa câu hò của tiền nhân.

Cụ Khiên nhẩm tính một hồi mới à lên vì số lượng người được cụ trực tiếp huấn luyện nay đã lên tới hàng trăm, trình diễn cho hàng ngàn người xem. Một số học trò của cụ đã được phong Nghệ nhân Ưu tú.

Khi kinh tế khấm khá hơn - khoảng năm 2005, cụ Khiên và một nghệ nhân nữa ở cùng thôn là cụ Lương Tất Tố (Chủ nhiệm CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông thôn Phú Nhiêu) đã cùng nhau thành lập CLB hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu để có thể thu hút được đông đảo quần chúng tham gia học và biểu diễn. Từ đó, hò cửa đình và múa hát bài bông bước sang giai đoạn phát triển mới. Nếu như trước đây không truyền dạy hò cửa đình và múa hát bài bông cho người ngoài thôn và chỉ trình diễn vào rằm tháng 8 hằng năm thì nay sẽ dạy cho tất cả những ai yêu thích. Hò cửa đình và múa hát bài bông từ đó cũng có thể được biểu diễn nhiều dịp trong năm.

Năm 2007, lần đầu tiên hò cửa đình và múa hát bài bông được chọn biểu diễn trên sóng truyền hình Hà Tây. Lúc bấy giờ, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã thốt lên: "Đây là vàng ròng của nền dân ca dân gian Việt Nam". Dân Phú Nhiêu nghe thế càng thêm tự hào và chung tay bảo tồn di sản này.

Ăn vào máu thịt

Hội rằm tháng 8 bây giờ ở Phú Nhiêu vẫn được tổ chức rất lớn, tiếng vang cả vùng. Dân làng tổ chức rước vua ông bên làng Trần Phú gần đó, về với vua bà ở Phú Nhiêu. Rồi dân làng tổ chức bơi trải. Điệu hò cửa đình và múa hát bài bông được trình diễn mấy ngày liên tục, hết tốp này thay tốp khác không biết mệt, đến nỗi đêm về có người ngủ mơ vẫn hát, vẫn hò. Dường như điệu hát đã ăn vào máu thịt của người dân Phú Nhiêu.

Nghệ nhân Lương Tất Tố chia sẻ: "Trang phục của nghệ thuật này khá cầu kỳ với nữ, nhiều khi người hát không đủ tiền mua. Thấy vậy, cụ Khiên nhiều lần bỏ tiền ra mua tặng các cháu. Bao nhiêu lớp hò cửa đình, múa hát bài bông ở thôn đều qua tay cụ Khiên dạy dỗ. Nghệ thuật hò cửa đình, múa hát bài bông vì thế mà vẫn giữ được như ngày hôm nay".

Bây giờ, hằng ngày, trẻ em ở Phú Nhiêu vẫn đến nhà cụ Vũ Thị Khiên để học hát và ngóng từng ngày đến dịp được biểu diễn. 

Hiện nay, nghệ nhân Vũ Thị Khiên gần như không đứng được vì chân liệt, giọng cũng yếu đi rất nhiều. Dù vậy, cụ vẫn tự lo mọi sinh hoạt với hoàn cảnh một mình đơn chiếc trong căn nhà cấp 4 và vẫn ngồi để dạy múa, dạy hát cho học trò.