Tại quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, "Tri thức may, mặc áo dài Huế, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế" chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh cho biết người Huế luôn quan niệm "y phục xứng kỳ đức". Vì vậy, trang phục không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đã tạo nên hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội, gắn liền việc phân định danh phận, vị thế, vai trò cá nhân, giai tầng.
Các hiệu may áo dài Huế chủ yếu tập trung ở Gia Hội, Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam - những vùng có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và dân cư đông đúc, nơi sinh sống của các gia đình có truyền thống may áo dài Huế.
Các nghệ nhân và thợ may áo dài chăm chút từng công đoạn như cắt, may, luôn tà, và làm nút, biến chiếc áo dài thành một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng giá trị văn hóa Huế.
Áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng, từ học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên đến người trung niên và các bà, chị em buôn bán nhỏ. Các cô gái thường chọn áo trắng hoặc tím nhạt, trong khi học sinh và sinh viên chọn màu tím Huế làm đồng phục.
Ngày nay, người dân địa phương vẫn thường mặc áo dài trong nhiều hoạt động. Phụ nữ và đàn ông đều diện áo dài trong cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế và du xuân dịp Tết.