MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
(35)- Bảo tồn các làng nghề truyền thống: Sự góp sức của những người thợ trẻ
(Ngày đăng: 04/10/2023   Lượt xem: 70)

Học nghề để thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm không chỉ giúp các lao động trong làng nghề truyền thống "sống khỏe" được bằng nghề, mà đó còn là cách để bảo tồn, khôi phục, quảng bá tinh hoa văn hóa của làng nghề đến với bạn bè ngoại tỉnh và trên thế giới. Đó là cách mà nhiều địa phương nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua.

Bảo tồn các làng nghề truyền thống: Sự góp sức của những người thợ trẻ

Nhiều thợ trẻ nhưng đã là tay kim điêu luyện.

Nghề dệt chiếu ở Bồng Hải có tuổi đời hàng trăm năm. Theo tư liệu trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Khánh Thiện, nghề dệt chiếu Bồng Hải (Tổng Bồng Hải, nay là xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh) đã tạo ra những sản phẩm đủ sức vượt trùng khơi theo các tàu buôn sang nước ngoài. Ngoài ra, những tay nghề dệt chiếu giỏi ở Bồng Hải được tham gia dệt chiếu hoa phục vụ Quốc hội, có những lá chiếu rộng 2m cải rồng để phục vụ khách Quốc tế và cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước…

Cụ Hoàng Cao Cự, một thợ dệt chiếu có tiếng ở Khánh Thiện chia sẻ: Vợ chồng tôi đều đã ngót 80 tuổi, sức khỏe không còn nhiều. Nhưng bao nhiêu năm nay, chúng tôi vẫn cố gắng làm nghề và chờ đợi. Chờ đợi để được truyền "lửa nghề" cho người trẻ, để trao gửi niềm tin và trách nhiệm cho các thế hệ sau. Nhưng lớp trẻ bây giờ không ai muốn học và làm nghề dệt chiếu nữa.

Nhằm bảo tồn nghề có hàng trăm năm tuổi này, xã Khánh Thiện đã có nhiều nỗ lực nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát triển nghề dệt chiếu. Xã cũng đã tích cực tuyên truyền, có chính sách hỗ trợ để kéo người trẻ đến với các lớp truyền nghề dệt chiếu. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không có kết quả. Thời buổi kinh tế thị trường đã mở ra cho người dân Khánh Thiện nhiều cơ hội để tìm một việc làm khác với thu nhập cao hơn.

Vậy là, từ một nghề mang lại cơm ăn, áo mặc cho nhiều thế hệ, tới nay ở Khánh Thiện chỉ còn… 1 hộ làm nghề. Ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện tiếc nuối: Trong Đề án du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2040 của xã Khánh Thiện, tiếc rằng địa phương không thể đưa cái nghề có hàng trăm năm tuổi ấy trở thành một sản phẩm du lịch mũi nhọn để thu hút du khách bởi hiện nay, cả xã chỉ còn 1 hộ làm nghề. Đó là sự tiếc nuối rất lớn đối với địa phương và đối với những người thợ dệt…

Thực tế cho thấy, trường hợp mai một làng nghề truyền thống như ở Khánh Thiện không phải là cá biệt. Nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền bởi sự thờ ơ của lớp trẻ. Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm giữ lửa cho làng nghề "cháy" mãi, nhờ vào nỗ lực dạy nghề, truyền nghề cho lớp thợ trẻ.
Bảo tồn các làng nghề truyền thống Sự góp sức của những người thợ trẻ

 
Sự tiếp nối của thợ trẻ đã tạo nên sức sống bền bỉ cho làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân.

Là địa phương có tới 2 làng nghề nổi tiếng đó là làng nghề thêu Văn Lâm và làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, những năm qua, cùng với đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND huyện Hoa Lư cũng rất chú trọng tới công tác dạy nghề cho chính các lao động ở làng nghề.

Sau khi được đào tạo, với trình độ tay nghề cao, phù hợp với xu thế, người lao động sẽ đạt được mức thu nhập tốt hơn ở cùng một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, với đội ngũ lao động thực sự lành nghề còn góp phần bảo tồn và phát triển những ngành nghề truyền thống, lưu giữ tinh hoa văn hóa của quê hương.

Từ năm 2010 đến nay, huyện Hoa Lư đã phối hợp, thực hiện đào tạo nghề cho trên 13 nghìn lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện từ 48,47% (năm 2012) lên trên 60% ở thời điểm hiện nay. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và làng nghề truyền thống; đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch… 

Lao động sau đào tạo nghề truyền thống được các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm đem lại thu nhập ổn định cho người lao động đạt cao, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Hoàn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hoa Lư khẳng định: Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế- xã hội dựa trên khai thác giá trị nông nghiệp, nông thôn; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, kết nối giữa làng nghề với lễ hội và di tích lịch sử, hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm… đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân huyện Hoa Lư.

Hiện nay, toàn tỉnh có 245 làng nghề, trong đó có 54 làng nghề được công nhận danh hiệu làng nghề cấp tỉnh. Nhiều nghề truyền thống đặc biệt nổi tiếng, tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là: Nghề chiếu cói ở huyện Kim Sơn; nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân, nghề thêu ren ở xã Ninh  Hải (huyện Hoa Lư); nghề mây tre đan ở xã Gia Tân (huyện Gia Viễn); nghề gốm ở xã Gia Thủy (huyện Nho Quan); làng nghề mộc Phúc Lộc, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình)…

Toàn tỉnh có trên 24 nghìn hộ tham gia sản xuất, chế tác sản phẩm, trong đó có 65 công ty cổ phần, 126 công ty TNHH, 198 doanh nghiệp, 86 hợp tác xã và tổ hợp sản xuất... giải quyết việc làm cho bộ phận không nhỏ lực lượng lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

Việc hình thành và phát triển các làng nghề không chỉ tạo sự bứt phá mới trong phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ở các địa phương. 

Hầu hết các làng nghề truyền thống ở Ninh Bình đều đã được công nhận danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện. Đặc biệt, làng nghề truyền thống tỉnh Ninh Bình còn đang là những điểm đến trong hành trình du lịch của tỉnh.

Tuy vậy, một thực tế hiện nay là nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một bởi không có sự kế tiếp của người trẻ. Ông Vũ Mạnh Dương, Phó phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong thời gian tới, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường hơn nữa các hoạt động đào tạo nghề cho lao động làng nghề, đặc biệt là thu hút lao động trẻ cùng tham gia học nghề.

Bởi lẽ, lao động trẻ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống. Họ là những người nắm bắt được tay nghề, có khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc giữ chân lao động trẻ nói riêng, lực lượng lao động nói chung có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển làng nghề                                        Theo: baoninhbinh.org.vn
Xem thêm: 
>> (35)- Chung tay gìn giữ di sản lịch sử đền Đức Thánh Nguyễn Minh Không - tại Gia Thắng Gia Viễn - Ninh Bình


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.500.193
Tổng truy cập: