MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
(29)- Ứng dụng công nghệ trong sản xuất gốm sứ Bát Tràng
(Ngày đăng: 07/03/2025   Lượt xem: 86)

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất gốm sứ Bát Tràng (tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) ngày càng trở nên phổ biến.

Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm  mà còn tạo ra nhiều thiết kế độc đáo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đồng chí Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất gốm sứ mang lại nhiều thay đổi tích cực cho làng nghề Bát Tràng, đặc biệt là trong quá trình nung đốt tạo thành phẩm. Trước đây, với phương pháp sử dụng lò than, củi để nung gốm đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm cao trong kiểm soát nhiệt độ và thời gian nung.

Quá trình này không chỉ tiêu tốn nhiều công sức mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường do lượng khí thải phát sinh từ việc đốt than, củi. Do đó hiện nay, hầu hết các hộ kinh doanh đều đã chuyển đổi sang hình thức sử dụng lò nung gas hoặc lò điện. Công nghệ này giúp người thợ điều chỉnh, theo dõi nhiệt độ từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại, đồng thời cài đặt tự động hóa quá trình đốt lò theo từng loại sản phẩm, bảo đảm chất lượng hàng hóa và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. 

Nghệ nhân Nguyễn Trung Thành, chủ cửa hàng gốm tâm linh Vạn Linh An tại Bát Tràng, chia sẻ: “Việc chuyển đổi công nghệ đã rút ngắn đáng kể thời gian sản xuất. Nếu như trước đây, một mẻ nung cần từ 10 đến 15 ngày thì nay chỉ mất 2-3 ngày. Điều này không chỉ nâng cao hiệu suất mà còn tiết kiệm công sức lao động, đặc biệt là không phải thức trắng đêm để canh lò”.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất gốm sứ Bát Tràng
Nhiều công đoạn sản xuất gốm vẫn cần bàn tay của người thợ. 
Không chỉ dừng lại ở việc cải tiến quy trình nung, công nghệ còn được ứng dụng rộng rãi trong khâu thiết kế sản phẩm. Nhiều nghệ nhân Bát Tràng đã áp dụng trí tuệ nhân tạo và các phần mềm thiết kế như AutoCAD, SketchUp để sáng tạo mẫu mã. Với sự hỗ trợ của công nghệ này, các nghệ nhân có thể dễ dàng phát triển những thiết kế phức tạp, độc đáo, phù hợp với xu hướng thị trường, đồng thời, phần mềm thiết kế còn giúp giảm sai sót trong quá trình tạo mẫu, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian sản xuất hàng loạt. Nhờ đó, gốm sứ Bát Tràng không chỉ giữ vững bản sắc truyền thống mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng hiện đại. "Khi ứng dụng công nghệ vào thiết kế mẫu mã, khách hàng sẽ dễ tiếp cận sản phẩm dựa trên những hình vẽ 3D đồ họa. Khách hàng có thể điều chỉnh thiết kế, màu sắc theo sở thích trước khi sản phẩm được sản xuất thực tế, thay vì phải chờ đến khi sản phẩm ra lò mới có thể thấy hình dáng cụ thể như trước đây”, đồng chí Phạm Huy Khôi cho biết thêm.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ trong làng nghề cũng đặt ra nhiều lo ngại rằng công nghệ có thể làm lu mờ nét sáng tạo cá nhân của nghệ nhân, khiến sản phẩm bị "công nghiệp hóa", làm mất đi bản sắc truyền thống của làng nghề thủ công. Về vấn đề này, nhiều nghệ nhân cho rằng, trên thực tế, công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn có thể hỗ trợ bảo tồn những giá trị tinh túy của gốm Bát Tràng. Việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại và tay nghề người thợ để tạo ra những sản phẩm vừa mang nét đặc trưng của làng nghề truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại; song, cần có sự kiểm soát và cân bằng hợp lý. Bởi, nếu quá lạm dụng công nghệ, sản phẩm gốm có thể mất đi hồn cốt và giá trị nghệ thuật của nghề thủ công. Do đó, các nghệ nhân Bát Tràng đang hướng đến mô hình kết hợp giữa truyền thống và công nghệ, trong đó công nghệ hỗ trợ nhưng không thay thế hoàn toàn bàn tay người thợ.

Bên cạnh những lợi ích rõ rệt, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất gốm sứ cũng đặt ra một số thách thức nhất định. Trước tiên là vấn đề chi phí đầu tư ban đầu. Việc trang bị lò nung hiện đại, phần mềm thiết kế hay máy móc hỗ trợ đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ, điều này có thể gây khó khăn cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Ngoài ra, để vận hành công nghệ hiệu quả, người thợ cần được đào tạo bài bản, từ cách sử dụng lò nung tự động đến làm chủ các phần mềm thiết kế. Đây là rào cản không nhỏ đối với những nghệ nhân lớn tuổi, vốn đã quen với phương thức sản xuất thủ công truyền thống... Để các doanh nghiệp và hộ sản xuất ứng dụng công nghệ vào sản xuất gốm sứ hiệu quả, UBND xã Bát Tràng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn; phối hợp với Sở Công Thương TP Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội... mở những lớp đào tạo, hướng dẫn, trao đổi về nghề gốm cũng như công nghệ mới cho các nghệ nhân làng nghề.

                                            Theo:  qdnd.vn
Xem thêm:
>> Hướng đi đột phá của Hiệp hội làng nghề Việt Nam - Tìm đầu ra sản phẩm bằng môi trường đào tạo thiết kế chuyên ngành.
>>Ký sự Bát Tràng – Nơi hội tụ của tinh hoa gốm Việt.

>> Tổng kết hoạt động Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nộ
>>Bát Tràng ra mắt câu lạc bộ nghệ nhân thợ giỏi
>>Bát tràng liên hoan vinh danh cho các Nghệ nhân và thợ giỏi được Hiệp hội làng nghề phong tăng lần thứ 8 năm 2018
>>Ký sự làng nghề : Tìm ngày truyền thống cho Làng nghề Việt Nam
>>Nghệ nhân Trần Nam Tước và triển lãm "Danh tướng Việt Nam qua các tác phẩm nghệ thuật"
>>Ký sự nghệ nhân làng nghề Việt nam Tài hoa gốm sứ Bát Tràng
>>Ký sự làng nghề - Tinh hoa gốm sứ Bát Tràng (P1)
>>Ký sự Làng nghề - Gặp gỡ Nghệ nhân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

36
Đang xem:
77.015.855
Tổng truy cập: